Các doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng gia tăng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với mục đích tránh mức thuế cao hơn mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc?
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam), số dự án, lượt góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục và các vùng lãnh thổ thuộc nước này đang gia tăng rất mạnh. Cả năm 2018, nhà đầu tư Trung Quốc có hơn 1.029 lượt góp vốn mua cổ phần, tổng giá trị góp vốn mua cổ phần hơn 800 triệu USD; trung bình mỗi lượt góp vốn mua cổ phần hơn 777.000 USD (17 tỷ đồng).
Hoạt động đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đang trở nên tích cực hơn. Theo số liệu thống kê của Chính phủ Việt Nam, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép trong quý I/2019 là 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất trong quý I kể từ năm 2016.
Số lượng các dự án đầu tư mới cấp phép tăng nhanh, trong đó các dự án trong lĩnh vực chế biến và công nghiệp chiếm gần 80% tổng số vốn đầu tư. Trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Hong Kong (Trung Quốc) đứng đầu với tổng số vốn đầu tư lên tới 4,4 tỷ USD, chiếm 41%. Tiếp theo là Singapore là 1,46 tỷ USD, chiếm 14%; Hàn Quốc là 1,3 tỷ USD, chiếm 12%; và Trung Quốc là 1 tỷ USD. Vốn FDI từ Nhật Bản chỉ là 700 triệu USD, chiếm 6%.
Có thể thấy, đầu tư trực tiếp từ Hong Kong được xem là lớn nhất nếu không tính gộp vốn đầu tư từ các doanh nghiệp của Trung Quốc. Nhưng nếu gộp vốn đầu tư trực tiếp cả Hong Kong và Trung Quốc thành của các doanh nghiệp Trung Quốc tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc chiếm khoảng ½ tổng số vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Năm 2018, vốn FDI được cấp phép ở Việt Nam là 35,47 tỷ USD và Nhật Bản đứng đầu trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn đầu tư lên tới 8,6 tỷ USD, chiếm 24%. Nếu tính cả Hong Kong và Trung Quốc, tổng vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam trong năm ngoái chỉ là 5,69 tỷ USD và Trung Quốc vẫn xếp sau Hàn Quốc – nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 2 ở Việt Nam. Chính vì vậy, sự gia tăng của dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Hong Kong và Trung Quốc là một diễn biến đáng chú ý tại thời điểm hiện nay.
Theo Thời báo Chứng khoán Trung Quốc, kể từ năm 2008, gần 60 công ty có cổ phiếu niêm yết hạng A trên sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc có các khoản đầu tư liên quan tới Việt Nam. Và chỉ trong giai đoạn 2017-2018, có tới gần 20 công ty tiến hành công bố về hoạt động đầu tư liên quan.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đã liên tục tăng trong các năm gần đây và một trong những nguyên nhân đó là sự gia tăng chính sách mở cửa của Việt Nam. Mặc dù tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang phát triển tích cực dựa trên Hiệp định Tự do thương mại Trung Quốc-ASEAN có hiệu lực từ năm 2005, với tư cách là quốc sách, Việt Nam không chỉ quan tâm tới Trung Quốc mà đang tích cực xúc tiến tự do hóa và quốc tế hóa kinh tế toàn cầu nhằm phát triển kinh tế mà chủ đạo là xuất khẩu.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, vốn bắt đầu vào tháng 3/2018, đã trở nên căng thẳng kể từ giữa tháng 6/2018. Mặc dù các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước cuối cùng đã kết thúc, nhưng có vẻ như cuộc chiến này khó kết thúc hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, các công ty Trung Quốc, từ dệt may đến công nghiệp điện tử, đang đẩy nhanh chuyển cơ sở sản xuất ra bên ngoài nhằm tránh cuộc chiến thương mại này. Đây có thể là một biện pháp chống lại các biện pháp tăng thuế của Mỹ….
Có thể thấy, phản ứng từ phía Chính phủ và giới doanh nghiệp Trung Quốc rất linh hoạt và nhanh chóng. Những người theo trường phái cứng rắn với Trung Quốc ở Mỹ đang cố đẩy Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng điều đó có thể không dễ dàng.
Đào Tùng (theo Moneypost.jp)