Mối liên kết trường Đại học – Doanh nghiệp: Nhìn từ quan điểm chính sách (phần cuối)

0
183

2.3. Các chính sách của công ty

Nhà nước và chính quyền địa phương là những kiến trúc sư trưởng trong chiến lược đổi mới công nghệ quốc gia. Các cơ quan này đặt ra các thước đo cho giáo dục bậc cao, tạo ra các cơ chế ưu tiên, đồng thời là các cơ quan có ảnh hưởng đến những quyết định kinh doanh bao gồm việc đặt dự án ở đâu, nghiên cứu lĩnh vực gì, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu là bao nhiêu, liên kết hợp tác giữa các trường đại học và các doanh nghiệp trong việc phát triển công nghệ ở mức độ nào và phải đạt được kết quả gì? Các chính sách của chính phủ có tác động lớn tới tiềm năng phát triển của các trường đại học để thực hiện các dự án nghiên cứu. Tuy vậy, quyết định tạo lập các liên kết và đưa các liên kết đó vào thực tiễn lại do thái độ của các doanh nghiệp. Các nghiên cứu cho thấy dường như quan hệ qua lại giữa các trường đại học và các công ty là không rõ ràng.

Như đã khẳng định ở trên, các công ty đều biết rõ về lợi thế cạnh tranh có được từ đổi mới và họ rất nhạy cảm đối với lợi nhuận cao từ hoạt động R&D. Nhưng thực tế tại các nước công nghiệp lại cho thấy, hoạt động R&D chỉ được thực hiện tại các hãng lớn. Các công ty nhỏ chỉ đầu tư một lượng vốn nhỏ cho hoạt động nghiên cứu, tập trung vào hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm, dịch vụ tư vấn hoặc lập ra một số phòng thí nghiệm có quy mô nhỏ. Chiến lược của các công ty lớn là mở rộng hợp tác nghiên cứu, thôn tính các công ty vừa và nhỏ để kiểm soát chi phí các lĩnh vực công nghệ mới, lựa chọn các hướng nghiên cứu và các đối tác tham gia trong mạng lưới liên kết. Bằng cách đó, các công ty lớn có thể giảm chi phí nghiên cứu cơ bản. Với mục đích giảm chi phí nghiên cứu, mở rộng phạm vi hoạt động, mở ra nhiều hướng lựa chọn phát triển công nghệ đã có tác động thúc đẩy nhiều sáng kiến phục vụ cạnh tranh. Quá trình đổi mới đóng cửa được chuyển thành quá trình đổi mới mở cửa. So với các công ty của Anh, các công ty của Mỹ chú trọng nhiều hơn đến xu hướng đổi mới mở và nhiều công ty của Mỹ đã ký kết trực tiếp các hợp đồng nghiên cứu với các khoa của các trường đại học.

Ngược lại với Mỹ, ở Nhật Bản các công ty lại ưa thích mối liên kết không chính thức với các trường đại học. Các cán bộ nghiên cứu của công ty đã đến các trường đại học, làm việc trong các phòng thí nghiệm và tiến hành các dự án nghiên cứu đã ký kết với trường đại học. Đặc biệt các mối liên kết giữa các trường đại học với các doanh nghiệp được thực hiện tại các trường đại học lớn của Nhật Bản. Các công ty của Nhật Bản sẵn sàng đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu lớn, tìm kiếm những tài năng trong nước và ngoài nước, bổ sung vào lực lượng nghiên cứu. Mỹ Lại rất ưa thích các quan hệ chính thức và không chính thức. Nhưng các hợp đồng chính thức với các trường hầu hết đều hướng tới chọn dự án nghiên cứu, chọn đối tác nghiên cứu (các khoa hoặc các nhà khoa học chủ chốt). Tại Hàn Quốc và Ấn Độ, do quy mô của các công ty còn nhỏ, thì hiển nhiên là không thể ký các hợp đồng lớn với các trường đại học, mà họ giải quyết các vướng mắc nhờ các cơ sở nghiên cứu có quy mô nhỏ hơn hoặc nhờ sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu độc lập.

Các hoạt động R&D tại các nước công nghiệp gần đây đã chứng minh rằng các MNC lớn đang thâu tóm hết các hoạt động nghiên cứu từ các trường đại học. Các MNC rất năng động, tìm kiếm những hướng nghiên cứu, đầu tư để có kết quả bổ sung cho các hoạt động của công ty. Theo Cohen và Levinthal (1990), thì sự thành công của công ty phụ thuộc rất nhiều vào năng lực hấp thụ của công ty. Do các công ty có tầm với trên quy mô toàn cầu mới có khả năng tiếp thu các thông tin về các viện hoặc các trường đại học có năng lực nghiên cứu, cho nên các công ty này đã thực hiện được những hợp đồng nghiên cứu với chi phí rẻ nhất, kết quả tốt nhất ở một nơi nào đó, chứ không nhất thiết tại các cơ sở nghiên cứu xung quanh khu vực của công ty. Khi mà các chương trình hợp tác nghiên cứu không có kết quả khả quan, các công ty sẽ tìm kiếm các đối tác khác. Không ít trường hợp các liên kết bị phá vỡ.

Khi các lĩnh vực khoa học về đời sống và công nghệ nano được phát triển mạnh nhờ vào khoa học cơ bản, thì các trường đại học sẽ có những nghiên cứu thực tế hơn. Thực tế cho thấy công nghệ sinh học đang phát triển manh, các trường đại học nắm lấy cơ hội này, đưa ra những yêu sách ép buộc các điều kiện liên kết với các công ty và các điều kiện chuyển giao công nghệ mới cho các công ty ứng dụng thành quả của công nghệ sinh học.

2.4. Chính sách ca các trường đại học

Hầu hết các trường đại học tại các nước công nghiệp hoặc các nước đang phát triển chỉ có số lượng khiêm tốn các hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý đang thay đổi đã thúc ép các hoạt động quản lý hành chính của các trường đại học cũng phải thay đổi theo. Nhiều trường đại học phải thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu, các phát minh sáng chế, kết nổi với các doanh nhân để thực hiện mục tiêu này. Tại Trung Quốc, Đài Loan, Singapore mục tiêu này đang được đẩy mạnh. Quan điểm của các nhà giáo dục truyền thống cho rằng quá đề cao mục tiêu này sẽ làm cho chất lượng giáo dục bị giảm sút, hậu quả là thứ hạng của trường đại học bị tụt bậc. Tuy nhiên, không có bằng chứng để khẳng định cho nhận định này, do đó các mối liên kết vẫn tiếp tục mở rộng và hầu hết các trường đại học có uy tín về đào tạo lại là những cơ sở dẫn đầu trong hoạt động nghiên cứu. Các nhà giáo dục học hiện đại, đặc biệt là ờ Mỹ cho rằng hoạt động đào tạo và nghiên cứu là không thể tách rời nhau. Các trường càng có nhiều chương trình nghiên cứu có giá trị càng thu hút được nhiều sinh viên giỏi và nguồn tài trợ từ các công ty. Thông qua các hoạt động đổi mới, kinh tế của các địa phương sẽ phát triển, tạo thêm việc làm mới, thu hút nhân tài hoạt động trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ đến các trường đại học.

Một quá trình cạnh tranh đang diễn ra giữa các trường đại học tại các quốc gia công nghiệp là thu hút sinh viên, nguồn lực nghiên cứu, nhân lực tài năng cho hoạt động nghiên cứu, tạo lập mối liên kết với các doanh nghiệp, đây thực sự là quá trình cạnh tranh lành mạnh. Các trường đại học đang học tập kinh nghiệm của các MNC thiết lập nhiều cơ sở vệ tinh tại nhiều nước, trường đại học Nortingham đã thành lập các chi nhánh tại Trung Quốc, Singapore và một số quốc gia khác

Nhiều giám đốc các trường đại học đã nhận thấy, các khoản chi phí ngày càng tăng cao, ví dụ lương cho giáo viên và các nhà nghiên cứu có năng lực tiếp tục tăng. Tuy nhiên, so với các chủ doanh nghiệp thì lương của giáo viên vẫn còn rất thấp. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết bị nghiên cứu ở các trường đại học không được nâng cấp, hiện đại hoá để theo kịp tốc độ đổi mới công nghệ. Bài toán thiết lập mối liên kết giữa các trường đại học với các doanh nghiệp ngày càng trở nên khó khăn hơn. Và chính sách của các trường đại học đang trong thời kỳ chuyển đổi, tìm kiếm các cơ chế hợp tác. Trong những điều kiện cho phép, các nhà nghiên cứu hoặc giáo viên có thể nâng cao thu nhập bằng cách tham gia các hoạt động tư vấn cho các công ty bên ngoài. Điều này trở nên phổ biến với các nước đang tiến hành công nghiệp hoá như Thái Lan, Việt Nam khi mức lương giáo viên còn thấp và hoạt động tư vấn lại cần thiết. Nhiều trường đại học khuyến khích các cán bộ đi đấu thầu các dự án hoặc tham gia các hoạt động tư vấn cho các doanh nghiệp. Các trường đại học của Mỹ đi đầu trong hoạt động tư vấn, từ đó thu hút được nguồn tài chính lớn cho các khoa và cho nhà trường. Hoạt động nghiên cứu không chỉ bó hẹp trong đội ngũ giáo viên và các nhà nghiên cứu mà còn được mở rộng cho đội ngũ sinh viên tham gia. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bằng một số nguồn tài chính của chính phủ, các chương trình nghiên cứu có lực lượng sinh viên tham gia đã tạo ra những bước đột phá về tiến bộ công nghệ. Hỗ trợ của chính phủ là cần thiết, nhưng các trường cũng cần phát huy tính chủ động để thích nghi với xu thế phát triển của khoa học – công nghệ. Gần đây, các nhà khoa học Nhật Bản tại các trường đại học nổi tiếng của họ cũng rất năng động không kém gì các nhà khoa học của Mỹ trong tìm kiếm các dự án, liên kết hợp tác với nhiều tổ chức nghiên cứu khác để thực hiện dự án. Các công trình nghiên cứu đồng tác giả, hoặc các bằng phát minh sáng chế được đăng ký nhờ hợp tác nghiên cứu đang nở rộ ở nhiều nơi, làm nảy sinh nhiều ý tưởng mới đa chiều.

Một số trường đại học mạo hiểm hơn, đã cố gắng thúc đẩy và đầu tư các nghiên cứu của trường bằng cảch lập cơ quan cấp bằng phát minh sáng chế và thu phí cấp bằng. Một số ít các trường đại học khác như Đại học Stanford, MIT và các trường đại học tại California nhận được vài triệu USD mỗi năm thu từ phí cấp bằng. Khoản thu là không đáng kể, nhưng nguồn lợi từ việc cấp phép sử dụng bản quyền phát minh sáng chế lại rất lớn cho toàn xã hội. Các nước đi sau như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, và cả Đài Loan đang học theo và áp dụng các chính sách của đại học Mỹ, nhưng không thu được những kết quả như họ mong muốn. Tuy nhiên, với cơ chế quản lý phi tập trung, chính quyền địa phương sẽ tạo những cơ hội mới cho các trường đại học nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ.

Hội cựu sinh viên thành đạt là cầu nối giữa các trường đại học với doanh nghiệp. Các tổng giám đốc đã từng học ở Đại học Stanford có thể tham gia giảng dạy, hoặc tạo lập mối liên kết giữa các khoa với doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu. Ví dụ điển hình là các giáo viên và cựu sinh viên của MIT đã lập ra 4.000 doanh nghiệp thu hút hơn 1 triệu lao động, đạt doanh thu 232 tỷ USD năm 2005 và đang là lực lượng cơ bản tạo liên kết hợp tác với MIT trong đào tạo và nghiên cửu. Nhờ vậy mà chương trình đào tạo luôn bám sát thực tế, đại học này trở thành trường dẫn đầu ở Mỹ về công nghệ. Nhiều doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon đã ký các hợp đồng lớn với Đại học Stanford để thực hiện các dự án công nghệ cao như công nghệ thông tin truyền thông, y sinh học, nano. Những kết quả nghiên cứu của Đại học Stanford đã giúp cho các công ty lớn tập trung xung quanh Thung lũng Silicon mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, thiết lập các chi nhánh trên quy mô toàn cầu. Nhiều quốc gia đang thành lập các khu công nghiệp – khoa học nơi đó là địa điểm của nhiều trường đại học, nơi hội tụ của các doanh nghiệp lớn. Muốn thành lập các khu công nghiệp – khoa học cần có sự hậu thuẫn của chính quyền trung ương và địa phương, nhưng vai trò của các doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, hiện tại đã hình thành hàng trăm khu công nghiệp – khoa học quy mô lớn trong lĩnh vực chế tạo và công nghệ thông tin.

Điều kiện cần thiết cho một trung tâm công nghiệp – khoa học phát triển là tương đối rõ ràng. Singapore đang nỗ lực hoàn thiện các điều kiện để thành lập trung tâm công nghệ sinh học gần trường đại học quốc gia Singapore. Trung Quốc cũng đang tiến hành thành lập các trung tâm công nghiệp – khoa học lớn tại Bắc Kinh, Thượng Hải. Những khó khăn mà các quốc gia này đang gặp phải là nguồn tài chính hỗ trợ cho các trung tâm này hoạt động. Bởi vì vốn đầu tư mạo hiểm từ các công ty hiện nay là không đáng kể. Những sáng kiến của các trường đại học chỉ phản ánh phần nào quá trình thay đổi chính sách của các trường đại học trong tạo lập mối liên kết giữa các trường với doanh nghiệp. Hầu hết các trường đại học đang thử nghiệm thiết lập liên kết với các tổ chức phi lợi nhuận, các MNC, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các hoạt động này đang cho thấy vị trí của các trường đại học được coi trọng hơn khi hệ thống đổi mới đang lan rộng trên quy mô toàn cầu. Nếu như đổi mới là một xu hướng cơ bản cho tăng trưởng kinh tế, thì các trường đại học có thể phát triển thành một thực thể xuyên quốc gia năng động với quyền lực thương mại sẵn có trong tay, chi phối các lĩnh vực công nghệ.

Khái niệm trường đại học nghiên cứu – kinh doanh chỉ đúng tại một số quốc gia mà thôi. Một trường đại học tương xứng với khái niệm này phải là trường có quy mô lớn, chất lượng đào tạo được đánh giá cao, là nơi sản sinh ra nhiều sản phẩm mới và công nghệ mới có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh cùa các công ty lớn, có nhân lực cạnh tranh cao so với các trường đại học khác trong việc thu hút nguồn tài chính và thực hiện các dự án nghiên cứu. Tại nhiều nơi trên thế giới có những trường đại học quy mô lớn, nhưng vẫn quản lý theo kiểu truyền thống, không thích nghi được với quá trình thay đổi để nhận thêm chức năng nghiên cứu, một chức năng quan trọng của trường đại học ngoài chức năng đào tạo.

  1. Kết luận

Liên kết giữa các trường đại học với các doanh nghiệp đang tồn tại và phát triển. Mối quan hệ này sẽ phát triển như thế nào và ảnh hưởng của nó ra sao phụ thuộc vào các chính sách của bốn thành phần tham gia nêu trên. Những chính sách này vẫn đang tiếp tục đổi mới, những người tham gia đang dò tìm con đường phía trước dựa vào các kinh nghiệm đã trải qua. Hầu như các trường đại học trên thế giới đều bị ảnh hưởng của Đại học Stanford, MIT và một số trường đại học của bang California như San Diego, Berkeley, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore đang học theo các mô hình này. Hầu như các nước công nghiệp đang coi các trường đại học như là phương tiện thúc đẩy tiến bộ công nghệ, tạo điều kiện cho các nước này có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác tại các quốc gia có thu nhập trung bình. Còn các nước đi sau, coi các trường đại học nghiên cứu là phương tiện giúp họ thu hẹp khoảng cách công nghệ, hoặc đuổi kịp các nước đi trước về công nghệ. Do đó, các chính phủ đã cam kết đầu tư những khoản tiền lớn để thực hiện chiến lược đổi mới.

Có hai vấn đề nảy sinh, thứ nhất liệu mối liên kết giữa các trường đại học với các doanh nghiệp có thực sự trở thành động cơ để thúc đẩy công nghệ đổi mới không, trong khi nhiệm vụ chính của các trường đại học là đào tạo? Thứ hai, mặc dù đầu tư cho các hoạt động R&D tăng nhanh ở các trường đại học, song hoạt động này có phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp không khi mà các công ty lớn không còn hứng thú tham gia các dự án liên kết, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không đủ năng lực tài chính, nhân lực? Dự báo chính xác xu thế phát triển để trả lời hai câu hỏi trên là khó khăn. Áp lực cạnh tranh trong quá trình toàn cầu hoá sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới hình thành các liên kết mới giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Nhiều quốc gia đang nuôi hy vọng từ vai trò hợp tác của bốn đối tác chính nêu trên và thành công của các chính sách đó. Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp, tại một số quốc gia Châu Âu, Châu Á, Mỹ sẽ cho chúng ta những bài học và một số điểm đáng lưu ý./.

Nguyễn Đức Trọng  & Lê Hiếu Học

(Nguồn: Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới, số 2/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here