Nhiều doanh nghiệp dệt may đã tìm kiếm thị trường mới, cách làm mới để duy trì hoạt động sản xuất, chờ thời cơ để bật dậy sau những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Sau nhóm hàng điện thoại, dệt may là ngành công nghiệp quan trọng đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, ngành dệt may bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nguồn cung từ Trung Quốc bị đứt gãy từ tháng 1. Khi nguồn cung tại thị trường này được nối lại thì cũng là lúc dịch bệnh bùng phát ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản (ba thị trường chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu), khiến ba thị trường này gần như bị đóng băng, đơn hàng bị đề nghị giãn, hoãn hoặc hủy.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), xuất khẩu toàn ngành trong quý I/2020 đạt 8,4 tỷ USD, giảm 2,02% so với cùng kỳ 2019. Tính riêng tháng 3, con số này giảm 7,42%. Gần như 100% đơn vị trong tập đoàn thiếu việc làm trong tháng Tư và tháng Năm với tỷ lệ từ 30-70% công suất.
Vinatex cũng cho biết, theo thống kê, để giảm thiểu rủi ro, khoảng 70-80% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trong tháng 3,4 và cả tháng 5. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, một số doanh nghiệp có thể ngừng hoạt động và có tới 50.000 công nhân không có lương. Theo dự tính, dịch Covid-19 có thể khiến ngành dệt may chịu thiệt hại lên tới 11.000 tỷ đồng.
Phó Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho hay, dịch Covid-19 khiến thu nhập của 3 triệu lao động ngành dệt may bị ảnh hưởng. Hiện tại, châu Âu và Mỹ bước đầu đã vượt qua được giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh. Tuy nhiên, những đơn hàng bị hoãn phần lớn là vào dịp Xuân-Hè và dự kiến hết dịch thì thời tiết đã sang Thu. Vì vậy, khả năng cao đơn hàng dừng hoãn sẽ trở thành đơn hàng bị hủy. Thời gian hoãn hợp đồng cũng kéo dài lên đến 3-6 tháng.
Ông Cao Hữu Hiếu nhận thấy, chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu bị gián đoạn dẫn đến doanh nghiệp không thể tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, chi phí gia tăng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp dệt may trong nước cũng như trên thế giới là dòng tiền đang dừng lại và đe dọa sự tồn tại của doanh nghiệp.
Theo Phó Tổng giám đốc Vinatex, trước việc phải duy trì việc làm cho người lao động, Vinatex đã chỉ đạo các đơn vị thành viên chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn để bù đắp phần thiếu hụt của các sản phẩm truyền thống. Việc sản xuất khẩu trang giúp tập đoàn giải quyết việc làm cho 20% số lao động bị thiếu việc.
Bên cạnh đó, Vinatex cũng đã đưa ra một số kịch bản gồm tập trung giải quyết nhanh, gọn các đơn hàng chưa bị hủy, tìm kiếm các đơn hàng phục vụ thị trường nội địa, sản xuất các mặt hàng phòng dịch, đồng thời có những kiến nghị Chính phủ đề nghị hỗ trợ nguồn tài chính để trả lương cho người lao động, miễn, giảm, hoãn bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, thuế thu nhập doanh nghiệp 2019, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất năm 2020.
Tập đoàn này cũng đề nghị ngân hàng ân hạn khoản vay dài hạn đến hạn, kéo dài thời gian vay vốn lưu động, giảm lãi suất, không hạ loại tín dụng, xin ân hạn khoản vay ADB của tập đoàn và một số đơn vị thành viên tham gia dự án, đồng thời kêu gọi cổ đông chia sẻ giải pháp tài chính giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động.
Trước những khó khăn thách thức chưa từng xảy ra mà Covid-19 đã gây ra cho ngành dệt may, một số doanh nghiệp đã chuyển hướng sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường mới để duy trì và ổn định sản xuất. Các doanh nghiệp dệt may Việt đã “biến nguy thành cơ”, nhanh chóng chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ phòng chống dịch và đẩy mạnh xuất khẩu trước nhu cầu rất lớn từ Mỹ và các nước châu Âu.
Điển hình như Vinatex đang xúc tiến xuất khẩu khẩu trang vải 3 lớp chống giọt bắn, kháng khuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế sang một số quốc gia châu Âu và Mỹ nhằm bù đắp một phần đơn hàng may mặc bị thiếu hụt. Hay như công ty May 10, đã có một đối tác lớn từ Mỹ đặt hàng 20 triệu khẩu trang vải. Ngoài ra còn có thêm nhiều đối tác khác đặt đơn hàng với Công ty may này: một đối tác đặt mua 400 triệu chiếc, dự kiến giao hàng trong tháng 7-2020 với trị giá 52 triệu USD; tại Đức có một đối tác cũng đặt thêm 6 triệu khẩu trang y tế. Tổng các lô hàng này có thể mang lại 30% doanh thu cho công ty trong năm 2020.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, cùng với các biện pháp tạm thời để duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện tại, khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, ngành dệt may thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay.
Dự kiến, sau khi được Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp ngày 20/5, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào được dự báo sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với khi không có Hiệp định.
Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may mỗi năm hơn 250 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới (chiếm 34%), trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào EU mới chỉ chiếm khoảng 2,7%. Như vậy, sau khi EVFTA có hiệu lực, dư địa để ngành dệt may phục hồi và phát triển là rất triển vọng.
Gia Thành