Nông sản mang thương hiệu Việt như lá mùa thu

0
37

Cần chiến lược phát triển bài bản

Để người tiêu dùng EU biết mình đang sử dụng sản phẩm của Việt Nam, bà Thuỷ cho rằng, doanh nghiệp cần phải xây dựng được một bộ nhận diện thương hiệu thực sự chuyên nghiệp cho các sản phẩm để tiếp cận với thị trường EU. Quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường EU để có thể phát triển được lâu dài trên thị trường này.

Muốn sản phẩm được nhiều người tiêu dùng EU biết đến, doanh nghiệp cần tìm kiếm những đối tác uy tín ở thị trường EU để giới thiệu và lan tỏa thương hiệu sản phẩm. Trước mắt là hệ thống các doanh nhân Việt kiều tại EU. Đây là một kênh rất tốt giúp hàng hóa của Việt Nam có thể đi nhanh hơn vào thị trường của EU, do các doanh nghiệp Việt kiều rất hiểu văn hóa tiêu dùng, văn hóa kinh doanh tại đây.

Kênh thứ hai là các chuyên gia về thị trường tại EU. Chúng ta nên sử dụng dịch vụ của những chuyên gia này để họ có những biện pháp, những cách thức hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu hàng hóa của mình đến với thị trường của EU.

“Trong ngắn hạn, việc đưa những sản phẩm mang thương hiệu riêng là rất khó để vào thị trường EU. Nên doanh nghiệp có thể tập trung vào chiến lược làm các mặt hàng OEM (sản xuất theo yêu cầu), khi đã làm OEM tốt, đã có những đối tác ở thị trường EU, doanh nghiệp khi đó có đủ lực để tính tiếp được những biện pháp đưa các mặt hàng mang thương hiệu riêng của doanh nghiệp vào thị trường EU”, bà Thuỷ gợi ý.

Đặc biệt, khi hiện nay các kênh, mạng xã hội cũng rất nở rộ và phát triển mạnh mẽ ở thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng những kênh này để quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình tại EU, giúp cho việc xúc tiến xuất khẩu cũng như phát triển được thương hiệu của doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Đồng quan điểm, bà Trang khẳng định, ngoài việc đảm bảo về mặt chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cho sản phẩm… chúng ta phải hiểu và phải có được chiến lược phát triển thị trường một cách bài bản như marketing, truyền thông.

“Người Đức rất kỹ tính nhưng họ lại cũng rất trung thành với các sản phẩm có thương hiệu và họ có nhu cầu rất cao tìm hiểu về sản phẩm đấy được sản xuất ở đâu, có thực sự an toàn không, có thực sự thân thiện với môi trường không, có yếu tố về bảo vệ người lao động trong quá trình sản xuất?… Thậm chí bao bì, cách đóng gói cũng phải thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu này cũng là một cách chinh phục được người tiêu dùng ở Đức”, bà Trang chia sẻ.

Rộng hơn, ông Tùng gợi ý, để xây dựng thương hiệu quốc gia ngành cần quan tâm và phát huy các yếu tố như: Giống đặc trưng, văn hóa Việt Nam, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý là một cách khác để gia tăng giá trị, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ những thủ tục như vậy.

“Chúng ta nên chọn nhiều loại trái cây để xây dựng thương hiệu quốc gia”, ông Tùng nói. “Giống như New Zealand, nước này đã xây dựng thành công thương hiệu cho quả Kiwi, có thị trường khắp thế giới với giá trị xuất khẩu lên đến trên 3 tỷ USD/năm”, ông Tùng cho biết thêm.

Ngân Thương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here