Xu hướng định giá carbon đang dần thống lĩnh thế giới như thế nào?

0
60

Sẽ xuất hiện “hiệu ứng domino” đối với việc định giá carbon. Khi một ngành phải chịu định giá carbon, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đương nhiên sẽ muốn các đối thủ cạnh tranh của mình phải đối mặt với các quy định tương tự.

Nếu muốn hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu, thế giới phải xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch càng nhanh càng tốt. Đây là điều mà hầu hết mọi người đều đồng ý. Nhưng vấn đề mấu chốt là làm thế nào để đạt được điều đó. Các nhà kinh tế từ lâu đã ủng hộ việc định giá carbon, một cơ chế được châu Âu đưa ra vào năm 2005.

Theo Nikkei Asia, việc định giá carbon cho phép các nước có thể chống lại sự biến đổi khí hậu với chi phí thấp nhất. Những người khác, bao gồm nhiều chính trị gia Mỹ, lo ngại rằng những kế hoạch như vậy sẽ gây ra phản ứng dữ dội bằng cách tăng chi phí tiêu dùng.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, nước Mỹ đang chi hàng trăm tỷ USD để biến chuỗi cung ứng trở nên “xanh” hơn. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phần còn lại của thế giới đang bắt đầu có vẻ giống châu Âu, với việc định giá carbon đang ngày càng lan rộng ở cả các nước giàu và các nước nghèo.

Hãy lấy Indonesia làm ví dụ, nước gây ô nhiễm lớn thứ chín thế giới. Mặc dù thải ra 620 triệu tấn carbon dioxide (CO2) mỗi năm, với gần một nửa mức tăng tiêu thụ năng lượng đến từ than đá, quốc gia này vẫn có tham vọng “xanh”.

Vào ngày 26/9 năm nay, khi ra mắt thị trường carbon đầu tiên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nói về triển vọng của thị trường này như một trung tâm buôn bán carbon và các ngân hàng địa phương đã giành được nguồn tín dụng hợp pháp từ một công ty năng lượng địa nhiệt. Nước này cũng đưa ra kế hoạch mua bán khí thải vào tháng 2/2024, trong đó yêu cầu các nhà máy đốt than quy mô lớn phải mua giấy phép phát thải vượt ngưỡng cho phép.

Nói tóm lại, ngay cả ở những quốc gia được biết đến là những nguồn gây ô nhiễm và những quốc gia dẫn đầu về xanh hóa, mọi thứ đang thay đổi. Đến đầu năm 2023, 23% lượng khí thải toàn cầu được tính bởi cơ chế định giá carbon, tăng từ mức tương ứng chỉ 5% vào năm 2010. Sự chênh lệch sẽ chỉ tăng nhanh trong những năm tới khi nhiều quốc gia tận dụng được lợi thế của việc định giá carbon và các chương trình được mở rộng của họ.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 49 quốc gia có cơ chế định giá carbon và 23 quốc gia khác đang xem xét điều này. Vào ngày 1/10 vừa qua, EU đã đưa ra một chính sách mang tính đột phá với tên gọi “Cơ chế Điều chỉnh Biên giới carbon” (CBAM). Theo CBAM, bắt đầu từ năm 2026, các nhà nhập khẩu sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải CBAM” theo mức giá carbon hiện hành tại EU, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của khối. Điều này có nghĩa là các công ty châu Âu sẽ có động cơ mạnh mẽ để thúc đẩy các nhà cung cấp trên toàn thế giới chuyển sang sử dụng sản phẩm xanh.

Sự lan rộng của xu hướng định giá carbon đang diễn ra theo ba cách.

Đầu tiên, các chính phủ đang tạo ra các thị trường và quy định thuế mới. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, thị trường carbon của Indonesia cuối cùng sẽ chứng kiến sự xuất hiện của thuế carbon. Vào tháng 4/2023, Nhật Bản đã phát động một thị trường tự nguyện về bù đắp lượng khí thải carbon, hoạt động này sẽ diễn ra cùng với chính sách thương mại và quy định giới hạn khu vực hiện có ở Tokyo. Những đối tượng tham gia, chiếm khoảng 40% lượng ô nhiễm của “đất nước Mặt Trời mọc”, sẽ phải tiết lộ và đặt ra các mục tiêu phát thải. Theo thời gian, chương trình này sẽ bị siết chặt hơn, với việc đấu giá định mức carbon cho ngành năng lượng sẽ bắt đầu vào năm 2033. Trong khi đó, Việt Nam đang xây dựng một chương trình mua bán phát thải, dự kiến sẽ được thiết lập vào năm 2028, trong đó các công ty có lượng phát thải trên ngưỡng quy định sẽ cần để bù đắp bằng cách mua tín dụng carbon.

Cách thứ hai, các quốc gia đã hình thành thị trường carbon đang tăng cường chính sách của mình. Vào tháng 9/2023, Trung tâm Chiến lược Khí hậu Quốc gia của Trung Quốc đã thông báo rằng kế hoạch buôn bán khí thải lớn nhất thế giới của họ sẽ chuyển từ chỉ tập trung vào cường độ carbon của các nhà máy điện than sang tập trung vào cả cường độ và tổng lượng khí thải. Chương trình này cũng sẽ được liên kết với thị trường tín dụng carbon, cho phép các nhà máy điện đáp ứng nghĩa vụ phát thải bằng cách mua tín dụng phát thải, trồng rừng hoặc khôi phục rừng ngập mặn.

Australia, quốc gia đã bãi bỏ việc định giá carbon vào năm 2014, đã cải tổ một kế hoạch không hiệu quả trước đây được gọi là “cơ chế bảo vệ”. Kể từ tháng 7/2023, các cơ sở công nghiệp thải ra 28% lượng khí thải của cả nước này đã phải giảm 4,9% lượng phát thải mỗi năm so với mức cơ bản. Những người không hoàn thành mục tiêu này phải mua tín dụng carbon để bù đắp, hiện giao dịch ở mức giá khoảng 20 USD/tấn.

Cách cuối cùng mà thị trường carbon đang lan rộng là thông qua các chương trình xuyên biên giới. Chương trình của EU cho đến nay là chương trình tiên tiến nhất. Trong giai đoạn thí điểm của CBAM, các nhà nhập khẩu nhôm, xi măng, điện, phân bón, hydro, sắt và thép sẽ cần phải báo cáo “lượng khí thải phát sinh” (những lượng khí thải được tạo ra thông qua sản xuất và vận chuyển).

Sau đó, từ năm 2026, các nhà nhập khẩu sẽ phải trả một khoản thuế tương đương với chênh lệch giữa chi phí carbon của lượng khí thải này trong chương trình của EU và giá carbon mà nhà xuất khẩu phải trả tại thị trường nội địa của họ. Cơ chế miễn phí phát thải cho các lĩnh vực cũng sẽ bị loại bỏ.

Nhiều kế hoạch trong số này sẽ mất thời gian để phát huy hiệu quả. Rất nhiều nước châu Á có mức giá carbon được đặt quá thấp để có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể. Ví dụ, theo ông Lauri Myllyvirta thuộc Tổ chức tư vấn và Nghiên cứu khí thải và năng lượng sạch cho biết, một nửa số nhà máy than nằm trong kế hoạch buôn bán khí thải của Trung Quốc phải đối mặt với mức giá carbon âm, nghĩa là trên thực tế, họ được trả tiền để đốt nhiên liệu bẩn, vì cường độ phát thải của họ thấp hơn mức trung bình quốc gia. Do vậy, kế hoạch này cũng không tạo được động lực để các nhà máy chuyển từ than sang các nguồn năng lượng khác.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã đề xuất quy định tất cả các doanh nghiệp bán hàng cho Chính phủ liên bang đều phải công khai lượng khí thải và có kế hoạch cắt giảm chúng. Nhiều công ty lớn đã tự nguyện đặt ra các mục tiêu về phát thải ròng bằng 0 như một phần trong nỗ lực tiếp thị của họ. Apple, công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới, đã cam kết sẽ tạo ra chuỗi cung ứng hoàn toàn trung hòa carbon vào năm 2030.

Các công ty công nghiệp trên khắp thế giới hiện phải đối mặt với động lực lớn hơn nữa để theo dõi chính xác lượng khí thải carbon của họ: CBAM. Mục tiêu cuối cùng của EU là giải quyết vấn đề “rò rỉ carbon”. Trước khi CBAM được giới thiệu, cơ chế định giá carbon của châu Âu có nghĩa là các ngành công nghiệp trong nước phải đối mặt với chi phí tăng thêm so với các quốc gia có kế hoạch khử cacbon ít tham vọng hơn. Điều này tạo động lực cho các nhà nhập khẩu tìm nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, ngay cả khi những nguyên liệu đầu vào đó “bẩn” hơn. Những điều này bây giờ sẽ được loại bỏ dần khi CBAM được đưa vào áp dụng.

Sẽ xuất hiện “hiệu ứng domino” đối với việc định giá carbon. Khi một ngành phải chịu định giá carbon, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đương nhiên sẽ muốn các đối thủ cạnh tranh của mình phải đối mặt với các quy định tương tự. Vì vậy, chủ sở hữu các nhà máy điện than sẽ vận động hành lang để đảm bảo các nhà máy điện khác vận hành trên một sân chơi bình đẳng.

Chính phủ ở các nước xuất khẩu cũng có động cơ để đảm bảo rằng các công ty trong nước phải trả giá phát thải carbon ở trong nước thay vì thuế quan ở nước ngoài. Nếu các nhà máy ở châu Á bị ép phải giảm lượng khí thải bằng các chương trình như CBAM, thì chính phủ các nước này đang để mất tiền do không áp dụng cơ chế định giá carbon của chính họ. Câu hỏi đặt ra là liệu các “quân domino” này có rơi đủ nhanh hay không.

Minh Trang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here