Vụ Huawei không chỉ là cuộc cạnh tranh công nghệ?

0
160
Vụ kiện được cho là sẽ đẩy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lên một nấc thang mới(Nguồn: Yocahu)
Vụ kiện Huawei được cho là sẽ đẩy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lên một nấc thang mới. (Nguồn: Yocahu)

Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ trước những cáo buộc cho rằng, thiết bị Huawei có thể được sử dụng với mục đích tình báo, đồng thời là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ.

Vụ kiện được cho là sẽ đẩy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lên một nấc thang mới.

Căng thẳng tiếp tục được đẩy lên 

Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc được thành lập năm 1987 và có trụ sở chính tại thành phố Thâm Quyến (Shenzhen), miền Nam Trung Quốc.

Huawei là nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, trong đó có mạng không dây thế hệ mới 5G. Đây là công nghệ cho phép truyền gần như lập tức một lượng lớn dữ liệu, được xem là chìa khóa để đi vào thế giới Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT), trong đó hàng tỷ bộ cảm biến sẽ được tích hợp vào các thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, thiết bị theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi và thiết bị đeo… . Huawei đã đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ này, chủ yếu cạnh tranh với hãng Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.

Là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới và là một trong các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông hàng đầu thế giới, nhiều năm qua Huawei vẫn bị giới chức Mỹ cho vào “tầm ngắm” do lo ngại điện thoại di động và thiết bị mạng của hãng có thể tạo nền tảng cho hoạt động do thám của Bắc Kinh.

Hồi tháng 8/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) cho tài khóa 2019, trong đó có điều khoản quy định sự kiểm soát của quốc hội nước này đối với các hợp đồng mà Chính phủ Mỹ ký với các tập đoàn công nghệ Huawei và ZTE. Điều khoản này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện quan ngại về việc hai tập đoàn trên có mối liên hệ với các cơ quan tình báo Trung Quốc. Bắc Kinh đã bày tỏ sự bất bình trước động thái này của Washington, trong khi ban lãnh đạo Huawei liên tục bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng tập đoàn này là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ. Chủ tịch Huawei cáo buộc chính phủ các nước phương Tây đang tìm cách ngăn cản nỗ lực của tập đoàn viễn thông này triển khai công nghệ trên khắp thế giới đồng thời cảnh báo sẽ rút các đối tác tại các nước không hoan nghênh tập đoàn Huawei.

Vào đầu tháng 12, sự việc trở nên phức tạp khi Phó chủ tịch khiêm Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu cũng là con gái của nhà sáng lập tập đoàn này, bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Washington với nhiều cáo buộc, trong đó có gian lận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Iran. Động thái này đã gây căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada.

Trong một động thái làm gia tăng căng thẳng hơn nữa với Trung Quốc, nhà chức trách Mỹ sau đó đã chính thức cáo buộc tập đoàn công nghệ Huawei và bà Mạnh Vãn Chu, cùng 2 công ty con của Huawei đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Trong bản cáo trạng gồm 23 tội danh, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Huawei đã lừa dối một ngân hàng quốc tế và nhà chức trách Mỹ về quan hệ giữa họ với 2 công ty con là Skycom Tech và Huawei Device USA để tiến hành các giao dịch tại Iran. Bộ Tư pháp Mỹ còn khẳng định Huawei đã đánh cắp bí mật thương mại, gian lận ngân hàng và cản trở công lí khi đánh cắp công nghệ robot từ nhà khai thác mạng T-Mobile US ở Mỹ.

Tiếp đó, ngày 29/1, chính quyền Mỹ cũng xác nhận các kế hoạch tìm cách dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ xét xử và Canada đã ra thông báo cho phép tiến hành bước đầu tiên trong tiến trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ.
Không chỉ có vậy, Washington cũng đã kêu gọi các đồng minh phương Tây không sử dụng các thiết bị và công nghệ của Huawei. Trước lời kêu gọi này của Mỹ, một số tập đoàn của châu Âu như BT Group của Anh và Orange của Pháp cho biết sẽ không sử dụng thiết bị 5G của Huawei trong các hệ thống mạng quốc gia do lo ngại vấn đề bảo mật, mặc dù cho đến nay Liên minh châu Âu (EU) chưa thực hiện các bước nhằm “cấm cửa” Huawei.

Trước các diễn biến trên, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc khi Mỹ công bố các tội danh hình sự đối với Tập đoàn công nghệ Huawei, cho rằng động thái này của Washington có động cơ chính trị. Trung Quốc yêu cầu Mỹ đối xử với các công ty nước một cách “công bằng và khách quan” và khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ các lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã cáo buộc Washington “hành xử kiểu bắt nạt” đồng thời kêu gọi Mỹ rút lại yêu cầu dẫn độ CFO của Huawei.

Trong khi đó, Tập đoàn công nghệ Huawei cũng đã bác bỏ và bày tỏ sự thất vọng đối với bản cáo trạng mà Chính phủ Mỹ đưa ra chống lại tập đoàn này và bà Mạnh Vãn Chu. Trong một động thái đáp lại các cảnh báo của Mỹ cho rằng Huawei có thể bị chính quyền Bắc Kinh sử dụng để làm gián điệp, ngày 6/3, Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc đã có một động thái chưa từng có tiền lệ đó là mở cửa cho truyền thông nước ngoài tới tham quan trụ sở của công ty này.

Cuộc đọ sức giữa phương Tây và Trung Quốc

Ngày 7/3/2019, Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã chính thức đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ lên tòa án liên bang tại Plano, bang Texas, liên quan đến Đạo luật chi tiêu quốc phòng (NDAA), trong đó Washington cấm các cơ quan liên bang Mỹ sử dụng thiết bị của tập đoàn này.

Trong tuyên bố, Chủ tịch Huawei Quách Bình nhấn mạnh: “Quốc hội Mỹ đã liên tục không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để giải thích cho việc cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei”, buộc hãng sử dụng hành động pháp lý trên như một “giải pháp thích hợp cuối cùng”. Ngoài ra,  Huawei còn cáo buộc Chính phủ Mỹ “xâm nhập các máy chủ”, “đánh cắp nhiều thư điện tử và mã nguồn” của tập đoàn này.

Cụ thể, trong nội dung đơn kiện, Huawei tập trung vào điều khoản 889 trong Đạo luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành năm ngoái, theo đó cấm các cơ quan liên bang Mỹ ký hợp đồng mua sắm các trang thiết bị viễn thông do Huawei và ZTE – một công ty công nghệ khác cũng của Trung Quốc – sản xuất. Huawei cho rằng lệnh cấm trên không chỉ trái pháp luật mà còn cản trở tập đoàn này tham gia cạnh tranh công bằng, dẫn tới gây tổn hại cho chính người tiêu dùng Mỹ.

Động thái kiện Chính phủ Mỹ của tập đoàn Công nghệ Trung Quốc Huawei nhằm bắn tín hiệu công ty này sẵn sàng trải qua một quy trình công khai để lấy lại thanh danh. Một bước đi có thể giành được niềm tin của các quốc gia phương Tây khác trong việc sử dụng thiết bị Huawei.

Theo quy định của Chính phủ Mỹ, một tòa án có quyền “vô hiệu hóa” một phần nội dung điều khoản mà không gây ảnh hưởng tới toàn bộ đạo luật. Bởi vậy, về mặt lý thuyết, Huawei có thể kỳ vọng tòa án liên bang tại Plano, bang Texas sẽ bãi bỏ điều khoản 889 trong NDAA, từ đó mở đường để công ty này tiến hành các cuộc thương thảo với Chính phủ Mỹ.

Trên thực tế, Tập đoàn công nghệ Huawei vừa khánh thành Trung tâm Minh bạch An ninh mạng mới của mình tại Brussels, Bỉ vào ngày 5/3, với mục đích giúp xây dựng một môi trường kỹ thuật số an toàn và đáng tin cậy ở châu Âu.

Chính vì vậy, theo luật sư Paul Haswell tại công ty luật Pinsent Masons, nếu Huawei thắng kiện, điều đó có thể dẫn đến việc đảo ngược lệnh cấm của Mỹ đối với thiết bị Huawei và có thể là phần thưởng cho những thiệt hại đáng kể vừa qua.

Tuy nhiên, nếu như thua kiện, Mỹ sẽ gần như là một thị trường “bất khả xâm phạm” đối với Huawei và cuộc đọ sức giữa phương Tây và Trung Quốc trong lĩnh vực mạng thông tin liên lạc – lĩnh vực mà tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ cạnh tranh công nghệ.

Thanh Lâm

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here