Trung Quốc vừa mới hồi phục sau cuộc khủng hoảng COVID-19. Ngay từ cuối tháng 3/2020, Chính phủ Trung Quốc đã thông báo rằng việc quay trở lại làm việc là điều không thể tránh khỏi. Đó là sự quay trở lại cần thiết và quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc, và tất nhiên là cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, sự trở lại này đã không diễn ra êm ả.
Lần đầu tiên trong lịch sử gần đây của Trung Quốc, Cục thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố những dữ liệu kinh tế và đưa ra những kết luận chính trong một báo cáo về tháng 1 và tháng 2/2020.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã giảm 13,5%, đầu tư tài sản cố định giảm 24,5% và doanh số bán lẻ giảm 20,5%. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa bằng đồng nhân dân tệ giảm 15,9%, trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu giảm 2,4%. Ngoài sự sụt giảm về chỉ số mua hàng, chỉ số giá sản xuất đã giảm trung bình 5,3% trong hai tháng đầu năm 2020.
Nền kinh tế Trung Quốc đã, và có lẽ vẫn tiếp tục suy thoái. Điều này đã đặt ra một vấn đề cho nhà nước vốn phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế liên tục cũng như năng lực sản xuất hàng hóa xã hội (thành quả của sự tăng trưởng này) để duy trì tính chính đáng đối với người dân. Chính quyền Bắc Kinh nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình kinh tế trong nước. Do vậy, chính quyền trung ương đã thực hiện một loạt biện pháp ngân sách uyển chuyển nhằm phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, không có giải pháp thần kỳ trong ngắn hạn: Người ta có thể tự hỏi những biện pháp uyển chuyển này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Trung Quốc.
Phục hồi kinh tế giả tạo
Một điểm khác cần nhấn mạnh: Đầu tháng 3/2020, tạp chí Tài Tân đã tiết lộ nhiều nhà máy gần như trên khắp Trung Quốc đã mở cửa hoạt động trở lại, nhưng đó là sự khôi phục hoạt động giả tạo. Để đáp ứng khẩu hiệu “trở lại làm việc”, nhiều doanh nghiệp đã bật sáng đèn trong các cơ sở sản xuất và nhà máy, nhưng thực tế, họ không sản xuất bất cứ cái gì.
Tạp chí Tài Tân đã ghi nhận: “Tỉnh Chiết Giang đã được ca ngợi là một hình mẫu về phục hồi hoạt động sản xuất công nghiệp trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19. Ngày 24/2, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia đã báo cáo rằng tỷ lệ phục hồi hoạt động sản xuất tại tỉnh Chiết Giang đạt trên 90%”. Tuy nhiên, một quan chức ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, đã tuyên bố rằng các nhà máy nhận được chỉ thị để máy móc chạy chậm suốt cả ngày, còn các văn phòng phải bật máy tính và điều hòa bởi Chính quyền Bắc Kinh bắt đầu đánh giá tỷ lệ phục hồi hoạt động kinh tế bằng việc kiểm tra mức tiêu thụ năng lượng”.
Mức độ gian dối này không phải là một hiện tượng cá biệt ở Trung Quốc. Nhất là vì Bắc Kinh đã nổi tiếng với những dự kiến và những hạn ngạch đôi khi thiếu thực tế dẫn đến thảm họa. Những yêu cầu về phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu tính thực tế này đã đặt ra nhiều vấn đề trong thời điểm hiện tại. Vấn đề thậm chí còn tồi tệ hơn những gì chúng ta hình dung.
Với hệ thống tuyên truyền đang hoạt động hết công suất, không khó để nhận định rằng Bắc Kinh mong muốn “nền kinh tế trực tuyến” được hình thành nhanh nhất có thể để chứng minh cho phần còn lại của thế giới, cũng như các công dân Trung Quốc, thấy được tính ưu việt của nhà nước Trung Quốc đối với việc quản lý khủng hoảng so với thế giới phương Tây.
Tác động đến mọi lĩnh vực
Sản lượng than đã giảm 6,3% từ tháng 1 đến tháng 2 (so với năm ngoái), trong khi sản lượng than cốc cũng giảm 5,5%. Doanh số bán ô tô trong tháng 2/2020 cũng đã giảm gần 80% so với năm ngoái. Bất động sản cũng là một lĩnh vực bị thiệt hại khác, với 30 công ty niêm yết có doanh thu giảm 19% trong 2 tháng đầu năm.
Vấn đề cơ bản ở đây, tác động đến mọi lĩnh vực, là sự giảm sút nhu cầu tiêu dùng nói chung. Và thực trạng này phải mất thời gian dài mới có thể được khắc phục. Do vậy, nó sẽ tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp Trung Quốc, cả ở trong lẫn ngoài nước, cho đến khi nền kinh tế toàn cầu trở nên ổn định hơn.
Trong khi các công ty có niêm yết trên sàn chứng khoán ở Trung Quốc có thể phát hành thêm nợ để giảm bớt các vấn đề tài chính của họ, các công ty tư nhân sẽ phải dựa vào hoạt động ngân hàng ngầm hay sự hỗ trợ của chính phủ để vượt qua giai đoạn này, thậm chí trong suốt cả năm 2020, vì các chính quyền địa phương không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh khoản cần thiết để giữ cho nền kinh tế Trung Quốc khỏi chết chìm.
Các nhà sản xuất ô tô đã kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ. Các nhà sản xuất những dòng xe ô tô chạy bằng năng lượng tái tạo đã chứng kiến sự sụt giảm doanh số trong tháng thứ 8 liên tiếp, chưa kể đến việc mới đây Chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm trợ cấp đối với các doanh nghiệp sản xuất loại phương tiện này. Cần phải nói rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã ở trong tình trạng tồi tệ do cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng cũng do sự sụt giảm doanh số trong lĩnh vực ô tô kể từ hơn 20 tháng qua.
Hiện tại khó có thể khẳng định rằng Bắc Kinh đã thực sự sẵn sàng triển khai các chính sách hỗ trợ riêng cho từng lĩnh vực của nền kinh tế, hay liệu tình hình kinh tế hiện tại có thúc đẩy việc xây dựng một chính sách “miễn phí cho mọi người” hay không, theo đó các doanh nghiệp sẽ yêu cầu sự tài trợ trong khuôn khổ một chương trình phục hồi kinh tế rộng lớn hơn. Bắc Kinh sẽ rất bận rộn để dập tắt “những đám cháy” đang nổi lên gần như khắp nơi trong hệ thống chính trị (theo nghĩa rộng), đồng thời phải liên tục “để mắt” đến nền kinh tế. Đây sẽ là một phép thử toàn diện đối với năng lực lãnh đạo: Rốt cuộc, kết quả kinh tế có khả năng ảnh hưởng lớn đến việc củng cố và duy trì cán cân quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc.
Một số chỉ tiêu tích cực?
Tuy nhiên, có một số “điểm sáng” đằng sau tình hình tồi tệ này. Chẳng hạn, Liên đoàn hậu cần và cung ứng Trung Quốc đã có sự tăng trưởng. Đồng thời, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đem lại sự hồi sinh cho các hãng bảo hiểm tại Trung Quốc. Nhưng toàn bộ ngành bảo hiểm nhìn chung chắc chắn sẽ khốn khổ bởi dịch COVID-19, đặc biệt vì phải giải quyết các yêu cầu thanh toán bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm thương mại. Các yêu cầu này có nguy cơ tăng vọt trong giai đoạn bất ổn này.
Về mặt kinh tế vĩ mô, theo Cục Thống kê Quốc gia, mặc dù tổng sản lượng công nghiệp suy giảm, Trung Quốc đã tạo được khoảng hơn 1 triệu việc làm từ tháng 1 đến tháng 2/2020. Như vậy, tình hình việc làm dường như ổn định về cơ bản. Ngoài ra, dường như hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã hoạt động trở lại, và điều này sẽ khiến chỉ số quản lý thu mua (PMI) tăng trưởng trở lại.
Một kết quả đầy bất ngờ khác của chính sách cách ly mà Trung Quốc thực hiện là sự cải thiện đáng kể chất lượng không khí, dĩ nhiên là tạm thời. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm không khí có thể sẽ lại trở nên tồi tệ hơn so với trước khi xảy ra dịch bệnh, vì Bắc Kinh sẽ không chỉ tìm cách khởi động lại nền kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế đến mức tối đa để bù đắp giai đoạn suy giảm kinh tế do dịch bệnh. Nếu đúng như vậy, những mối quan tâm về môi trường sẽ được đặt sang một bên để ưu tiên cho sự ổn định kinh tế.
Nới lỏng tài chính và tiền tệ thêm một thời gian nữa
Bắc Kinh đã mở “hộp dụng cụ” chính trị của mình, với việc đưa ra các chương trình nới lỏng tài chính và tiền tệ rộng rãi để giúp nền kinh tế Trung Quốc tồn tại trong giai đoạn khó khăn này. Chúng ta hãy cùng nhớ lại những biện pháp chính mà Chính phủ Trung Quốc thực hiện.
Ngày 16/3, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phát hành 550 tỷ nhân dân tệ (tương đương 79 tỷ USD Mỹ) để bơm vào hệ thống tài chính của đất nước, sau khi giảm từ 50 đến 100 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng đã đạt các mục tiêu tài chính, và giảm 100 điểm cơ bản đối với một số ngân hàng cổ phần thương mại. Cũng trong ngày 16/3/2020, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đã bơm 100 tỷ nhân dân tệ (tương đương 14,3 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các hoạt động tín dụng trung hạn.
Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đã công bố một dự thảo nhằm hợp lý hóa quy trình phát hành trái phiếu. Chính phủ Trung Quốc đã tạm thời thay đổi việc phân bổ thuế giữa chính quyền trung ương và chính quyền cấp tỉnh, theo đó, chính quyền cấp tỉnh được nhận thêm 5% thuế thu được cho đến cuối tháng 6/2020, tức khoảng 110 tỷ nhân dân tệ (tương đương 15,72 tỷ USD Mỹ).
Chính phủ cũng đã trao cho chính quyền địa phương nhiều quyền lực và quyền tự chủ hơn đối với quyền sử dụng đất. Các tỉnh sẽ có quyền đánh giá một cách độc lập liệu đất nông nghiệp có thể được sử dụng cho các mục đích khác hay không.
Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc cũng đã ban hành các hướng dẫn nhằm làm thúc đẩy nhu cầu trong nước, chẳng hạn, giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng. Các sở tài chính cấp tỉnh và thành phố cũng đã phân bổ tổng cộng 110,48 tỷ nhân dân tệ (tương đương 15,78 tỷ USD Mỹ) để hỗ trợ các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Bộ Tài chính Trung Quốc cũng đã đóng góp 25,75 tỷ nhân dân tệ. Cuối cùng, Chính phủ Trung Quốc cũng giải ngân gần 1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 142,87 triệu USD) dưới dạng trợ cấp an sinh xã hội nhằm giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp. Các chính quyền cấp tỉnh và thành phố đã phát hành tổng cộng 1.200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 171,45 tỷ USD) trái phiếu trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2/2020. Gần 70% trị giá trái phiếu này được dùng để tài trợ cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng.
Dĩ nhiên, đó chỉ là một số điểm nổi bật trong kế hoạch của Trung Quốc. Xu hướng nới lỏng tài chính và tiền tệ được dự kiến sẽ được tiếp tục trong phần lớn thời gian của năm 2020, hoặc cho đến khi đại dịch ổn định trên toàn thế giới. Năm 2020 có lẽ là một năm mà Trung Quốc sẽ thực hiện những cải cách lớn mang tính cơ cấu.
Hiện tại, Bắc Kinh hết sức tự tin vào các chương trình của mình, đến mức Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố công khai rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở lại bình thường từ nay cho tới quý II/2020, thời điểm mà các chương trình này dự kiến sẽ có hiệu lực đầy đủ. Tuy nhiên, những tuyên bố như vậy có phần khó hiểu: “Bình thường” có thể được hiểu như thế nào? Phải chăng những tuyên bố này cho thấy ĐCSTQ tin rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi cho dù nền kinh tế toàn cầu không có sự phục hồi? Cho dù có những chương trình nới lỏng quy mô lớn này, Bắc Kinh đã quay trở lại với những thói quen trước đây: “dốc tiền” vào giải quyết một vấn đề cho đến khi nó biến mất.
Chuyển hướng con tàu
Nếu như mục tiêu thực sự là đưa nền kinh tế thoát khỏi cái bẫy của sản xuất dư thừa và sự phụ thuộc quá mức vào các hoạt động đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng – mà rốt cuộc thường không được sử dụng triệt để (chẳng hạn do các sân bay quá gần nhau), thì Bắc Kinh sẽ phải phát triển các biện pháp mới nhằm kích thích nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái. Như vậy, Trung Quốc hiện đang trải qua một giai đoạn đặc biệt, và có lẽ các chính sách kinh tế nghiêng nhiều về học thuyết Keynes đúng là những gì Trung Quốc cần để vực dậy nền kinh tế.
Chúng ta có thể nói về một vấn đề muôn thuở, đó là các mối quan hệ và sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các tỉnh và chính quyền trung ương.
Nhưng nếu mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh là thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc hướng tới tiêu dùng nội địa và ngành công nghiệp thứ ba, Bắc Kinh sẽ phải bắt đầu bằng việc cải thiện nguồn cung, chất lượng và khả năng tiếp cận của các ngành dịch vụ. Nếu cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho chúng ta sáng tỏ phần nào về tình trạng dịch vụ công ở Trung Quốc, thì điều chắc chắn là họ vẫn thiếu nhân sự quản lý có năng lực. Hiện tại, Bắc Kinh muốn duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp cho đến khi nền kinh tế đất nước phục hồi. Điều này có lẽ không xảy ra trong năm 2020 và chiến thuật cũ chỉ là bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã phát hành tổng cộng 173,4 tỷ nhân dân tệ trái phiếu doanh nghiệp nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh. Ý định cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã rõ ràng: Hãy để thị trường giải quyết các vấn đề thanh khoản của doanh nghiệp. Bắc kinh luôn được mong đợi lựa chọn những cách tiếp cận theo định hướng thị trường nhiều hơn để giải quyết những vấn đề tương tự như đã nêu.
Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời: Liệu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể trả được các khoản nợ từ trái phiếu hay không? Những trái phiếu này, trong giai đoạn bình thường, khi nền kinh tế thế giới không ở tình trạng khủng hoảng, sẽ không thực sự gây ra vấn đề. Nhưng với tình hình hiện tại, nền kinh tế quốc gia mới bắt đầu phục hồi và nền kinh tế của phần còn lại của thế giới sắp “đóng cửa”, người ta tự hỏi liệu những trái phiếu này có góp phần làm tăng thêm những rủi ro dài hạn trong hệ thống tài chính của Trung Quốc hay không.
Nhưng có lẽ Bắc Kinh đã ngầm chấp nhận một sự thỏa hiệp: Đạt được tính thanh khoản trong ngắn hạn trên thị trường cho dù phải chịu nhiều rủi ro hơn đối với toàn bộ hệ thống tài chính.
Cuối cùng, mối quan tâm trước mắt của Bắc KinhQ là nếu các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phát hành nợ nhằm đối phó với vấn đề thanh khoản, thì điều này có thể dẫn đến làn sóng phá sản ở quy mô quốc gia. Tình huống này có thể là “giọt nước tràn ly” khiến hệ thống tài chính Trung Quốc sụp đổ. Bởi hệ thống này vốn đã chịu nhiều thử thách trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Bất chấp những lo ngại này, việc cho phép các doanh nghiệp trong tình trạng khó khăn được phép ồ ạt phát hành nợ vẫn là một quyết định đầy rủi ro, đặc biệt là vào thời điểm đại dịch COVID-19 hiện đang tác động đến những người tiêu dùng phương Tây.
Trần Quyên