Thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư với khu vực châu Mỹ

0
79

Ngày 25/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình “Gặp gỡ các đối tác khu vực châu Mỹ năm 2019”. Đây là Chương trình đầu tiên được tổ chức nhằm tăng cường kết nối, mở ra những hướng đi mới, đưa quan hệ thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nước khu vực châu Mỹ ngày càng phát triển thực chất và hiệu quả.
Chương trình có sự tham dự của gần 200 đại biểu là Đại sứ và đại diện cơ quan ngoại giao các nước khu vực châu Mỹ; Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương; các cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cùng đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam và khu vực châu Mỹ.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định, trong nhiều năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ không ngừng được mở rộng và phát triển. Đồng thời nhấn mạnh, những thành tựu trong phát triển kinh tế của Việt Nam những năm qua, có sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng các đối tác quốc tế, trong đó có các đối tác châu Mỹ.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả 35 quốc gia trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt khoảng 78,35 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 58,03 tỷ USD, tăng 14,87% so với năm 2017, nhập khẩu đạt 20,32 tỷ USD, tăng 32,6%.
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, tính đến hết năm 2018 đã có 24 quốc gia châu Mỹ có đầu tư tại Việt Nam với 1.180 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 15,5 tỷ USD; chiếm 4,3% số dự án và 4,5% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước. Trong số các dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, các nhà đầu tư lớn bao gồm Hoa Kỳ (900 dự án), Canada (174 dự án) và Belize (23 dự án).
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác châu Mỹ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hợp tác làm ăn, kinh doanh như khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ, và việc thiếu thông tin cập nhật về các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra cũng cần phải kể đến một số yếu tố khách quan đã và đang gây ra những tác động đa chiều tới trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới trong đó có thị trường châu Mỹ như diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu và xu hướng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ tại một số thị trường lớn.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước khu vực châu Mỹ, Việt Nam đã đàm phán và ký kết nhiều hiệp định, thoả thuận với một số nước trong Khu vực. Đáng chú ý nhất là Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 2000, Hiệp định thương mại tự do với Chile năm 2011; Hiệp định thương mại với Cuba ngày 9/11/2018 và hiện đang trao đổi khả năng đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, “Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, với 11 thành viên trong đó có Canada, Chile, Peru, Mexico và Việt Nam cũng đã được ký kết vào tháng 3/2018 và có hiệu lực từ ngày 14/1 năm nay sẽ là bước ngoặt quan trọng và tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ”.
Phát biểu tại chương trình, Đại sứ Venezuela tại Việt Nam Jorge Rondón Uzcategui chia sẻ, viễn cảnh đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ là rất tích cực. Đặc biệt là sự đóng góp kỹ thuật có giá trị mà Việt Nam dành cho các nước châu Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện đã có một số dự án thành công trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo và hải sản ở Cuba và Venezuela sẽ cho phép các nước này đảm bảo phần lớn nhu cầu lương thực.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã gặp gỡ, trao đổi thông tin về tiềm năng, triển vọng hợp tác, kinh doanh và tham quan triển lãm các sản phẩm của Việt Na/.m như cà phê, hạt điều, chè, da giày…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here