Ngành nhựa ‘chuyển mình’ cùng nền kinh tế Việt Nam, hướng tới sản xuất xanh

0
121
Ngành nhựa nỗ lực nâng cao chất lượng sản xuất theo xu hướng xanh hóa sản phẩm. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, ngành nhựa có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước; trong đó, 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng doanh thu ngành nhựa đã đạt trên 25 tỷ USD, xuất khẩu chiếm 22%.

Ngành nhựa nỗ lực nâng cao chất lượng sản xuất theo xu hướng xanh hóa sản phẩm. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Doanh nghiệp nhựa Việt Nam đã và đang sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và thị trường xuất khẩu.

Sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới và có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản…

Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành nhựa đó là bao bì, các loại tấm, phiến, màng, các sản phẩm dùng trong vận chuyển đóng gói, nhựa gia dụng, đồ dùng trang trí.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhận định, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trưởng đều qua các năm từ 3 tỷ USD trong năm 2018 lên đến 5,5 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình từ 12-20%/năm.

Nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, còn lại 70% được nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

“Cùng với những bước chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam, ngành nhựa đã có những bước tiến liên tục để theo kịp và hỗ trợ hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là chuyển đổi sản xuất xanh.

Về phía Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội sẽ thúc đẩy xây dựng chiến lược phát triển cho ngành nhựa Việt Nam giai đoạn 2023-2030, giúp doanh nghiệp có định hướng phát triển ngành và đầu tư bài bản; đa dạng chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tạo cầu nối cho doanh nghiệp hội nhập thị trường toàn cầu”.

Đơn cử như công ty DUYTAN Recycling đã lựa chọn con đường khó khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy nhựa tái chế rộng 65.000 m2, có tổng công suất 100.000 tấn/năm, với dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu mới từ châu Âu.

Ngoài những tiêu chuẩn ISO cho hệ thống  quản lý, sản phẩm của công ty đáp ứng tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA)… là minh chứng cho chất lượng sản phẩm hạt nhựa tái sinh an toàn cho sức khỏe, phù hợp để sản xuất bao bì cho thực phẩm, đồ uống.

Tính đến thời điểm này, đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tái chế “Bottle to Bottle” – mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.

Đặc biệt, ngày 30/10/2023, DUYTAN Recycling đạt Chứng nhận Doanh nghiệp Công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và cũng là một trong những bước tiến quan trọng đối với doanh nghiệp khi không nhừng nỗ lực kiểm soát và nâng cao chất lượng sản xuất theo xu hướng xanh hóa sản phẩm.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó hơn một nửa thải ra biển. Tuy nhiên, sau cam kết “Net-Zero” vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP-26) và các hiệp định thương mại thế hệ mới, đến nay chủ đề phát triển bền vững càng được doanh nghiệp, cũng như cộng đồng xã hội quan tâm.

Cùng với đó, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đã và đang thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn với chu trình sản xuất khép kín, chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Do đó, trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm sử dụng nhựa tái chế, hay nói cách khác là được tái sinh vòng đời trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng… là những tín hiệu đáng khích lệ về xử lý rác thải nhựa nói riêng và chuyển đổi sản xuất xanh trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here