Thụy Sỹ hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 xuống 1%

0
73
Tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng nhằm trực tiếp và gián tiếp góp phần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.

Ủy ban Nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO) và các cơ quan tư vấn chính sách kinh tế của Thụy Sỹ, bao gồm Nhóm Chuyên gia Chính quyền Liên bang và Viện Kinh tế Thụy Sỹ, đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 của nước này từ 1,6% xuống 1%. Các cơ quan trên nhận định sự bất ổn của Brexit, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và suy giảm trong khu vực đồng Euro khiến cho nền kinh tế Thụy Sỹ phải hoạt động trong một môi trường đầy khó khăn. Nền kinh tế toàn cầu đang bị mất đà xa hơn dự báo cũng tác động, làm suy giảm hoạt động ngoại thương và đầu tư nước ngoài của Thụy Sỹ.

Nhóm Chuyên gia Chính quyền Liên bang dự báo cả nền kinh tế trong nước và kinh tế quốc tế sẽ chỉ lấy lại đà tăng trưởng một cách từ từ trong năm 2019. Đặc biệt, viễn cảnh kinh tế ở các nước Châu Âu khác trở nên ảm đạm hơn. Các dự báo tăng trưởng của Đức, đối tác kinh tế lớn của Thụy Sỹ, đã bị điều chỉnh đi xuống đáng kể, khiến cho nhu cầu quốc tế đối với các sản phẩm của Thụy Sỹ yếu đi và xuất khẩu mất đà tăng trưởng. Trước tình trạng các đơn đặt hàng bị suy giảm kèm theo nhiều bất ổn lớn, các công ty Thụy Sỹ do dự trước việc đầu tư nhằm tăng năng lực sản xuất trong những quý tới. Tăng trưởng thấp cũng được dự báo trong đầu tư xây dựng, khi tỉ lệ nhà cho thuê còn trống tăng và giá bất động sản có xu hướng giảm.

Suy giảm kinh tế cũng tác động tới thị trường lao động. Tỉ lệ thất nghiệp trung bình năm 2019 vẫn ở mức thấp 2,4%, tuy nhiên tăng trưởng việc làm bị chậm lại và tăng trưởng mức lương vẫn còn yếu. Do đó, tiêu dùng tư nhân có xu hướng phát triển dưới mức trung bình, mặc dù tỉ lệ lạm phát thấp (0,4%) có tác dụng kích thích sức mua hộ gia đình.

Các cơ quan kinh tế Thụy Sỹ nhận định trong năm 2020, kinh tế toàn cầu sẽ lấy lại đà tăng trưởng một cách khiêm tốn. Với giả định tranh chấp thương mại quốc tế không gia tăng, thương mại toàn cầu sẽ có khởi sắc. Điều này sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế xuất khẩu của Thụy Sỹ. Bên cạnh đó, kinh tế trong nước cũng gia tăng tầm ảnh hưởng, đặc biệt là nhu cầu đầu tư sẽ tăng trở lại và tiêu dùng trong nước tăng nhanh hơn nhờ tăng trưởng mạnh hơn trong khu vực việc làm và thu nhập thực tế. Dự báo tăng trưởng GDP của TS trong năm 2020 là 1,7%, lạm phát 0,6% và tỉ lệ thất nghiệp 2,6%.

Nền kinh tế Thụy Sỹ tiếp tục bị ảnh hưởng trước những rủi ro suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Nếu tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác gia tăng, kinh tế và thương mại toàn cầu sẽ nguội lạnh nhanh hơn dự báo, khiến cho thương mại và đầu tư của Thụy Sỹ bị suy giảm. Đặc biệt, Thụy Sỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu xung đột giữa Mỹ và EU leo thang, ví dụ như nếu Mỹ áp thuế lớn lên xe hơi của Đức. Bất ổn chính trị ở Châu Âu vẫn ở mức cao, đặc biệt là bất ổn của Brexit và quan hệ giữa EU và Anh. Hơn nữa, tình hình kinh tế và tài chính của Ý một lần nữa lại ẩn chứa nhiều rủi ro lớn sau khi nước này trượt dài trong suy thoái.

Quan hệ giữa Thụy Sỹ và EU vẫn ẩn chứa mức độ bất ổn nhất định, ví dụ như liên quan đến đàm phán hiệp định khung về thể chế và vấn đề cải cách thuế doanh nghiệp. Nếu quan hệ với EU suy giảm đáng kể, đầu tư của các công ty Thụy Sỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo chiều ngược lại, nền kinh tế nội địa của Thụy Sỹ có xu hướng khởi sắc mạnh mẽ hơn trước những diễn biến tích cực trên thị trường lao động.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here