Doanh nghiệp xuất khẩu không còn phải ‘ăn đong từng đơn hàng’

0
53
Tình hình của doanh nghiệp xuất khẩu đã có phần khởi sắc hơn. (Nguồn: Báo Công Thương)

Sau thời gian dài thị trường trong tình trạng ảm đạm, các doanh nghiệp xuất khẩu đã đón nhận những đơn hàng mới và tình hình xuất khẩu cũng “ấm” lên.

Tình hình của doanh nghiệp xuất khẩu đã có phần khởi sắc hơn. (Nguồn: Báo Công Thương)

Theo Bộ Công Thương, tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước cho thấy mức suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) cho biết, từ nửa cuối năm 2022, đơn hàng xuất khẩu ngành gỗ đã sụt giảm nghiêm trọng, tình trạng này kéo dài đến giữa năm 2023.

Có rất nhiều nguyên nhân như suy giảm kinh tế ở các thị trường quan trọng như Mỹ, EU; xung đột quân sự Nga-Ukraine tạo nên tâm lý bất an, chủ trương thắt chặt chi tiêu của phần lớn người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng âm, hầu như không có đơn hàng để sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng không thiết yếu.

Từ quý III/2023, thị trường đã có những tín hiệu tích cực hơn; khách hàng bắt đầu “rục rịch” hỏi mua hàng cho mùa lễ hội cuối năm.

Tính đến hiện tại, Sadaco đã có một số đơn hàng đến quý I/2024, duy trì công suất nhà máy từ 70 – 80%. Dù chưa thể hoạt động hết công suất nhưng đây thật sự là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp nếu so với mức suy giảm gần 50% nửa đầu năm.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ, sau thời gian dài chật vật “ăn đong từng đơn hàng”, từ quý IV/ 2023, tình hình của ngành dệt may đã có phần khởi sắc hơn khi thị trường nội địa và xuất khẩu bắt đầu có nhu cầu trở lại.

Dù thị trường xuất khẩu chưa đạt được sức mua như những năm trước nhưng đơn hàng của doanh nghiệp đã dần phục hồi khoảng 80% so với trước. Đây là động lực để doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cho những tháng cuối năm.

Về ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) nhìn nhận, tình hình khó khăn thời gian gần đây, bên cạnh nguyên nhân khách quan từ thị trường thế giới còn có lý do chủ quan từ chính doanh nghiệp.

“Sau một thời gian tăng trưởng hai con số liên tục trong 10 -15 năm nhờ quy mô thị trường thế giới tăng mạnh, doanh nghiệp gỗ Việt Nam bắt đầu đi vào vùng an toàn. Phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu nhưng sản xuất ở nội địa và chờ nhà mua hàng quốc tế đến.

Chỉ khi đơn hàng khan hiếm, doanh nghiệp Việt mới bắt đầu đi xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng. Thế nhưng, khi đi xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp tiếp tục bộc lộ điểm yếu là không có sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng cao mà chỉ có năng lực gia công nên rất khó tìm được đơn hàng”, ông Nguyễn Chánh Phương nhấn mạnh.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ khắc phục các nút thắt trên, từ đầu năm 2023 đến nay HAWA đã đẩy mạnh tổ chức các sự kiện xúc tiến, thương mại; chọn các mặt hàng mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh cao như đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ để quảng bá.

Để cải thiện hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng công tác thiết kế, phát triển sản phẩm mới, đa ứng dụng. Đồng thời, hội cũng khuyến khích các doanh nghiệp trẻ đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đáp ứng đúng yêu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách hàng toàn cầu.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here