Năm 2024 và ẩn số giá dầu

0
47
Nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 11/2023 giảm 19,7% về lượng và giảm 25,3% về kim ngạch so với tháng trước đó. (Nguồn: TNCK)

Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+) đã thống nhất cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2024.

Mức giảm 2,2 triệu thùng/ngày lần này đến từ 8 nhà sản xuất dầu thô, trong đó Ả Rập Saudi và Nga quyết định kéo dài mức cắt giảm 1,3 triệu thùng/ngày.

Quyết định này lập tức gây nên nhiều lo ngại, rằng giá dầu mỏ năm 2024 có thể sẽ tăng lên mức cao, cho dù từ giữa tháng 11 cho tới tuần cuối của tháng 12, giá dầu mỏ đã nhiều lần giảm, từ mức trung bình 85 USD/thùng, xuống mức trên dưới 76 USD/thùng (ngày 24/12).

Lý do cắt giảm sản lượng dầu mỏ được các “ông trùm” đưa ra là lo ngại tình hình kinh tế thế giới năm 2024 vẫn không sáng sủa dẫn đến mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch thấp. Từ đó, nhà sản xuất thua thiệt khi dầu mỏ rớt giá. Họ cũng dẫn ý kiến từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 sẽ chậm lại khi giai đoạn cuối trong tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch kết thúc, cùng với việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sự phát triển của các loại xe điện và một số yếu tố khác.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, năm 2008-2009 khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái thì mức tiêu thụ xăng dầu vẫn rất cao và giá cũng vẫn ở mức nhà sản xuất, xuất khẩu có lãi (nếu ở mức 60 USD/thùng). Tại thời điểm tháng 12, giá dầu mỏ vẫn ở mức từ 75-80 USD/thùng, có nghĩa là các “ông trùm” vẫn lãi lớn.

Vì thế, việc cắt giảm 2,2 triệu thùng dầu/ngày với lý do kéo giá lên không nhận được nhiều ý kiến tán thành.

Nhà phân tích Christyan Malek của Ngân hàng JP Morgan Chase cho rằng, phản ứng của thị trường sau quyết định của OPEC và OPEC+ cho thấy sự hoài nghi về tính hiệu quả toàn diện từ việc cắt giảm sản lượng dầu.

Cách tiếp cận ở đây đơn giản và mang tính kinh điển là tác động trực tiếp tới mối quan hệ giữa cung và cầu: Cung ứng giảm trong khi nhu cầu không thay đổi hoặc tăng, thì giá sẽ tăng. Vấn đề là sẽ tăng tới bao nhiêu, có gây ra một cuộc khủng hoảng nhiên liệu mang tính toàn cầu hay không.

Cho tới nay, các “ông trùm” dầu mỏ luôn giữ thế thượng phong với việc nắm vị trí thống lĩnh thị trường năng lượng hóa thạch. Tại COP28 mới đây, cũng vì các quốc gia tham dự không thống nhất về việc “ứng xử” thế nào với nguyên liệu hóa thạch nên hội nghị đã phải kéo dài ra. Nói tóm lại, “cuộc chơi giá dầu” đã hình thành từ lâu và vẫn sẽ duy trì tùy thuộc vào thái độ của các quốc gia dầu mỏ.

Theo nhóm chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), việc cắt giảm sản lượng hiện tại của OPEC+ rất có thể sẽ được giữ nguyên trong năm 2024. Mà như vậy sẽ khiến giá dầu tăng, tác động trực tiếp tới thị trường chứng khóa, vàng, bất động sản… khiến tính đầu cơ tăng trong khi dòng vốn chảy vào sản xuất thu hẹp. Điều đó không chỉ tác động tới các nền kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.

Ông Jorge Leon – Phó Chủ tịch cấp cao về thị trường dầu của Công ty tư vấn Rystad Energy (Na Uy), nhận xét, khi thời điểm năm 2023 sắp kết thúc, việc các quốc gia nắm nguồn dầu mỏ quyết định cắt giảm sản lượng sẽ làm khó cho kinh tế thế giới trong năm 2024. Nếu như Arab Saudi cho rằng, giá dầu phải nâng lên mức 86 USD/thùng thì mới cân đối được ngân sách quốc gia, cũng có nghĩa là mỗi người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu dầu mỏ phải hạn chế bớt khoảng 7% chi tiêu.

OPEC+ hiện chiếm khoảng 40% sản lượng dầu thế giới. Liên minh này vẫn đang tìm cách giảm sản lượng khai thác trong bối cảnh giá dầu giảm. Như vậy, dự báo giá dầu từ quý 2/2024 không chỉ lên mức 86 USD/thùng (từ 80,92 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 1/12/2023), mà có thể lên tới 98 USD/thùng.

“Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán giá dầu sẽ giao dịch trong khoảng 70 – 100 USD/thùng ngay vào đầu năm 2024. Sở dĩ có khoảng cách (dự báo) giãn rộng là do có hai kịch bản: nền kinh tế thế giới năm 2023 “hạ cánh mềm” hay rơi hẳn vào suy thoái. Theo Goldman Sachs, dự báo cao tới 100 USD/thùng do những rủi ro gián đoạn nguồn cung đang rình rập ở Trung Đông. Như vậy, có khả năng giá dầu tăng 19% trong năm 2024, nếu so với 84 USD/thùng tại phiên giao dịch ngày 30/11/2023. Ông ông James Davis (Công ty môi giới đầu tư FGE) cho rằng, “giá dầu mỏ là một trong những mối đe dọa thế giới trong năm 2024”.

Theo Thanh Đức

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here