Ngoại giao kinh tế: Sứ mệnh trung tâm, xuyên suốt

0
141
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước ngày 19/9. (Nguồn: TTXVN)

Ngoại giao kinh tế hay Chỉ thị số 15-CT/TW đã truyền động lực và cảm hứng tới các nhà ngoại giao ra sao? Họ đã và đang ấp ủ những ước muốn nào? Ở mỗi địa bàn là một câu chuyện riêng, mọi ước muốn có thể khác nhau nhưng cùng chung đích đến là sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước ngày 19/9. (Nguồn: TTXVN)

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ngoại giao phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ”. Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước”. Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030 của Ban Bí thư tiếp tục nhấn mạnh: “Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững…”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi nói về ngoại giao kinh tế đã khẳng định rằng: “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”. Như vậy, với các nhà ngoại giao ở nước ngoài, ngoại giao kinh tế đã trở thành “sứ mệnh” vô cùng quan trọng đưa đối ngoại và ngoại giao thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới. Nhà ngoại giao giờ đây chính là cầu nối để những “bánh xe thị trường” giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế nhanh hơn, tận dụng mọi cơ hội và khai phá mọi tiềm năng.

Như được tiếp thêm động lực

Chia sẻ về ý nghĩa của Chỉ thị số 15-CT/TW, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh, Chỉ thị đã giúp các cán bộ ngoại giao tại địa bàn nhận thức rõ hơn là phải chủ động, quyết liệt hơn nữa trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong bối cảnh nước ta bước vào giai đoạn phát triển kinh tế xã hội mới theo hướng chất lượng và chiều sâu trong lúc cạnh tranh nguồn lực, thị trường và tập hợp lực lượng về kinh tế, khoa học công nghệ giữa các quốc gia ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, khi Chỉ thị được ban hành, các cán bộ ngoại giao tại địa bàn cảm nhận được rõ hơn sự quan tâm sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với những chỉ đạo kịp thời và định hướng cụ thể. Những “người lính” trên mặt trận đối ngoại cảm nhận được sự đồng hành của cả hệ thống chính trị trong triển khai Chỉ thị, từ trung ương tới địa phương, người dân và các doanh nghiệp.

Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng bày tỏ: “Từ đó, chúng tôi như được tiếp thêm động lực trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) tại địa bàn trong các công tác cụ thể như nghiên cứu, tham mưu; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại sở tại; tham gia tháo gỡ khó cho doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Hàn Quốc trong quá trình hợp tác với nhau”. Riêng từ tháng Tám đến nay, Đại sứ quán đã trực tiếp hỗ trợ và hướng dẫn thông tin về đầu tư với khoảng 60 Lãnh đạo, đại diện của các doanh nghiệp Hàn Quốc và giúp tổ chức hơn 20 đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại của các địa phương hai nước.

Với Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Chỉ thị 15-CT/TW cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trở thành “kim chỉ nam” trong các hoạt động kinh tế tại địa bàn. Trên tinh thần của Chỉ thị, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tiếp tục xác định rõ ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm, quán triệt việc lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm và tiến hành công tác ngoại giao kinh tế trên một quan điểm tổng thể, toàn diện, huy động toàn bộ lực lượng để có thể đóng góp nhiều nhất cho việc huy động nguồn lực từ địa bàn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Từ đó, công tác ngoại giao kinh tế đã được Đại sứ quán triển khai hết sức khẩn trương và nhuần nhuyễn, với nhiều hình thức và trên nhiều kênh, với sự gắn kết chặt chẽ giữa ngoại giao kinh tế với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa cũng như công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy địa bàn tại Pháp cũng như các địa bàn kiêm nhiệm, tận dụng tối đa các quan hệ đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế. Công tác tham mưu, đề xuất cho Chính phủ cũng như hỗ trợ kết nối cho các bộ, ngành, địa phương trong nước với các đối tác ở sở tại được tăng cường.

Đi đến tận cùng của cơ hội

Xác định thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam – Singapore là nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu, ngay khi nhận nhiệm vụ, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng đã đặt ra nhiều mục tiêu để chinh phục và kiên trì thực hiện để thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. Quyết tâm “gõ” từng “cánh cửa” hợp tác trên “đất vàng” Singapore là điều mà Đại sứ Mai Phước Dũng luôn theo đuổi.

Điều Đại sứ Mai Phước Dũng trăn trở nhất hiện nay là với một nước còn trong giai đoạn đang phát triển như Việt Nam, việc huy động các nguồn lực bên ngoài, từ vốn tới công nghệ, kỹ năng và con người là yếu tố quan trọng góp phần đánh thức các tiềm năng cho tăng trưởng và phát triển. Singapore không chỉ dồi dào trong các nguồn lực của chính họ mà còn là nơi nhiều tập đoàn kinh tế quốc tế lớn đặt văn phòng, trụ sở, rất phù hợp cho việc thúc đẩy ngoại giao kinh tế.

Nhưng bất kỳ nhà đầu tư nào cũng quan tâm đến tính hiệu quả trong các dự án đầu tư của mình. Do vậy, để thu hút được các nhà đầu tư có chất lượng vào Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp toàn diện giữa trong nước và ngoài nước. Ngoài sự nỗ lực vận động tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, cần hiểu rõ vai trò đặc biệt quan trọng của việc hoàn thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước, trong đó có thể chế và hành lang pháp lý, chiến lược phát triển các ngành kinh tế, chính sách thương mại và thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng số… Sự phát triển mạnh và vững vàng của các doanh nghiệp nội địa để trở thành những đối tác tin cậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng là nhân tố đặc biệt quan trọng.

Còn tại địa bàn Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng đang nỗ lực đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi khó trên hành trình làm “cầu nối” của mình. Quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian qua đã tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu, phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, hệ thống đối tác và lĩnh vực hợp tác giữ hai nước phong phú và đa dạng, cộng đồng người Việt Nam ở Pháp là một trong những cộng đồng lớn tại châu Âu, các tiềm năng hợp tác rất lớn và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước ta hiện nay.

Do vậy, việc làm thế nào để tận dụng, phát huy được các lợi thế trong quan hệ, làm thế nào để biến các tiềm năng thành cơ hội thực sự, tạo dựng được những kết nối hiệu quả, bền chặt, để cho các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước cũng như giữa Việt Nam với mọi đối tác mà Đại sứ quán phụ trách phát triển thật mạnh mẽ là điều mà Đại sứ Đinh Toàn Thắng và các cán bộ của Đại sứ quán cũng như của tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy và phấn đấu.

Với Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng, điều đau đáu hơn cả hiện tại là làm thế nào có thể tiếp nhận các công nghệ từ Hàn Quốc. Để thực sự làm chủ công nghệ tiên tiến, cần phải có đội ngũ khoa học công nghệ mạnh, lực lượng lao động trình độ cao cũng như các doanh nghiệp nhạy bén, năng động và chính sách khoa học – công nghệ quốc gia hiệu quả. Đây là các yếu tố cần thiết để Chính phủ và doanh nghiệp hai nước hợp tác trong vấn đề chuyển giao công nghệ cũng như Việt Nam có thể tận dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quá trình phát triển nền kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và góp phần giải quyết vấn đề thâm hụt của Việt Nam trong thương mại với Hàn Quốc.

Rõ ràng, với phương châm ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển” là thông điệp Thủ tướng Phạm Minh Chính từng gửi gắm và là hành trang chính sách vững vàng, các nhà ngoại giao sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, không “đánh rơi” bất kể cơ hội nào, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vì sự phát triển của đất nước.

Trong Báo cáo công tác ngoại giao kinh tế năm 2022 vừa qua, Bộ Ngoại giao nêu sáu trọng tâm cho công tác ngoại giao kinh tế của Bộ trong thời gian tới, bao gồm quán triệt Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, từ đó định hướng trọng tâm và tăng hiệu quả phối hợp triển khai công tác ngoại giao kinh tế, tiếp tục phát huy thế mạnh của ngoại giao trong nghiên cứu, dự báo, hỗ trợ thiết thực cho công tác điều hành của Chính phủ; tận dụng các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao để thúc đẩy hợp tác kinh tế, tháo gỡ các vướng mắc; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới và đẩy mạnh xúc tiến, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, địa phương, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Phạm Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here