ADB dự báo kinh tế Myanmar tăng trưởng 6,8% trong năm 2018-2019

0
241

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tốc độ tăng trưởng kinh tế Myanmar đạt 6,8% trong năm tài chính 2017-2018. Nông nghiệp – vốn chiếm 30% trong GDP – tăng trưởng 3,5% so với năm 2016-2017. Ngành công nghiệp và dịch vụ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trên 8%. Xuất khẩu tăng 15%, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng xuất khẩu gạo và sản phẩm may mặc. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng tăng 18% so với năm tài chính trước. ADB dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Myanmar trong năm 2018-2019 sẽ đạt mức tương đương với năm 2017-2018 là 6,8% và kỳ vọng sẽ tăng tốc đạt 7,2% trong năm 2019-2020.

Kết thúc năm tài chính 2017-2018, kim ngạch nhập khẩu tăng 12% so với năm trước chủ yếu do gia tăng nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhập khẩu vật tư, máy móc phục vụ các dự án phát triển hạ tầng. Thâm hụt ngân sách chiếm 3,5% GDP do chính phủ tăng chi tiêu về hạ tầng điện, chăm sóc y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội. Dự báo thâm hụt ngân sách cũng sẽ tăng lên ở mức 4% GDP trong 2 năm tới vì chính phủ cũng sẽ tăng chi tiêu công với nỗ lực hỗ trợ chương trình phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Lạm phát được dự báo sẽ tăng 6,2% trong năm tài chính tới 2018-2019 và giảm nhẹ còn 6% trong năm 2019-2020.

Theo ADB, trong thời gian tới, do thị trường vốn chưa được phát triển, Myanmar sẽ không thể thu hút vốn vào các hạng mục đầu tư lớn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ vẫn là nguồn tài trợ chính để giảm thâm hụt vốn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. FDI sẽ góp phần hỗ trợ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động với định hướng xuất khẩu.

Myanmar đã thông qua Luật doanh nghiệp mới kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài hơn nữa trong thời gian tới. Nỗ lực tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, công bằng cũng sẽ là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, Myanmar cần học tập kinh nghiệm của các nước trong khu vực, đặc biệt trong quy trình thẩm tra và xét duyệt dự án đầu tư nước ngoài, quy định vốn hóa từ nước ngoài, kiểm soát phần vốn chuyển về nước ngoài, quy định vốn hóa từ nước ngoài, kiểm soát phần vốn chuyển về nước đối với các doanh nghiệp nước ngoài, quy trình cấp phép xây dựng, ưu đãi thuế và thủ tục đăng ký bất động sản. Hiện nay Chính phủ Myanmar đang soạn thảo Kế hoạch Phát triển Bền vững trong đó nêu bật chính sách kinh tế mới gồm 238 điểm. Các nhà đầu tư nước ngoài thực sự hy vọng và chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ chính phủ để đưa ra những chiến lược đầu tư trong trung và dài hạn, trong đó họ kỳ vọng, không chỉ có lĩnh vực tài chính sẽ được mở cửa hơn mà ngay cả các lĩnh vực khác do tư nhân làm chủ cũng sẽ cho phép đầu tư nước ngoài tham gia.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here