Một số mô hình trung tâm tài chính quốc tế và khả năng ứng dụng tại Việt Nam

0
133
minh họa
minh họa

Các Trung tâm tài chính quốc tế trong thời gian dài đã đóng vai trò thiết yếu thúc đẩy các hoạt động kinh doanh tài chính, phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Không chỉ tại các nước phát triển, nhiều nền kinh tế đang nổi cũng chú trọng xây dựng các Trung tâm tài chính quốc tế phục vụ các chiến lược tăng trưởng theo chiều sâu. Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, việc nghiên cứu các mô hình Trung tâm tài chính quốc tế và các xu hướng tài chính quốc tế có thể đem lại một số thông tin và kinh nghiệm tham khảo.

 Kinh nghiệm phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại một số nền kinh tế đang nổi

Có thể chia các Trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới thành ba nhóm trên cơ sở hình thành:

 Nhóm 1 bao gồm các Trung tâm tài chính quốc tế hình thành tự nhiên theo thời gian, lịch sử, điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất – tài chính sẵn có. Nhiều thị trường tài chính phát triển thuộc nhóm này như New York, London, Frankfurt, Hong Kong.

Nhóm 2 bao gồm các Trung tâm tài chính quốc tế hình thành do chủ trương phát triển của quốc gia và sự lớn mạnh của nền kinh tế, từ đó đặt ra yêu cầu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế. Một số Trung tâm tài chính quốc tế tại các nền kinh tế lớn thuộc nhóm này như Thượng Hải và Tokyo.

Nhóm 3 bao gồm các Trung tâm tài chính quốc tế hình thành mới theo định hướng của các Chính phủ, trong đó xác định các ngành dịch vụ hiện đại (tài chính, giải trí, cho thuê văn phòng hiện đại, du lịch, nghỉ dưỡng,…) là mũi nhọn kinh tế và lợi thế cạnh tranh quốc gia. Một số Trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm này bao gồm Singapore, Dubai (UAE) và Busan (Hàn Quốc) là mô hình khá phù hợp để các nước đi sau, trong đó có Việt Nam tham khảo, nghiên cứu ứng dụng với những điều chỉnh phù hợp đặc thù phát triển kinh tế – xã hội.

Trung tâm tài chính quốc tế Singapore được đánh giá là một trong những mô hình thành công nhất bên cạnh các Trung tâm tài chính quốc tế tại New York và London. Kết quả này đến từ các chính sách của Chính phủ Singapore về phát triển thương mại, luật pháp, ngôn ngữ, quy định, thuế, nhân tài, cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận, từ đó tạo ra lợi thế so sánh của Singapore so với các Trung tâm tài chính quốc tế khác. Chính sách xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế của Singapore tập trung vào các nhóm biện pháp:

Tự do hóa thị trường tài chính theo lộ trình: giai đoạn 1970 – 2000 thị trường tài chính Singapore từng bước được tự do hóa hoàn toàn, sau khi đã thiết lập được hệ thống giám sát giảm thiểu các tác động tiêu cực và rủi ro thông qua các mô hình giám sát hợp nhất, giám sát dựa trên cơ sở rủi ro, giám sát vĩ mô.

Phát triển trung gian tài chính:

– Hình thành thị trường đô la Châu Á (Asian dollar market, ADM) tận dụng lợi thế múi giờ lấp khoảng trống giao dịch giữa thị trường châu Mỹ và châu Âu. ADM là thị trường vốn và tiền tệ quốc tế, hoạt động tương tự thị trường đô la châu Âu, có chức năng giao dịch nhiều ngoại tệ mạnh (USD, Yên Nhật, Bảng Anh, đồng Mark Đức và đồng Franc Thụy sĩ). Để tách bạch giao dịch giữa người không cư trú và cư trú, tất cả các ngân hàng được cấp phép đều phải tạo lập các đơn vị tài khoản đặc biệt cho các giao dịch không cư trú, tên là đơn vị tiền tệ châu Á (ACU, Asian currency unit).

– Xây dựng hệ thống ngân hàng hai lớp: tách biệt các giao dịch bằng ngoại tệ khỏi các giao dịch bằng nội tệ thông qua tài khoản hạch toán riêng. Điều này cho phép các dòng tiền quốc tế chảy vào Singapore không ảnh hưởng chính sách tiền tệ quốc gia và bảo vệ các ngân nội địa trước sức ép cạnh tranh từ các ngân hàng quốc tế lớn.

– Khuyến khích phát triển các công ty quản lý quỹ: Tập đoàn đầu tư chính phủ (GIC) và MAS đầu tư vào các công ty quản lý quỹ tốt và có cam kết phát triển ngành quản lý tài sản trong nước. Quy chế về Quỹ bảo hiểm xã hội (CPF) được nới lỏng để người đóng bảo hiểm xã hội được thuê các tổ chức quản lý tài sản chuyên nghiệp đầu tư phần bảo hiểm xã hội được phép đầu tư.

Phát triển thị trường chứng khoán, chứng khoán chính phủ SGS được phát hành làm cơ sở cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp; các cơ quan chức năng khác cũng được khuyến khích phát hành trái phiếu để mở rộng nguồn cung sản phẩm cho thị trường.

Các nhóm giải pháp khác bao gồm hợp nhất mô hình giám sát hệ thống tài chính; thu hút đầu tư mạo hiểm, phát triển Fintech từ 2008 đến nay, các giải pháp tài chính (ưu đãi thuế, phí, trợ cấp); bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (bảo mật thông tin, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ); ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển cơ sở hạ tầng; cải thiện môi trường kinh doanh (điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, ứng phó khủng hoảng kinh tế 1985, khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997, khủng hoảng kinh tế 2008); phát triển cơ sở hạ tầng (cơ sở hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng thông tin…); cải cách thủ tục hành chính (nền quản trị tốt, thủ tục thành lập doanh nghiệp thuận lợi); phát triển nhân tài và sử dụng họ vào các cơ quan quản lý, đồng thời trọng dụng cả các chuyên gia thực tiễn (ngân hàng, nhà đầu tư…) trong quá trình sáng tạo – xây dựng chính sách.

Trung tâm tài chính quốc tế Dubai

Trung tâm tài chính quốc tế Dubai (DIFC) của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bắt đầu hoạt động vào những năm 1990, là cửa ngõ đầu tư của Trung Đông, Nam Á và Châu Phi. DIFC đóng vai trò thu hút các ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu; tài trợ và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; nâng cao năng suất lao động và phát triển ngành tài chính và hướng đến giảm dần sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ; tạo nền tảng cần thiết để ngành tài chính quốc gia phát triển và hội nhập chặt chẽ với kinh tế khu vực và toàn cầu; xây dựng hình ảnh quốc gia mới.

Chính phủ UAE xây dựng DIFC dựa trên kinh nghiệm từ các Trung tâm tài chính quốc tế đã thành lập như New York, London, Singapore và Tokyo. Khu tài chính được hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm đẳng cấp thế giới hỗ trợ các hoạt động cốt lõi ban đầu của DIFC là quản lý tài sản, tài chính Hồi giáo, tái bảo hiểm, hoạt động văn phòng hỗ trợ và sàn giao dịch tài chính khu vực.

DIFC do Cơ quan Quản lý và Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Dubai (DIFCA) quản lý. DIFCA có mô hình đặc biệt, giống mô hình chính quyền vận hành như một doanh nghiệp của Singapore, có các cơ quan quản lý và điều tiết riêng với hệ thống tòa án độc lập theo hệ thông luật (Anh, Mỹ). DIFC được coi là một “thành phố trong thành phố” với đầy đủ các tiện nghi và chức năng của một đô thị khép kín hiện đại hàng đầu thế giới, cung cấp dịch vụ tài chính cho 72 quốc gia ở Trung Đông, Nam Á và Châu Phi với dân số gần 3 tỷ người, GDP danh nghĩa gần 7.700 tỷ USD. Đến tháng 11/2020, có 2.584 tổ chức đăng ký hoạt động và 25.600 nhân sự làm việc tại DIFC.

Trung tâm tài chính quốc tế Busan (BFC) của Hàn Quốc được thành lập vào tháng 7/2020 nhằm triển khai tầm nhìn đưa Busan trở thành thành phố tài chính quốc tế. Các mục tiêu chiến lược của BFC là thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm Cảng mới Busan và sân bay mới Gedeon, và phát hiện và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp FinTech tiềm năng. Hiện nay, Busan đang tích cực tiếp cận các nhà đầu tư và tổ chức tài chính trong và ngoài nước để thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, hợp tác và đầu tư thông qua nhiều kênh khác nhau; thúc đẩy hợp tác thường xuyên hơn với các tổ chức thành viên.

Một số Trung tâm tài chính tại Trung Quốc như Bắc Kinh, Thâm Quyến, Quảng Châu, Thanh Đảo chủ yếu mang tính chất của Trung tâm tài chính quốc gia và nội địa vì Trung Quốc chưa tự do hóa dòng vốn quốc tế và khả năng chuyển đổi của đồng NDT còn hạn chế. Tuy nhiên, nhờ quy mô lớn của nền kinh tế Trung Quốc, các Trung tâm tài chính này có lợi thế về quy mô giao dịch tài chính của các tổ chức tài chính, thị trường tiền tệ và thị trường vốn có giá trị tuyệt đối lớn, tương ứng với GDP cả nước và GRDP của các thành phố Trung Quốc. Do tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, các tổ chức tài chính vẫn đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh ở các Trung tâm tài chính. Một số đánh giá cho rằng trong thời gian tới, các biện pháp cải cách chính sách, gia tăng vai trò quốc tế của đồng NDT, lộ trình tự do hóa tài chính và tự do hóa tài khoản vốn nếu được thực hiện sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các Trung tâm tài chính tại Trung Quốc.

Một số xu hướng mới trong phát triển các Trung tâm tài chính quốc tế hiện nay

Bên cạnh việc tham khảo một số mô hình Trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới, việc nắm bắt các xu hướng mới trong phát triển các Trung tâm tài chính quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với hiệu quả vận hành của Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam. Trong đó, một số xu hướng nổi lên bao gồm:

Xu hướng phát triển Fintech (công nghệ tài chính) là xu hướng “nóng” nhất hiện nay. FinTech được phát triển trên nền tảng tự động hóa (robotics), trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) để cung cấp dịch vụ tài chính như thanh toán điện tử/ví điện tử, tài chính tiêu dùng, cho vay ngang hàng, tài chính cá nhân, tư vấn qua robot, ngân hàng số (digital banking), môi giới chứng khoán số, blockchain và tiền mã hóa. Các địa bàn đi đầu về Fintech hiện nay bao gồm “Silicon Valley” tại New York, “Silicon Roundabout” tại London, “Finance Innovation” tại Paris, Berlin, Munich, Singapore và Trung Quốc.

Singapore hiện là trung tâm khu vực cho hàng loạt tổ chức, thị trường và dịch vụ tài chính bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, giao dịch môi giới cổ phiếu và trái phiếu, quản lý quỹ, quản lý tài sản, đầu tư mạo hiểm, dịch vụ tài chính ngoài nước, giao dịch ngoại hối. Các công ty khởi nghiệp và các công ty Fintech ở Đông Nam Á huy động vốn và đăng ký kinh doanh tại Singapore do nước này có môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao, chi phí giao dịch thấp, môi trường pháp lý và khung quản lý nhà nước hiệu quả.

Xu hướng gia tăng quy mô và sức mạnh của các Ngân hàng Trung ương, các tổ chức điều tiết giám sát tài chính, đặc biệt ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Hiện nay New York vẫn giữ vị trí hàng đầu nhờ quy mô thị trường chứng khoán, sự tập trung của các tổ chức tài chính toàn cầu, nguồn nhân lực, vai trò của đồng USD như đồng tiền dự trữ chính trên thế giới, và quyền lực định hướng thị trường tài chính toàn cầu của Fed và Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Chính sách thắt chặt tài chính và điều tiết giám sát không làm các giao dịch tài chính ngân hàng chững lại mà tạo cơ hội cho dòng vốn dịch chuyển từ các thị trường truyền thống (New York, London và Thụy Sĩ) sang các thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Xu hướng phát triển dưới ảnh hưởng của các nhân tố địa kinh tế – địa chính trị: Brexit đã đang khiến nhiều tổ chức tài chính tại Trung tâm tài chính London lên kế hoạch di dời hoặc thành lập hoạt động mới tại các Trung tâm tài chính khác tại EU như Frankfurt. Bất ổn địa chính trị làm giảm sức hút của một số Trung tâm tài chính quốc tế tại Đông Bắc Á. Cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn tác động nhiều mặt đến an ninh và phát triển toàn cầu. Trong bối cảnh đó, những quốc gia có mức độ ổn định chính trị cao, chính sách kinh tế mở và hội nhập sâu, mang tính đa phương sẽ có tiềm năng lớn để thu hút đầu tư vào các dịch vụ tài chính.

Bên cạnh các xu hướng đang nổi lên, việc phát triển các Trung tâm tài chính quốc tế tại các nước, trong đó có Việt Nam cần lưu ý một số yêu cầu. Thứ nhất, yêu cầu thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nhu cầu của khách hàng và người tiêu dùng đối với các sản phẩm xanh ngày càng cao, yêu cầu các trung gian tài chính phải có đủ năng lực thực hiện và giám sát công cụ tài trợ thực hiện các dự án có tính bền vững. Mặt khác, các quốc gia đứng trước yêu cầu thiết lập các hệ thống tiêu chuẩn tài chính đề ngăn chặn các doanh nghiệp lợi dụng “tẩy xanh” các hoạt động kinh doanh và sàng lọc các dự án môi trường không phù hợp.

Thứ hai, yêu cầu thích ứng với những cơ hội và thách thức từ Cách mạng Công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, các Trung tâm tài chính quốc tế đứng trước thách thức phải thiết lập và hài hòa hóa các tiêu chuẩn số và tiền điện tử, tăng cường tính toàn diện của khu vực tài chính. Các Trung tâm tài chính quốc tế cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh về phát triển cơ sở hạ tầng tài chính và kinh doanh, nỗ lực tạo ra khuôn khổ luật pháp và thể chế thuận lợi nhất để thu hút đầu tư.

Thứ ba, vấn đề nhân lực. Vốn con người là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên khả năng cạnh tranh giữa các Trung tâm tài chính quốc tế. Các Trung tâm tài chính quốc tế mới đứng trước thách thức thu hút và phát triển nhân lực trình độ cao; nâng cao, chuyên môn hóa và đào tạo lại lực lượng lao động; giữ chân các nhân tài hiện có. Nhiều Trung tâm tài chính quốc tế gặp phải tình trạng nhân lực thiếu chuyên môn, đặc biệt về phát triển bền vững hoặc chuyển đổi số đặt ra yêu cầu đào tạo chuyên gia về luật, kế toán, dịch vụ kinh doanh, dịch vụ và công nghệ thông tin để đáp ứng nhân lực cho các Trung tâm tài chính quốc tế.

Thứ tư, thể chế quản lý hữu hiệu. Các Trung tâm tài chính quốc tế cần có hệ thống hữu hiệu nhằm phòng chống gian lận và tham nhũng tài chính, chẳng hạn như hệ thống chống rửa tiền và nắm bắt khách hàng có năng lực giám sát các giao dịch tài chính, phát hiện các hành vi giao dịch không lành mạnh và các loại tội phạm tài chính khác. Các Trung tâm tài chính quốc tế có vai trò là cầu nối giữa các bộ, ngành và ngân hàng trung ương để đảm bảo Chính phủ nắm bắt các diễn biến trong quá trình đầu tư, phát triển ngành và thị trường. Do đó, các cơ quan quản lý cũng cần có chuyên môn, đặc biệt về dịch vụ số và vấn đề phát triển bền vững, để nắm bắt được các cơ hội mới và làm tốt vai trò điều tiết thị trường.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here