Tổng cục Thống kê vào ngày 29/12/2022 đã chính thức công bố các số liệu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội 2022. Kết quả rất tích cực, khi thêm một năm nữa nền kinh tế Việt Nam đạt thắng lợi kép, với tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát tốt.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP ước đạt 8,02%, còn lạm phát (tính theo CPI bình quân) là 3,15%.
Như vậy, “ngược dòng” lạm phát cao của toàn cầu, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát ở mức thấp.
Thậm chí, bất chấp tháng 12 là tháng cận kề các kịp nghỉ lễ, Tết kéo dài, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) còn giảm 0,01% so với tháng trước. Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 12/2022 giảm như vậy.
Với kết quả này, tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021. Đây chính là chỉ số được lấy làm mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Và như vậy, nền kinh tế Việt Nam đã đạt mục tiêu đề ra.
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 12 và bình quân từ năm 2018 đên năm 2022 |
Tuy vậy, so với tháng 12 năm trước, CPI vẫn tăng 4,55%, là mức khá cao. Trong đó, riêng CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng tăng giá này cho thấy, áp lực lạm phát trong năm 2023 là hiện hữu.
Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 12/2022, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 2 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước và 9 nhóm hàng tăng giá.
Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,15%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,26%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,45%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,41%…
Trong khi đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,41% ; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,66%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%; còn nhóm giáo dục tăng 0,32%.
Tiếp tục xu hướng giảm chính là nhóm giao thông, nhờ giá xăng liên tục được điều chỉnh giảm trong mấy kỳ điều hành gần đây. Tháng 12/2022, nhóm giao thông giảm tới 2,78%, qua đó là CPI chung giảm 0,27 điểm phần trăm.
Nhóm bưu chính, viễn thông tháng 12/2022 giảm 0,25% so với cùng kỳ năm trước do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.
Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 12/2022 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 4,55%).
Nguyên nhân chủ yếu được Tổng cục Thống kê chỉ ra là do giá xăng dầu – yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 12 năm nay – thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%). Điều này cho thấy, biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.
Về chỉ số giá vàng, Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2022, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng, giảm đan xen.
Tính đến ngày 25/12/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.804,19 USD/ounce, tăng 4,18% so với tháng 11/2022. Giá vàng tăng do lạm phát Mỹ tháng 11 đã hạ nhiệt, đồng đô la Mỹ suy yếu.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2022 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 4,16% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 5,74%.
Tương tự, năm 2022, đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới biến động tăng, giảm đan xen. Trong cuộc họp chính sách ngày 14/12/2022, FED đã quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%.
Tuy nhiên, việc lạm phát Mỹ trong tháng 11 thấp hơn dự kiến đã khiến đồng đô la Mỹ giảm mạnh. Tính đến ngày 25/12/2022, chỉ số đô la Mỹ bình quân tháng 12/2022 trên thị trường quốc tế đạt mức 104,51 điểm, giảm 3,2 điểm so với tháng trước.
Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.235 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2022 giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 2,09%.
(Hà Nguyễn/baodautu)