Chiều 26/2, đoàn công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Nam để tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư của địa phương.
Giới thiệu về môi trường đầu tư, ông Trương Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam là tỉnh cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông thuận lợi, có nguồn nhân lực dồi dào, có 8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt; trong đó có 6 khu đã đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp đều có hạ tầng đồng bộ, được kết nối thuận tiện về giao thông, cung cấp đầy đủ dịch vụ tiện ích cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hà Nam còn có khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tại Hà Nam, 3 khu nông nghiệp công nghệ cao đang thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư; khu y tế chất lượng cao, hệ thống nhà hàng, khách sạn sang trọng, đạt tiêu chuẩn quốc tế…
Các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói chung đến đầu tư tại Hà Nam được UBND tỉnh Hà Nam, các sở, ngành tạo những điều kiện tốt nhất. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Nam đảm bảo bằng 10 cam kết trong thu hút đầu tư, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh Hà Nam luôn sẵn sàng tiếp đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp trong đoàn đã bày tỏ sự quan tâm đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam, đặt nhiều câu hỏi liên quan đến: cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực…
Các câu hỏi đã được lãnh đạo tỉnh Hà Nam giải đáp, đồng thời khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư trên địa bàn.
Ông Yoichi Kobayashi – Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mekong – Nhật Bản thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc về sự tiếp đón nồng hậu, ấm áp của lãnh đạo tỉnh Hà Nam dành cho đoàn. Ông Yoichi Kobayashi cho biết, phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hiện có trên 1,2 triệu thành viên là các doanh nghiệp đang hoạt động trên khắp đất nước Nhật Bản. Ủy ban Hợp tác kinh tế Mekong – Nhật Bản là 1 trong 5 Ủy ban chức năng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, có nhiệm vụ giúp Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế giữa Nhật Bản với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đến Hà Nam đoàn mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về những lợi thế, sức hấp dẫn cũng như những cơ chế, chính sách của tỉnh Hà Nam trong thu hút đầu tư.
Các doanh nhân Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh ở tỉnh Hà Nam rất ổn định, với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tốt với các khu vực lân cận, cơ chế chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư và nguồn nhân lực dồi dào. Ngoài ra, yếu tố quan trọng để nhà đầu tư yên tâm sản xuất đó là chính sách nhất quán và chiến lược phát triển bền vững của tỉnh, các cam kết của Hà Nam đối với các nhà đầu tư. Một yếu tố quan trọng nữa là “bộ lọc” ngay từ đầu vào để lựa chọn đúng đối tượng phù hợp với chủ trương thu hút FDI của tỉnh.
Có thể nói, các doanh nghiệp FDI là một nhân tố quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế của Hà Nam. Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 244 dự án FDI đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ, gần 90% các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, với tổng số vốn là 2,717 tỷ USD.
Các dự án lớn chủ yếu tập trung vào các ngành điện, điện tử, viễn thông. Một số dự án lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc có giá trị trên 300 triệu USD, chủ yếu các dự án đầu tư ở các khu công nghiệp
Riêng đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, trên địa bàn hiện có 82 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 873,3 triệu USD. Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại tỉnh đều là những doanh nghiệp mẫu mực, có trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư hiệu quả như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi, Công ty TNHH NMS…
Vân Vi