Chính phủ thống nhất chưa điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 đã đề ra và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, điều hành nêu tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 và các Nghị quyết của Chính phủ, trong đó kiên quyết, kiên trì thực hiện thành công “mục tiêu kép”; tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội; căn cứ tình hình thực tiễn từng địa bàn để lựa chọn ưu tiên công tác phòng, chống dịch hoặc phát triển kinh tế-xã hội hoặc kết hợp giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
Chiến lược thích ứng với dịch bệnh của Quảng Ninh
Quảng Ninh đã trải qua gần 80 ngày không phát hiện ca nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Các biện pháp phòng, chống dịch được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh duy trì thực hiện một cách quyết liệt, linh hoạt.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu giữ bằng được vùng xanh an toàn, địa bàn “ổn định – phát triển trong trạng thái bình thường mới”. Theo Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký để đạt được mục tiêu, Quảng Ninh sẽ tiếp tục duy trì chiến lược ngăn chặn mọi nguồn lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào địa bàn; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ về mầm bệnh, ca bệnh, ổ dịch; kiểm soát chặt chẽ hơn nữa người và phương tiện ra, vào tỉnh, đặc biệt là các lái xe vận chuyển hàng hóa đường dài, từ các địa phương phía Nam, trên đường thủy nội địa…
Tuần qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định kiện toàn thành viên, thành lập các tiểu ban, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và ban hành quy chế hoạt động. Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng rà soát tổ chức hoạt động của của Tổ tự quản phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng; chỉ đạo thành lập mô hình Trạm Y tế lưu động tại tất cả các địa phương; thành lập, vận hành đường dây nóng phòng, chống dịch của tỉnh, của các địa phương cấp huyện và cấp xã; thiết lập hệ thống thông tin chỉ huy 3 cấp; kết nối hơn 1.650 camera từ các khu cách ly, chốt kiểm soát, cơ sở y tế, giáo dục về Trung tâm Điều hành…
Bí thư Tỉnh ủy nhất trí với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và một số huyện, thị, thành ủy về việc xây dựng chiến lược thích ứng với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phục hồi du lịch nội tỉnh có kiểm soát, bảo đảm an toàn trước dịch bệnh theo hướng “thắt chặt bên ngoài, nới lỏng bên trong” có kiểm soát, có lộ trình phù hợp sau khi hoàn thành việc tiêm mũi một cho toàn bộ người dân có chỉ định tiêm.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký giao cho Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định và chịu trách nhiệm trong việc mở lại một số dịch vụ trên địa bàn nhưng phải đảm bảo yêu cầu chung về phòng, chống dịch; đồng thời, tiếp tục công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, đặc biệt là thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí, cần tiếp tục củng cố con người, thiết bị, quy trình tại các chốt kiểm soát đảm bảo khoa học, hiệu quả; quan trọng nhất là lực lượng làm việc tại đây phải có ý thức trách nhiệm cao; tập trung vận hành công nghệ ở mức tối đa, vừa giảm số người trực và nguy cơ rủi ro cho những lực lượng trực tại chốt.
Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về dịch bệnh trong trường học, các cơ sở kinh doanh, công trường, các đơn vị sản xuất, nhất là ngành than, các doanh nghiệp chế biến chế tạo.
Mặt khác, các địa phương cũng cần tập trung hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng tiến độ; phấn đấu hoàn thành nhanh nhất mũi 1 tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ các đối tượng có chỉ định tiêm. Trong những ngày tiêm vaccine, lãnh đạo chủ chốt các địa phương phải tập trung công tác chỉ đạo, nắm bắt tình hình thường xuyên. Địa phương nào không tiêm hết số vaccine được cấp trong ngày thì phải chuyển vaccine và đội tiêm lưu động cho nơi khác và địa phương đó phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức tiêm số vaccine còn lại.
Nhấn mạnh, người dân luôn là trung tâm, là chủ thể và chính là chiến sỹ trong phòng chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị, mặc dù đã tiêm vaccine nhưng mỗi người dân phải luôn thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, tích cực ứng dụng đồng bộ nền tảng công nghệ thông tin trong chống dịch và luôn đồng thuận, ủng hộ thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, của tỉnh.
Long An đảm bảo thông quan hàng hóa, nông sản kịp thời, an toàn
Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, tỉnh Long An là cửa ngõ lưu thông hàng hóa Việt Nam – Campuchia ở khu vực biên giới Tây Nam. Do tình hình dịch bệnh, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp không giải quyết cho người và phương tiện xuất, nhập cảnh. Tất cả hàng hóa, nông sản xuất, nhập khẩu, quá cảnh cũng như việc trao đổi mua bán của cư dân biên giới, sẽ được giao nhận tại cột mốc – khu vực vùng đệm và thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch.
Dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc vận chuyển hàng hóa có nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh rất cao, nhưng thời gian qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An) vẫn luôn đạt được hai mục tiêu chính đề ra. Đó là, đảm bảo thông quan hàng hóa, nông sản xuất, nhập khẩu một cách nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 luôn được an toàn.
Đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch, cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc trong khâu xử lý hồ sơ. Cụ thể, người làm thủ tục hải quan khi đến làm thủ tục, bảo vệ của Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp sẽ tiến hành khai báo y tế (tờ khai giấy hoặc điện tử), đo thân nhiệt; khi đảm bảo điều kiện, người làm thủ tục hải quan nộp hồ sơ vào tủ khử khuẩn tài liệu và ra vị trí ngồi chờ ( đảm bảo khoảng cách, không tiếp xúc trực tiếp); bảo vệ Chi cục sẽ tiến hành vận hành máy khử khuẩn tài liệu và sau đó đưa hồ sơ vào công chức liên quan xử lý. Hoàn thành xử lý, công chức trả hồ sơ lại tủ khử khuẩn để doanh nghiệp nhận và đưa đến bộ phận kiểm soát hàng hóa.
Thực tế, kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu biên giới cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, dù còn gặp nhiều khó khăn về thiếu nhân lực, bến bãi chưa được thông thoáng, ánh sáng đèn chưa được đầy đủ để phục vụ công tác trong thời gian kiểm hàng hóa ban đêm,… nhưng các kiểm tra viên cửa khẩu cùng với lực lượng biên phòng thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ người và hàng hóa vận chuyển. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, hải quan cửa khẩu không phát sinh trường hợp bị dương tính với SARS-CoV-2.
Theo thống kê, 8 tháng năm 2021 trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh tại cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp đạt trên 50 triệu USD; trong đó có có 22 triệu USD hàng xuất khẩu và trên 28 triệu USD hàng nhập khẩu. Hàng xuất khẩu chủ yếu là hộp cơm bằng nhựa PS, mốp xốp cắt theo quy cách, điện năng, dây cáp điện, giấy cuộn làm bao bì… Còn hàng nhập khẩu là nguyên phụ liệu để sản xuất giày dép, hạt tiêu đen, xoài tươi.
Bên cạnh đó, hàng hóa quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp là các mặt hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản chuyển sang Campuchia để phục vụ cho các dự án, khu công nghiệp và phục vụ cho sản xuất của công ty. Riêng đối với hàng nông sản không có xuất khẩu chính ngạch – chủ yếu là trao đổi mua bán của cư dân biên giới, đạt trị giá trên 6 tỷ đồng, gồm các mặt hàng trái thanh long, mít, bưởi, cam, cá lóc và thực phẩm tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hoàng Tăng, Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp cho biết, đơn vị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các phòng, đội chuyên môn tại cửa khẩu, nên các vướng mắc trong công tác đều được tháo gỡ kịp thời và không gây ách tắc hàng hóa. Trong tình hình dịch thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị phải sắp xếp bố trí 50% quân số làm việc. Điều này, phần nào làm ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành kiểm tra, kiểm soát và giám sát hàng hóa. Song, xác định đây là yêu cầu, nhiệm vụ chung rất quan trọng, đơn vị đã động viên cùng nhau khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, so với quy mô đầu tư xây dựng của ngành và quy mô kỳ vọng của cửa khẩu ở biên giới, thật sự còn nhiều khó khăn. Cụ thể như khoảng cách từ cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (đến Tp. Hồ Chí Minh) xa gấp nhiều lần so với khoảng cách từ cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đến Tp. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Quốc lộ 62 là tuyến giao thông huyết mạch đến cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp nhưng cầu giao thông hẹp, mặt đường xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến vận chuyển hàng hóa xuất nhập, khẩu, cũng như thu hút kêu gọi doanh nghiệp đầu tư về đây.
Sau khi Long An kiểm soát được dịch bệnh và bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh, vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp tuyến Quốc lộ 62 và đặc biệt, cặp cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Việt Nam) và Pvayvo (Vương quốc Campuchia) được thông xe-trên cơ sở Nghị định thư sửa đổi, bổ sung về thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia, có hiệu lực từ ngày 26/5/2019 (dự kiến tổ chức lễ thông xe ngay thời điểm Nghị định sửa đổi có hiệu lực, nhưng phải dừng lại do dịch COVID-19 kéo dài), sẽ thu thu hút nhiều doanh nghiệp. Qua đó, góp phần phát triển cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ và quy mô đầu tư của ngành Hải quan cũng như quy hoạch phát triển khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Long An.
Kiên Giang tập trung phòng dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp
Tỉnh Kiên Giang đang tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp trong khu và cụm công nghiệp trước tình hình dịch bệnh này diễn biến phức tạp, nguy cơ rất cao trên địa bàn.
Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế, các huyện, thành phố và đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp trong các khu và cụm công nghiệp trên địa bàn, đảm bảo vừa an toàn phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tế địa phương.
Các huyện, thành phố chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ kế hoạch triển khai thực hiện và siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp đúng theo quy định, hướng dẫn của ngành chức năng, nhằm xử lý kịp thời và hiệu quả tình huống xấu cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tiếp đến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, thành phố và các ngành liên quan hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 và định kỳ đối với người lao động theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể là xét nghiệm sàng lọc hàng tuần ít nhất cho 20% người lao động bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test kháng nguyên nhanh khi cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp chưa có trường hợp mắc COVID-19 và xét nghiệm ít nhất 50% người lao động khi có ca mắc COVID-19.
Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kéo dài, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do áp dụng phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” làm cho chi phí sản xuất tăng cao, thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu lao động…
Đến nay, tỉnh đã có 159 doanh nghiệp đăng ký giải thể, hơn 400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Song song với tập trung phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp… tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến cáo doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, nhất là các doanh nghiệp trong khu và cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu, hạn chế đến mức thấp nhất đứt gãy sản xuất kinh doanh.