AMRO cảnh báo về tình trạng phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trong ASEAN+3 và những tác động chính

0
72
(minh hoạ)
Sự phục hồi đang diễn ra không đồng đều trên khắp các lĩnh vực và doanh nghiệp, các bộ phận dân cư và cá nhân các nền kinh tế. (Nguồn: Mfa.go)

Trong gần 20 tháng qua dịch COVID-19 đã làm đảo lộn nền kinh tế thế giới, trong đó có khu vực ASEAN+3 bao gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng Trung Quốc (tính cả Hong Kong), Nhật Bản và Hàn Quốc. Số ca mắc mới COVID-19 và số ca tử vong vẫn đang tăng đều theo ngày. Những làn sóng lây nhiễm mới và các biện pháp hạn chế đi kèm được áp đặt lên công việc và đời sống xã hội đã có ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp và người dân.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực ASEAN+3 đã giảm 0,2% năm 2020 sau khi tăng khoảng 5% hoặc hơn trong nhiều năm trước đó. Những làn sóng lây nhiễm mới do những biến thể có khả năng lây lan mạnh hơn của virus SARS-CoV-2 tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế, mặc dù với mức độ thấp hơn so với trong giai đoạn đầu đóng cửa biên giới và phong tỏa toàn cầu vào mùa Xuân năm 2020.

Theo phân tích của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) ngày 10/9, sự phục hồi đang diễn ra không đồng đều trên khắp các lĩnh vực và doanh nghiệp, các bộ phận dân cư và cá nhân các nền kinh tế. Những sự không đồng đều này có thể sẽ gia tăng, nếu việc phân phối vaccine không công bằng cho phép một số quốc gia phục hồi nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Theo báo cáo của AMRO, lĩnh vực chế tạo đã phục hồi nhanh và sự đổi mới sáng tạo trong quá trình số hóa đang phát triển mạnh. Nhưng các dịch vụ cần tiếp xúc gần và ngành du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi những hạn chế do dịch COVID-19 gây ra. Mức độ khác biệt như vậy sẽ phụ thuộc vào một loạt yếu tố. Chúng bao gồm việc virus được kiềm chế như thế nào; liệu các doanh nghiệp trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề có thể tồn tại khi dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành hay không; liệu tuyển dụng việc làm cuối cùng có sẽ phục hồi và người lao động có thể được đào tạo và nâng cấp kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế được chuyển đổi hay không, hay nhiều “vết sẹo” sẽ còn hằn sâu mãi mãi.

Tốc độ phục hồi khác nhau của tất cả các thành viên ASEAN+3 có thể dẫn đến tình trạng bất bình đẳng kéo dài trong nội bộ khu vực. Mặc dù các nền kinh tế khu vực đang trên con đường dần phục hồi, song những nền kinh tế đạt được ít tiến bộ về tiêm phòng vaccine, ít sự hỗ trợ chính sách hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào đi lại và du lịch có thể sẽ bị tụt hậu. Do đó, những thiệt hại về sản lượng ở các nền kinh tế này sẽ mất thời gian phục hồi lâu hơn. Và chính những thiệt hại với quy mô khác nhau này có nguy cơ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng, thông qua việc nới rộng những khác biệt nội khu vực về tiêu chuẩn sống và làm đảo ngược những thành quả trong giảm đói nghèo.

Đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng sâu rộng, mang tính toàn cầu và kéo dài hơn so với nhiều người đã dự đoán trước đó. Sản lượng kinh tế ở nhiều nền kinh tế thành viên ASEAN+3 đã giảm mạnh trong năm 2020. Dù đã bắt đầu phục hồi, sản lượng nhìn chung vẫn thấp hơn so với mức trước dịch bệnh.

Một số thiệt hại về sản lượng có thể còn kéo dài khi hậu quả kinh tế được cho là sẽ để lại một số “vết sẹo” vĩnh viễn, ngay cả với sự phục hồi tăng trưởng trong những quý gần đây. Quả thực, có sự khác biệt ngày càng lớn về khả năng phục hồi của các nền kinh tế bên trong khu vực, với Trung Quốc dẫn đầu sự phục hồi còn các nền kinh tế khác do các làn sóng lây nhiễm mới và các biện pháp kiềm chế sau đó đang phục hồi chậm hơn.

Một số nhân tố then chốt có thể sẽ quyết định hình thức và con đường phục hồi của mỗi nền kinh tế từ dịch bệnh. Trước hết, yếu tố quan trọng nhất là một nền kinh tế có đang phải hứng chịu hay trải qua những đợt bùng phát dịch bệnh lớn hay không, và liệu các nhà hoạch định chính sách và hệ thống y tế có thể xử lý được một cách thỏa đáng các đợt bùng phát này hay không.

Nếu không có khả năng kiềm chế hiệu quả các đợt lây nhiễm, số ca mắc COVID-19 tăng cao sẽ làm cho bất kỳ sự phục hồi bền vững nào – trong đó có việc nối lại nhiều dịch vụ – khó mà đạt được. Lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, những động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu trong nước sẽ bị ảnh hưởng bởi nỗi lo về rủi ro, dù các nhà hoạch định chính sách nhìn chung đã có kinh nghiệm hơn trong việc đưa ra các biện pháp hạn chế.

Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 diện rộng sẽ có ý nghĩa sống còn trong việc giảm đáng kể ca bệnh nặng và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Với một số loại vaccine có hiệu quả hiện đang được triển khai ở nhiều nước, khả năng tiếp cận và tốc độ tiêm phòng các loại vaccine này sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Việc tiêm chủng cho người dân càng đạt được tiến bộ lớn, nguy cơ bệnh nặng và tử vong càng thấp thậm chí cả với các biến thể mới, sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh nhanh hơn. Từ đó, các hoạt động kinh tế sẽ có điều kiện phục hồi một cách bền vững.

Ngoài ra, thành phần và tầm quan trọng tương đối của các lĩnh vực cụ thể của mỗi nền kinh tế sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy bất kỳ sự phục hồi nào. Một số lĩnh vực đã được lợi từ nhu cầu xuất phát từ dịch bệnh hoặc có thể thực hiện những cách thức kinh doanh mới. Một số lĩnh vực khác bị tàn phá bởi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát của họ, đặc biệt là đối với hoạt động đi lại và những công việc đòi hỏi tương tác trực tiếp – vốn chiếm phần lớn công ăn việc làm ở nhiều nền kinh tế của khu vực. Do đó, những động lực thúc đẩy tăng trưởng khác nhau ở mỗi nền kinh tế ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của họ và phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh ở trong và ngoài nước, cũng như sự phụ thuộc của họ vào nhu cầu trong và ngoài nước – thông qua việc tiếp cận và phụ thuộc vào thương mại quốc tế, du lịch và kiều hối.

Các biện pháp chính sách nhằm bảo vệ sinh mạng và sinh kế của người dân có ý nghĩa quan trọng nhất trong việc đảm bảo sự tồn tại và phục hồi. Hỗ trợ chính sách, nếu được triển khai một cách phù hợp, sẽ giúp giảm bớt những “vết sẹo” vĩnh viễn cho nền kinh tế. Những hỗ trợ này có thể giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại về sản lượng, khắc phục việc đóng cửa doanh nghiệp, hỗ trợ bảng quyết toán yếu kém, giảm bớt tình trạng mất việc làm và đảm bảo rằng người lao động có thể được đào tạo lại kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế đang chuyển đổi. Kết quả, không gian chính sách còn lại có thể được sử dụng để tăng cường hơn nữa nền kinh tế, hoặc trong trường hợp những làn sóng lây nhiễm mới cần thêm sự hỗ trợ.

Báo cáo cũng lưu ý Khả năng điều chỉnh cho phù hợp với quá trình chuyển đổi số nhanh chóng đang hỗ trợ tăng trưởng trong một số nền kinh tế, khi những nền kinh tế này bước vào trạng thái “bình thường mới”. Khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và năng lực kỹ thuật đã cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp thích nghi và được lợi từ một nền kinh tế ngày càng số hóa.

Trong tương lai, khả năng một nền kinh tế biến những thay đổi về hành vi này thành lợi ích kinh tế rộng rãi hơn sẽ phụ thuộc vào khả năng của nền kinh tế đó trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường nguồn nhân lực thông qua đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lao động, dẫn đến gia tăng tuyển dụng và phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ.

Nguyễn Thúy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here