Ngày 08/03/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, bao gồm các nội dung về: bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; quy chế quản lý khu bảo tồn biển; Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; các hoạt động liên quan đến nuôi trồng và khai thác thủy sản; hoạt động kiểm ngư…
Về quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phân thành hai nhóm, gồm Nhóm I và Nhóm II theo một số tiêu chí về nguồn gen, số lượng trong tự nhiên hoặc nguy cơ tuyệt chủng… và có chế độ quản lý và bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Theo đó, loài thuộc Nhóm I được khai thác vì một trong các mục đích như: Bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế. Loài thuộc Nhóm II được khai thác vì một trong các mục đích như: Bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế hoặc đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định này.
Về hoạt động nuôi trồng thủy sản, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản (có hiệu lực trong vòng 24 tháng) như sau:
– Cơ sở gửi hồ sơ (gồm: Đơn đề nghị; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao khu vực biển, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; sơ đồ vị trí đặt lồng/bè, sơ đồ khu vực nuôi trồng thủy sản) đến cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh;
– Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra thực tế và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản, nếu cơ sở đạt yêu cầu.
Giấy chứng nhận sẽ bị thu hồi nếu bị tẩy xóa, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận hoặc cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hoặc có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận
Nghị định 26/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/04/2019. Toàn văn Nghị định có thể tham khảo tại đây: Nghị định 26.2019
(Ban Quản trị Trang NGKT Trực tuyến)