Mỹ áp thuế nhập khẩu cao nhất đối với hàng hóa của Bangladesh

0
110

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington, trên cơ sở số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, các mặt hàng xuất khẩu của Bangladesh sang thị trường Mỹ đang bị áp mức thuế nhập khẩu cao nhất trong tổng số 232 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ. Mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Bangladesh là 15,2% trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Bangladesh sang Mỹ. Nguyên nhân của tình trạng này là do hàng may mặc và giày dép chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Bangladesh sang Mỹ; trong khi đó hai mặt hàng này thường bị Mỹ áp mức thuế nhập khẩu cao nhất. Mức thuế nhập khẩu trung bình mà Mỹ áp đối với hàng dệt kim hoặc móc là 18,7% và đối với hàng không thuộc nhóm dệt kim hoặc móc là 15,8%. Đây là hai mặt hàng chịu mức thuế cao nhất trong 98 danh mục hàng nhập khẩu của Mỹ. Giày dép đứng ở vị trí thứ ba với mức thuế trung bình là 11,9%. Ngoài Bangladesh, danh mục các quốc gia khác cũng phải chịu mức thuế nhập khẩu gồm Campuchia (14,1% trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của nước này sang Mỹ), Sri Lanka (11,9%), Pakistan (8,9%), Việt Nam (7,2%), Trung Quốc (2,7%)…

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bangladesh. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh sang Mỹ đạt 5,7 tỷ USD, chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh. Trong số các mặt hàng Bangladesh xuất sang Mỹ, có đến 95% là hàng may mặc, giày dép, mũ. Từ tháng 6/2013, Bangladesh không còn nằm trong danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), tức là hàng hóa xuất khẩu của Bangladesh không được hưởng chính sách phi thuế quan khi vào thị trường Mỹ.

Theo ông Mustafizur Rahman, học giả của Trung tâm Đối thoại chính sách Bangladesh, thực trạng trên đòi hỏi Bangladesh phải đa dạng hóa rổ hàng hóa xuất khẩu của nước này. Hàng may mặc hiện chiếm trên 80% trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Bangladesh. Tuy nhiên, ông Rahman cũng cho rằng chính sách bảo hộ của Mỹ không đem lại lợi ích cho bất kỳ đối tượng nào. Thuế nhập khẩu cao không đem đến lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ, cũng như không đảm bảo việc tiêu thụ các hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Ngoài ra, nó cũng không giúp ích nhiều trong việc duy trì số lượng công việc cho công nhân ngành dệt may và giày dép tại Mỹ. Thay vào đó, điều này gây sức ép lớn hơn đối với các nhà sản xuất dệt may Bangladesh phải giảm giá thành để tăng lợi nhuận cho các nhà bán lẻ.

(ĐSQVN tại Bangladesh – The Daily Star)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here