Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định Mỹ đang trên đường trở thành nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai thế giới vào cuối năm 2022, đứng sau Australia và đứng trên Qatar.
Theo báo cáo thường niên của IEA về thị trường khí đốt, tính đến cuối năm 2022, công suất xuất khẩu LNG tính trên quy mô toàn cầu ước đạt 650 tỷ m3 mỗi năm, so với mức 452 tỷ m3 của năm 2016.
Trong đó, Australia có công suất xuất khẩu khoảng 117,8 tỷ m3/năm, tiếp đến Mỹ 106,7 tỷ m3/năm, và Qatar 104,9 tỷ m3/năm.
Australia sẽ duy trì vị thế nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới với công suất xuất khẩu tăng thêm 30 tỷ m3/năm tính đến cuối năm 2022, trong khi hoạt động khai thác khí đốt đá phiến tăng mạnh tại Mỹ sẽ bổ sung thêm khoảng 90 tỷ m3/năm vào công suất xuất khẩu hiện nay.
IEA dự báo, trong 5 năm tới, sản lượng khí đốt toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với dầu mỏ và than đá.
Thị trường năng lượng cũng ngày càng “chuộng” khí đốt vì nhiên liệu này phát thải thấp hơn so với các nhiên liệu hóa thạch khác
Theo IEA, nhu cầu khí đốt toàn cầu ước tăng 1,6%/năm và ở mức 4.000 tỷ m3 vào năm 2022, cao hơn mức dự báo tăng trưởng 1,5% được đưa ra trong năm ngoái. Và phần lớn nhu cầu thị trường tăng cao được dự báo đến từ các nước đang phát triển, dẫn đầu là Trung Quốc.
Mỹ, nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới, sẽ tăng sản lượng mạnh hơn các nước khác trong vòng 5 năm tới, theo IEA.
Dự báo, đến năm 2022, sản lượng khai thác khí đốt của Mỹ ước đạt 890 tỷ m3, chiếm khoảng 22% tổng sản lượng khí đốt khai thác trên toàn cầu./.