Mối liên kết trường Đại học – Doanh nghiệp: Nhìn từ quan điểm chính sách (phần 2)

0
345
  1. Xây dựng chính sách thúc đẩy liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp

Lợi thế cạnh tranh của một số trường đại học lớn trong kết hợp giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu đã tạo ra liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp, thúc đẩy công nghệ phát triển. Các nước công nghiệp đang biến liên kết này trở thành một bộ phận của hệ thống đổi mới, tạo nên hợp tác ba chiều, thể hiện mối quan hệ giữa chính phủ – trường đại học – doanh nghiệp. Đặc biệt, các nước công nghiệp đã khuyến khích các trường đại học thực hiện các dự án nghiên cứu lớn để thúc đẩy tăng trường kinh tế. Nhiều nhà hoạch định chính sách của OECD cho rằng vai trò mới của các trường đại học sẽ được phát huy cao hơn, song hành với những thành công trong hoạt động nghiên cứu phục vụ các lĩnh vực công nghiệp không hề thua kém các trường đại học của Mỹ.

Liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp là sự hợp tác lý tưởng bởi vì nó trở thành một bộ phận quan trọng trong chiến lược đổi mới. Tuy nhiên, nếu không có các chính sách rõ ràng, các giai đoạn thực thi, liên kết này sẽ không tồn tại để trở thành yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và địa phương hoá diễn ra đồng thời thì cả ba phía: chính phủ, trường đại học và doanh nghiệp đều có vai trò bình đẳng với nhau trong việc hoạch định các chính sách. Hệ thống đổi mới của một quốc gia, trong đó tất cả các chính sách cùng được phối hợp thực hiện hiệu quà là điều mong muốn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, các trường đại học lại không sẵn sàng nhận thêm nhiệm vụ này. Mục tiêu và kỳ vọng của mỗi bên tham gia rất khác nhau, trong khi đó các chế tài thử nghiệm các chính sách phát triển lại nghèo nàn. Một hiện tượng đáng chú ý là các nghiên cứu theo hướng toàn cầu hoá của các công ty đa quốc gia (MNC) đang vượt khỏi tầm kiểm soát của quốc gia và đang vượt khỏi biên giới. Nhiều nhà nghiên cứu sẵn sàng hợp tác với các đồng nghiệp tại các tổ chức nghiên cứu trên toàn thế giới. Hoạt động tìm kiếm, thu hút các chuyên gia hàng đầu về công nghệ đang lan rộng, làm cho nhiều trường đại học đang trên đà phát triển lo ngại về năng lực cạnh tranh của mình bị suy giảm, khi các trường này đang mất dần các chuyên gia. Trong thế giới phẳng, những mục tiêu hợp tác trở nên rộng khắp, khuyến khích các trường đại học đóng góp vào quá trình phát triển công nghệ. Nếu như đổi mới thực sự là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của các công ty, thì kết quả của nó phụ thuộc vào chính sách liên kết phát triển công nghệ giữa các trường đại học và các doanh nghiệp.

Khi các trường đại học cung cấp nhiều thành quả đổi mới công nghệ thông qua các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp thì các trường đại học sẽ thu được khoản lợi nhuận lớn và có vị trí xứng đáng trong xã hội. Đặc biệt, những phát minh và sáng chế công nghệ luôn vượt trước thời gian. Các chính sách tạo mối liên kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp là không dễ chi tiết hoá và phân chia trách nhiệm cho các tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc phân chia sẽ hữu ích, định rõ vai trò và trách nhiệm của từng bên tham gia. Các chính sách được phân chia ra bốn nhóm: chính sách quốc gia, chính sách địa phương, chính sách của công ty, chính sách của các trường đại học.

2.1 Chính sách quốc gia

Hầu hết những cải tiến công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới các trường đại học thông qua hoạt động đào tạo, phổ biến kiến thức, tiến hành nghiên cứu hợp tác với doanh nghiệp. Mối liên kết đó có tác động tích cực ở chỗ tạo điều kiện cho nhân lực của trường đại học và doanh nghiệp cùng tham gia các hoạt động nghiên cứu và phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Tại Nhật Bản và Mỹ, thành quả công nghệ của các trường đại học tính bằng số lượng phát minh sáng chế thì ít nhưng nếu tính số lượng các công trình được xuất bản trên các tạp chí lại rất nhiều. Tại các quốc gia Châu Ẩu cũng xảy ra tình hình tương tự vậy. Một số nhà nghiên cứu cho rẳng, chức năng cơ bản của trường đại học là đào tạo, nghiên cứu chỉ là hỗ trợ cho đào tạo, nếu tập trung nhiều hơn cho nghiên cứu thì hoạt động đào tạo sẽ bị coi nhẹ, dẫn đến chất lượng sinh viên tốt nghiệp có nguy cơ giảm sút. Các nghiên cứu thực nghiệm đều cho thấy, các sản phẩm công nghệ của các trường đại học vẫn không ngừng tăng, được thương mại hoá và vai trò của các trường đại học đối với doanh nghiệp vẫn tiếp tục được đề cao.

Học tập kinh nghiệm của các trường đại học của Mỹ và Châu Âu, nhiều nước đang phát triển đã tích cực hơn trong hoạch định các chính sách quốc gia nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học, tạo lập liên kết giữa các trường đại học với các doanh nghiệp. Tại Đông Á, các quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore đang đặc biệt chú ý tới mối quan hệ này.

Bước đầu tiên, các chính phủ khẩn cấp đề ra các chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chiến lược đổi mới công nghệ. Trong các chiến lược đó, một loạt các câu hỏi đã được đặt ra là cần đầu tư bao nhiêu cho giáo dục đại học, phân bổ ngân sách đầu tư cho các trường như thế nào? cần chú trọng phát triển lĩnh vực khoa học – công nghệ nào, quyền tự chủ của các trường đại học đến đâu…? Mọi chiến lược đều phải tính đến mối liên kết giữa trường đại học và các doanh nghiệp. Có hệ thống chính sách hợp lý là yếu tố rất quan trọng để các trường đại học nâng cao năng lực cạnh tranh, và lý do giải thích tại sao các trường đại học của Mỹ lại thành công.

Tác động tích cực của các chính sách quốc gia ở chỗ làm tăng thêm các khoản đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, đồng thời tạo ra liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Năm 1998, Mỹ đã dành riêng 13,5 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu tại một số trường đại học, các công ty đóng góp 2 tỷ USD. Các chính sách ưu đãi thuế cho việc thành lập các cơ sở kinh doanh, chuyển giao các sản phẩm công nghệ đã được chính quyền liên bang ban hành, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho một số doanh nghiệp áp dụng các sản phẩm công nghệ mới. Việc cấp học bổng cho các sinh viên đại học trong lĩnh vực khoa học – công nghệ cũng được Chính phủ ưu tiên và phân bổ hợp lý giữa các trường đại học cùa Mỹ. Chính phù Mỹ đã thay đổi luật nhập cư, thu hút nhiều sinh viên nước ngoài tài năng theo học các trường đại học công nghệ của Mỹ. Do đó, số sinh viên nước ngoài ở Châu Âu, Châu Á nhập học các trường đại học của Mỹ không ngừng tăng lên trong suốt thập niên 1990 và cho đến nay.

Hoạt động nghiên cứu được thúc đẩy mạnh, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ không ngừng tăng lên ở Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và gần đây tại Trung Quốc do chính sách đầu tư tài chính và phân bổ tài chính giữa các trường đại học hợp lý hơn. Các trường đại học được chính phủ bảo hộ phải có trách nhiệm hoàn trả lại một phần khoản đầu tư công, đồng thời tạo sức ép canh tranh giữa các trường đại học công với trường đại học tư trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Sức ép vươn lên thứ hạng cao trong bản danh sách các trường đại học tại Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc đã tạo động lực cho các trường đổi mới chương trình giảng dạy và tìm kiếm nguồn tài trợ để thực hiện các đề tài nghiên cứu lớn. Quyền tự trị là một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của các trường đại học. Quyền tự trị đã tạo cơ hội thực hiện những chương trình cải cách, thu hút số lượng sinh viên chất lượng cao, mở rộng các hoạt động nghiên cứu, tiếp cận nhiều nguồn đầu tư mới và hoạt động nghiên cứu bám sát yêu cầu của các ngành công nghiệp. Trước đây, hầu hết các hướng nghiên cứu là tự phát, ít có quan hệ với hoạt động kinh doanh, năng lực quản lý hạn chế, do đó kỹ năng hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp đã được đổi mới, trước hết là từ các chính sách ưu tiên của chính phủ, sau đó là từ áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp có nhu cầu áp dụng công nghệ mới.

Ở nhiều quốc gia đang có sự thay đổi về chính sách, bắt đầu từ việc xin cấp bằng phát minh sáng chế công nghệ. Cách sử dụng các bằng phát minh sáng chế hợp pháp đã thu thút các trường đại học và các nhà nghiên cứu tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu và được hưởng lợi tác quyền từ các hoạt động này. Sở hữu trí tuệ đối với những phát minh sáng chế giai đoạn đầu được thực hiện chủ yếu bằng nguồn tài chính công. Khi bằng sáng chế được bảo vệ bởi mức chi phí hợp lý, quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật đảm bảo là yếu tố thúc đẩy nghiên cứu khoa học tạo ra phát minh mới có giá trị thương mại cao hơn. Mặc dù Luật Bayh-Dole, luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không phù hợp với diễn biến của quá trình đổi mới công nghệ nhanh chóng, nhưng thực tế cho thấy nó đang kích thích sáng tạo và đẩy nhanh horn quá trình thương mại hoá các sản phẩm công nghệ. Sampat (2006), cho rằng, việc cấp bằng phát minh sáng chế không tác động nhiều tới quá trình chuyển giao công nghệ và hiệu quả của Luật Bayh-Dole đối với quá trình đổi mới là không rõ ràng. Trước khi có luật này, tại Mỹ và Châu Âu việc cấp bằng phát minh sáng chế vẫn đi đúng hướng. Kể từ thập niên 1980, số lượng bằng phát minh sáng chế tăng nhanh đã tạo nhiều cơ hội cho y sinh học, điện tử thông tin đạt tới trình độ tiên tiến. Các chính phủ cũng có thể gây ảnh hưởng đối với các trường đại học bằng chính sách phát triển thị trường công nghệ và thương mại hoá các sản phẩm công nghệ, đồng thời đầu tư vào các khu vực nghiên cứu khoa học – công nghệ lớn trong các trường đại học nhờ nguồn tài chính công của chính phủ và chính quyền địa phương.

Tạo lập mối quan hệ giữa các trường đại học với các doanh nghiệp là công việc không dễ dàng, trừ khi những chính sách của chính phủ tạo đủ nguồn cung về tài chính công cho các doanh nghiệp tham gia các dự án nghiên cứu. Nhưng chính sách mà các doanh nghiệp thường đòi hỏi là giảm thuế đối với hoạt động R&D, cấp tín dụng hoặc chính phủ trực tiếp mua lại một số hợp đồng, tiêu thụ sản phẩm, ở Mỹ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tranh thủ được nguồn tài chính công từ chính phủ liên bang trong hoạt động R&D. Khi các doanh nghiệp đã hạn chế các hoạt động nghiên cứu cơ bản, tập trung nhiều hơn vào các chiến lược kinh doanh, thì hoạt động nghiên cứu của họ phụ thuộc nhiều hơn vào liên kết với các trường đại học trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu như công nghệ nano, công nghệ vật liệu và năng lượng mới. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng nhân rộng mối liên kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp. Họ thường xuyên đánh giá các hoạt động đó thông qua các tiêu chí dựa vào số lượng, để từ đó so sánh năng lực khoa học – công nghệ của từng trường và hiệu quả hoạt động của chúng. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc mới khởi nghiệp đều dựa vào liên kết hợp tác với các trường đại học để hưởng thụ các thành quả trong lĩnh vực vi sinh, gien, những lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào nghiên cứu cơ bản.

2.2. Chính sách ca chính quyền địa phương

Hầu hết các quốc gia trên thế giới khi hoạch định các chính sách phát triển khoa học – công nghệ, tạo ra liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp đều phải kết hợp các mục tiêu chính sách của chính quyền trung ương với chính quyền địa phương. Các tỉnh, các bang ở Brazil, Canada, Trung Quốc hay ở Mỹ dựa vào quyền tự chủ, cơ chế quản lý tập trung đã phát huy khả năng cạnh tranh trong việc thu hút lao động, phát triển một số ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Thông thường các ngành công nghệ đòi hỏi khả năng chuyên môn sâu, do đó tại những địa phương có các trường đại học đang hoạt động nghiên cứu sẽ được huy động tham gia vào các dự án lớn. Về mặt lý thuyết tham gia vào các hoạt động nghiên cứu có tác động tích cực trong việc truyền bá tri thức, đồng thời tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng cho một vùng. Các nhà nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao ở các trường đại học sẽ giúp cho doanh nghiệp cải tiến công nghệ hoặc phát triển các công nghệ mới để nâng cao năng suất. Đối với chính quyền địa phương, liên kết giữa các trường đại học với doanh nghiệp đã thực sự cần thiết chưa, đang là câu hỏi tại nhiều quốc gia đang phát triển. Có khá nhiều yếu tố quy định cho mối quan hệ này, đó là xu hướng phát triển công nghệ của doanh nghiệp, mức độ sẵn sàng trước áp lực thay đổi công nghệ, chất lượng của nguồn nhân lực địa phương, khả năng hợp tác giữa các trường đại học và các công ty. Tuy nhiên, trong điều kiện phi tập trung, những chính sách của địa phương có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận và thành quả hợp tác ở hai khía cạnh. Thứ nhất, các chính sách của địa phương có thể ảnh hưởng tới chất lượng và định hướng nghiên cứu. Thứ hai, những chính sách này thúc đẩy liên kết hoặc tăng cường các khoản ưu đãi cho việc thực hiện các dự án nghiên cứu.

Không phải bất cứ trường đại học nào cũng có điều kiện tham gia các hoạt động nghiên cứu, bởi vì trường có quy mô nhỏ, ở xa trung tâm thương mại, cơ sở công nghệ. Do đó, các trường thường ký kết những hợp đồng tư vấn. Vị trí trung tâm, có nhiều hoạt động kinh tế là vị trí lý tưởng để xây dựng các trường đại học, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu với các doanh nghiệp. Từ đó, uy tín của trường đại học được nâng lên. Rất may, trong thời đại công nghệ thông tin, các công ty đa quốc gia (MNC) có thể trải rộng quy mô hợp tác nghiên cứu với các trường đại học tại nhiều địa phương của các quốc gia. Do đó, sự cách biệt tương đối không còn là yếu tố cơ bản cản trở quá trình hợp tác nữa, miễn là các trường đại học đó có đội ngũ nhân lực tài năng thì được thu hút vào thực hiện các dự án nghiên cứu lớn. Khi các trường địa phương được lựa chọn tham gia nghiên cứu, chính quyền địa phương cần có các chính sách hỗ trợ, ví dụ đầu tư vốn cho việc mua sắm thiết bị nghiên cứu, thành lập các phòng thí nghiệm, tạo lập liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp, khuyến khích chuyển giao công nghệ và phổ biến tri thức. Địa phương chính là cầu nối cho liên kết giữa các trường đại học đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi họ thiếu thông tin hoặc có khả năng tiếp cận các công nghệ mới. Cùng với vốn đầu tư của chính quyền trung ương, các địa phương cũng có thể chi một khoản ngân sách của mình, cấp vốn bổ sung cho các hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học.

Cơ hội để phát triển các hoạt động nghiên cứu là hạ tầng cơ sở. Thông thường hạ tầng cơ sở kinh tế – xã hội ở các địa phương lạc hậu hơn so với các thành phố lớn. Các trường tham gia đào tạo nguồn nhân lực của địa phương, còn chính phủ và các doanh nghiệp cần huy động mọi nguồn lực để nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ công. Chỉ bằng cách đó, chính quyền địa phương mới có thể thu hút nguồn nhân lực tài năng và ngăn chặn được tình trạng chảy máu chất xám.

Các chính quyền địa phương tại các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, và tại Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đang hoạch định các chính sách để nhân rộng liên kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp, biến các trường đại học thành các động lực cho tăng trưởng kinh tế. Các kinh nghiệm đang được tích luỹ chưa thể khẳng định một mô hình liên kết thành công. Do đó, việc hoạch định các chính sách để tạo liên kết phụ thuộc vào nhân lực cạnh tranh, uy tín của các trường đại học, được biểu hiện bởi khả năng chuyển đổi từ lĩnh vực nghiên cứu này sang lĩnh vực nghiên cứu khác trong thời đại toàn cầu hoá. Chi phí đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là cần thiết, nhưng uy tín và chất lượng của trường đại học mới là yếu tố quan trọng tạo ra liên kết hoạt động hiệu quả…

(còn nữa)

Nguyễn Đức Trọng & Lê Hiếu Học

(Nguồn: Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới, số 2/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here