Ngày 19/2/2019, trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phác thảo tầm nhìn quốc gia vào năm 2045 của Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam phải trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào dịp tròn 100 năm đất nước độc lập.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia triển vọng tổng thể của Việt Nam thành 2 bước đi chiến lược: bước thứ nhất, đến năm 2030, thực hiện mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 18.000 USD, đưa Việt Nam gia nhập vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao. Bước thứ hai, nỗ lực đến năm 2045 – kỷ niệm tròn 100 năm đất nước độc lập, xây dựng Việt Nam thành một quốc gia phát triển giàu mạnh, phồn vinh, ổn định.
Những lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, đúng vào thời điểm cả thế giới đang tập trung hướng vào Việt Nam nên lập tức thu hút được sự phản ứng nồng nhiệt của các nước, người dân Việt Nam tràn đầy phấn khởi.
Tăng trưởng cao trong thời gian dài
Tháng 1/2011, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ XI, trong “Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020” xác định rõ, đến năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người phải đạt 3000 USD, về cơ bản thực hiện hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Sau Đại hội XI, Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định của môi trường bên trong và bên ngoài, mặc dù chịu tác động của tình hình kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước châu Á-Thái Bình Dương chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình cao 5 – 6%.
Khác với tốc tộ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong những năm gần đây của Trung Quốc, từ năm 2012 – 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng dần theo từng năm, từ 5,03% lên 7,08%, thể hiện rõ dấu hiệu cất cánh nhanh. Năm 2018, GDP của Việt Nam đạt 244,8 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2578 USD, tăng 198 USD so với năm trước, nếu tính đến nhân tố biến động tỷ giá, tốc độ tăng trưởng tính theo đồng USD cao đến 8,4%. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mạnh dạn đưa ra mục tiêu vĩ mô nói trên.
Để đạt được kết quả tăng trưởng cao trong dài hạn, thứ nhất, tiến trình mở cửa ở trong nước ổn định là tiền đề cơ bản để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Sau Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, đổi mới chính trị và kinh tế của Việt Nam cùng tiến hành song song, thông qua việc đẩy mạnh đổi mới chính trị, chống tham nhũng và đấu tranh chống lại diễn biến hòa bình, Việt Nam đã hoàn toàn thoát khỏi tình trạng bất ổn trong nước trong 10 năm cuối của thế kỷ XX, tình hình trong nước được giữ vững, địa vị lãnh đạo của Đảng được tăng cường.
Năm 2007, Quốc hội khóa XII của Việt Nam lần đầu tiên áp dụng chế độ bầu cử có số dư và ứng cử viên tự đề cử mang tính thực chất. Cử tri Việt Nam đã bầu ra 493 đại biểu Quốc hội trong số 875 ứng cử viên, tỷ lệ không trúng cử cao đến 43,7%. Đồng thời, có khoảng 30 ứng cử viên không được chính quyền đoàn thể giới thiệu sử dụng chế độ tự ứng cử, cuối cùng có 1 người được bầu làm đại biểu Quốc hội.
Những biện pháp cải cách này một mặt đã đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, mặt khác lại giải quyết được mâu thuẫn giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, điều này khiến cho đại biểu quốc hội phải đồng thời có trách nhiệm với Đảng và nhân dân mới có thể nhận được sự tín nhiệm, từ đó đã làm thay đổi mạnh mẽ hệ sinh thái chính trị của Việt Nam, cải thiện hình ảnh của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Năm 2011, trên cơ sở của chế độ chất vấn, Quốc hội Việt Nam đã tăng thêm chế độ bỏ phiếu tín nhiệm với quan chức của chính phủ, từng bước tăng cường sức mạnh giám sát đối với quan chức chính phủ, nâng cao mức độ hài lòng của nhân dân, thúc đẩy sự ổn định của xã hội.
Thứ hai, môi trường quốc tế hòa bình thân thiện là động lực thúc đẩy bên ngoài để kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ cao. Một thời gian sau khi bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, hố sâu ngăn cách giữa hai nước vẫn còn tồn tại, nhưng sau khi bước vào hàng ngũ nước có thu nhập trung bình, Việt Nam dần nhận được sự công nhận của các nước như Mỹ, Nhật Bản… trên trường quốc tế, quan hệ Việt – Mỹ phát triển lên mức cao mới kể từ thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời, quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác truyền thống như Nga, Ấn Độ… được phục hồi, tiếp tục duy trì quan hệ thân thiện với Trung Quốc sau khi giải quyết phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ, môi trường quốc tế của Việt Nam thuận lợi chưa từng có.
Trong bối cảnh này, vốn đầu tư của các nước chảy vào mạnh mẽ, Việt Nam nhanh chóng thực hiện sự chuyển đổi từ chiến trường sang thị trường. Các quốc gia và khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ và Liên minh châu Âu… trở thành đối tác đầu tư chủ yếu của Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài duy trì ở quy mô khoảng 20 tỷ USD/năm. Chẳng hạn năm 2018 vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 25,5 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt 19,1 tỷ USD, tương đương 15% tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút được của Trung Quốc trong năm 2018, nhưng GDP của Việt Nam chỉ bằng 1,8% GDP của Trung Quốc, do đó con số này chắc chắn là một tỷ lệ rất cao. Đầu tư tập trung trở thành động lực bên ngoài thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng.
Thứ ba, cơ cấu kinh tế Việt Nam trở thành nguồn cội đảm bảo cho sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam. Cơ cấu kinh tế Việt Nam thiên về các ngành sản xuất và ngành công nghiệp công nghệ cao mới nổi, xem trọng phát triển các ngành giá trị gia tăng cao như gia công chế tạo…, hạn chế các ngành đơn thuần khai thác tài nguyên thô, bất động sản cũng bị hạn chế nghiêm ngặt. Lấy năm 2018 là ví dụ, trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tỷ lệ đóng góp của công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng là 48,6%, trong đó chỉ riêng đóng góp của ngành gia công và chế tạo đã lên đến 36%. Những năm gần đây, Việt Nam đã sử dụng ưu thế phát triển sau để phát triển mạnh các ngành công nghiệp như điện tử, trí tuệ nhân tạo, đóng tàu, thiết bị máy móc, sợi tổng hợp…
Đồng thời, Việt Nam cũng tích cực theo đuổi các công nghệ tiên tiến của thế giới và đều đã nắm chắc các công nghệ như máy bay không người lái siêu nhỏ, tàu ngầm hệ thống API siêu nhỏ và người máy thông minh… Cơ cấu kinh tế này đã giúp cho Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế tương đối chắc chắn trong 20 năm, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế không quá cao, nhưng từ trước đến nay chưa từng xuất hiện hiện tượng bong bóng tăng giảm thất thường.
Cuối cùng là yếu tố “ưu thế nhân khẩu học”. Tổng dân số Việt Nam khoảng 97 triệu người, đứng thứ 10 trên thế giới, chỉ đứng sau Indonesia ở khu vực Đông Nam Á. Dân số trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi chiếm khoảng 70% dân số của Việt Nam, tổng số gần 67 triệu người, nguồn nhân lực đặc biệt phong phú. Lực lượng lao động của Việt Nam, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, phần lớn có trình độ trung học thậm chí đại học, so với đa số các nước khác xung quanh, chất lượng nguồn lao động cao trong khi giá thành lại thấp. Do đó, cùng với việc giá thành sản xuất không ngừng được nâng cao, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu đã lần lượt dịch chuyển dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp ở nước mình hoặc ở Trung Quốc sang Việt Nam, đầu tư xây dựng nhà xưởng. Xu thế này sẽ được tiếp tục kéo dài trong một khoảng thời gian tương đối dài gắn liền với việc nâng cấp chuyển đổi mô hình sản xuất công nghiệp của các nước như Trung Quốc…, trở thành yếu tố thúc đẩy kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh.
Tầm nhìn 100 năm liệu có thể thực hiện?
Xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường là khát vọng mãnh liệt của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam sau khi giành được độc lập, cả đất nước Việt Nam đều tràn đầy hy vọng đối với tầm nhìn này. Hiện nay, quy mô nền kinh tế Việt Nam chỉ đứng thứ 2 sau Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á lục địa, nhưng đã vượt xa 3 nước Myanmar, Lào và Campuchia. Xét về xu thế phát triển, năm 2000, GDP của Việt Nam chỉ bằng 1/4 Thái Lan, nhưng năm 2008 đã tăng lên mức 1/3 và năm 2016 tăng lên bằng 1/2, nếu tiếp tục xu thế phát triển này, thì đến năm 2045, thậm chí chỉ cần đến năm 2030, Việt Nam nhất định sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á lục địa.
Nhưng liệu tầm nhìn trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 (tròn 100 năm giành độc lập) của Việt Nam có thực hiện được hay không? Nếu xu thế và môi trường phát triển nói trên không đổi, việc Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển chỉ còn là câu chuyện thời gian sớm hay muộn, vấn đề là lúc nào có thể thực hiện được khát vọng này.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người là 3000 USD, hiện nay việc có thể hoàn thành mục tiêu này hay không vẫn chưa thể biết được, đặc biệt là mục tiêu “cơ bản thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa” xem ra vẫn còn có khoảng cách xét từ khía cạnh trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay. Cho dù lấy thu nhập bình quân đầu người 3000 USD để làm khởi điểm cho Việt Nam vào năm 2020, thì việc thu nhập bình quân đầu người đạt 18.000 USD vào năm 2030 cơ bản dường như không thể hoàn thành, vì nó đòi hỏi tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Tuy nhiên, nếu lấy thu nhập bình quân đầu người đạt 18.000 USD làm mục tiêu khát vọng 100 năm vào năm 2045, thông qua nỗ lực thì đây lại là một mục tiêu không có gì gọi là xa vời, vì Việt Nam chỉ cần duy trì tốc độ tăng trưởng 7,5%/năm. Mặc dù trước đây Việt Nam rất ít khi đạt đến tốc độ tăng trưởng này, nhưng nếu tất cả đều diễn ra thuận lợi, cho dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn một chút, cộng thêm hiệu ứng tăng giá của đồng nội tệ Việt Nam do tăng trưởng kinh tế tạo nên, mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 18.000 USD vẫn có thể được thực hiện.
Tuy nhiên, hiện nay, tiêu chuẩn thấp nhất về thu nhập bình quân đầu người của các nước phát triển tối thiểu phải đạt 20.000 USD, do đó có thể khẳng định thu nhập bình quân đầu người ở mức 18.000 USD là chưa đạt đến mục tiêu của các nước phát triển. Hơn nữa, cùng với sự tăng trưởng về mức thu nhập bình quân của toàn cầu vào thời điểm đó, mục tiêu phát triển và thu nhập cao cũng có thể sẽ được nâng lên cao hơn. Tuy nhiên, đến năm 2045, nếu Việt Nam vẫn duy trì được xu thế phát triển hiện nay thì lúc đó cho dù chưa phải là nước phát triển, song Việt Nam cũng sẽ là một đất nước phát triển liên tục theo hướng thịnh vượng, phát huy vai trò lớn hơn trong ASEAN và khu vực Đông Nam Á lục địa, xứng đáng nhận được sự tôn trọng đầy đủ.
Việt Hà (theo World of knowledge)