Kinh tế Thành phố Hà Nội phục hồi ấn tượng sau đại dịch

0
786
Bức tranh kinh tế năm 2022 của Thủ đô Hà Nội có nhiều điểm sáng, nổi bật.

Theo kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 do Cục Thống kê Thành phố Hà Nội công bố ngày 28/12, Thành phố Hà Nội đã hoàn thành cả 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt.

Bức tranh kinh tế năm 2022 của Thủ đô Hà Nội có nhiều điểm sáng, nổi bật.

Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây

Năm 2022, kinh tế của Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn Hà Nội đã tăng 8,89% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7,0% – 7,5%).

Bức tranh kinh tế của Thủ đô có nhiều điểm sáng, nổi bật là: hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế – xã hội, trong đó vượt kế hoạch 5 chỉ tiêu; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với năm 2021; tăng trưởng GRDP của Thành phố đạt 8,89%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.

Thành phố Hà Nội đã tăng cường thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng cường kết nối, lưu thông hàng hóa, phát triển các loại hình kinh doanh đa dạng…. Điều này giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch, dịch vụ được phục hồi với nhiều chỉ số tích cực.

Cụ thể, khu vực dịch vụ năm 2022 đã tăng 10,06% so với năm 2021, đóng góp 6,44 điểm% vào mức tăng GRDP. Khu vực dịch vụ năm 2022 ước tính tăng 10,06% so với năm 2021, đóng góp 6,44 điểm % vào mức tăng GRDP.

Một số ngành dịch vụ tăng cao so với năm trước như: Vận tải kho bãi tăng 15,36%, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 40,51%, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,19%, bán buôn, bán lẻ tăng 8,58%…

Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2022 tăng 7,74% so với năm 2021, đóng góp 1,75 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó ngành công nghiệp tăng 8,03%, đóng góp 1,14 điểm%. Năm 2022, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng với mức tăng 8,11%, đóng góp 1,04 điểm % nhờ các doanh nghiệp sản suất đã nối lại chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau 2 năm chịu ảnh hưởng dịch Covid-19

Ngoài ra, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 tăng 2,58% so với năm trước, đóng góp 0,06 điểm % vào mức tăng GRDP; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm ước tính đạt trên 58 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3%; nhập khẩu hàng hóa đạt 40,9 tỷ USD, tăng 16,9%.

Toàn thành phố đã thu hút 1,692 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 10,3% so với năm 2021. Đây là nguồn lực bổ sung mới, hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế thời gian tới. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 29,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021; tổng số vốn đăng ký mới đạt 328,4 nghìn tỷ đồng, giảm 5%. Bên cạnh 3.600 doanh nghiệp giải thể, 16.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động thì cũng có 9.800 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước thực hiện 333.000 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng 2,7% so với năm 2021. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện (đạt 13,8%, kế hoạch là 10,5%); Sô doanh nghiệp thành lập mới tăng, TP cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 29.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021. Thu hút FDI đạt 1.692 triệu USD, tăng 10,3% so với năm 2021.

Phát huy những kết quả của năm 2022, năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7,0%, GRDP/người khoảng 150 triệu đồng, vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 6%…

Cùng với phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội được bảo đảm. Thành phố đã trợ cấp cho trên 82.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 1.655 tỷ đồng; trợ cấp cho hơn 200.000 đối tượng bảo trợ xã hội với mức đặc thù của Thành phố trên mức chuẩn Trung ương quy định.

Hà Nội đã thực hiện chi trả hỗ trợ kịp thời cho hơn 2,6 triệu lượt người thuộc 12/12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền 2.659 tỷ đồng.

Dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP

Từ năm 2019 đến nay, Thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP, là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao; 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao của năm 2020 đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.

Phát triển công nghiệp văn hoá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ về phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Năm 2022, Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện mang bản sắc văn hóa Thủ đô: Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Lễ hội áo dài, Hội thảo khoa học quốc tế về di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long; tổng kết 30 năm phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”; kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”; Lễ trao Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

Du lịch khởi sắc, phục hồi sau đại dịch

Với chính sách mở cửa, từ ngày 15/3, du lịch Hà Nội bắt đầu đón khách du lịch quốc tế; khách du lịch nội địa tăng trưởng mạnh. Du lịch Hà Nội phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Năm 2022, TP. Hà Nội được công nhận là “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” và “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới”  với tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội cả năm ước đạt 2,6 triệu lượt người , gấp 2,4 lần năm 2021.

Cũng trong năm nay, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt khách; khách du lịch nội địa đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng 4,3 lần so với năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 60.000 tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá

Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng; khó khăn có thể còn nhiều hơn năm 2022. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra, Cục Thống kê Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng; nâng cao năng lực khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư. Tập trung vào các dự án trọng điểm; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học-công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI…; Tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…

Diệu Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here