Ngành logistics Việt Nam: Xếp thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả, thuộc Top 5 ASEAN

0
236
Theo bảng xếp hạng của Agility 2023, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Ngành dịch vụ logistics đã từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và hoạt động xuất – nhập khẩu. Tuy nhiên, để hướng đến cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, gia tăng tính cạnh tranh, đáp ứng theo các chuẩn mực quốc tế thì cần phải phát triển công nghệ và gia tăng dịch vụ giá trị ngành logistics.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2023, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8 – 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới. Theo báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2023 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp hạng 10/50 thị trường logistics mới nổi, tăng 1 bậc so với năm trước.

Trong khi đó, hạ tầng logitics trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối… Điều đó gây cản trở việc nâng cao tính cạnh tranh của ngành logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.

Đi sâu phân tích vấn đề này, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA chia sẻ, sự liên kết giữa các phương thức vận tải vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do năng lực vận tải thủy còn thấp qua việc vận tải đường thủy nội địa chỉ chiếm tỷ lệ 21,6%; vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 73%. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển qua hình thức vận tải đường biển chỉ chiếm 5,2%, đường sắt 0,2% và đường hàng không 0,01%. Qua đó, làm cho chi phí logistics tăng cao,  giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI – Logistics Performance Index) tụt 4 hạng so với thứ 39 của năm 2018; thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.

Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14 – 16%, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức và hạn chế về năng lực của nhà cung ứng dịch vụ logistics. Hoạt động chuyển đổi số của hầu hết doanh nghiệp logistics cũng ở trong giai đoạn đầu và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Trên thực tế, với 90% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc ứng dụng logistics thông minh còn nhiều hạn chế. Cụ thể, quy mô và tính chất ứng dụng công nghệ chưa cao, chủ yếu là dịch vụ khai báo hải quan, thanh toán thuế, quản lý hành trình xe vận chuyển hàng hóa, quản lý kho bãi… Rào cản làm cho logistics thông minh chưa được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam, trước hết là hạn chế về tư duy nhận thức, những lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp, thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực; thiếu đồng bộ trong chính sách cho chuyển đổi số.

Trước thực trạng này, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, logistics là ngành dịch vụ có vai trò thiết yếu và đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội. Mặc dù ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ thời gian qua, nhưng các doanh nghiệp trong ngành cần tăng cường năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hay xuất nhập khẩu.

“Các cơ quan, ban, ngành cũng phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, hoàn thiện các cơ chế chính sách và quy định pháp luật về logistics, bảo đảm phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm khuyến khích các công ty logistics trong nước phát triển. Đặc biệt, hỗ trợ tích cực hơn nữa, giúp các doanh nghiệp ngành này đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ để hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu suất, cải thiện hoạt động logistics. Nhà nước cũng sẽ tiếp tục huy động nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, triển khai các dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải và các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, trung tâm logistics”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trên thực tế, mục tiêu phát triển của ngành logistics tới năm 2025 là tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 5 – 6%, tốc độ tăng trưởng đạt 15 – 20%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 50 – 60%, chi phí giảm xuống tương đương 16 – 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt từ 50 trở lên… Để đạt được mục tiêu trên cần những giải pháp đồng loạt từ nhà nước, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

 Tại Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề “Logistics Việt Nam – Con đường phía trước”, các diễn giả cho rằng cần khắc phục những hạn chế chủ quan và những trở lực khách quan để ngành logistics có thể phát triển như kỳ vọng. 4 giải pháp được các chuyên gia chỉ ra dưới đây gồm:

Thứ nhất, phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics…

Thứ hai, Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Thu hút đầu tư các trung tâm logistics quy mô lớn, tập trung, theo vùng giúp lưu trữ, bảo quản hàng hóa trong thời gian dài từ đó phát luồng phân phối đi các nơi.

Thứ ba, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề.

Đặc biệt, để xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…

Thứ tư, về phía các doanh nghiệp logistics, cần xây dựng chiến lược kinh doanh, thực hiện liên kết chiến lược, liên doanh với các đối tác hoặc hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp mạnh, tăng khả năng cạnh tranh.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here