Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Ả-rập Xê-út về hợp tác kinh tế

0
125
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Khoáng sản Ả-rập Xê-út đã cùng nhau ký Biên bản Kỳ họp, kết thúc tốt đẹp Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ả-rập Xê-út - Ảnh: Moit
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Khoáng sản Ả-rập Xê-út đã cùng nhau ký Biên bản Kỳ họp, kết thúc tốt đẹp Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Ả-rập Xê-út – Ảnh: Moit

Kỳ họp lần thứ 5 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Ả-rập Xê-út về hợp tác kinh tế đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Phan Thị Thắng và Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Khoáng sản Ả-rập Xê-út.

Kỳ họp được tổ chức ngay sau chuyến thăm Ả-rập Xê-út và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN – GCC vào tháng 10 vừa qua tại Riyadh của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, và cuộc gặp với Thái tử, Thủ tướng Vương quốc Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman bin Abdulaziz Al Saud trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao giữa ASEAN – GCC. Đây là minh chứng rõ nét về mong muốn thúc đẩy hợp tác của cả hai bên, nhằm hiện thực hóa kết quả cuộc gặp của lãnh đạo cấp hai nước và cũng là góp phần kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2024.

Tham dự kỳ họp, về phía Việt Nam có sự tham dự của đại diện của Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Công Thương; Ngoại giao; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tư pháp; Quốc phòng; Công an; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin truyền thông và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng đại diện Lãnh đạo các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam.

Đoàn đại biểu Ả-rập Xê-út do Ngài Eng. Abdulaziz Alahmadi, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Khoáng sản Ả-rập Xê-út làm Trưởng đoàn, cùng với 47 thành viên đến từ các Bộ, ngành của Ả-rập Xê-út, gồm các Bộ: Công nghiệp và Tài nguyên Khoáng sản; Ngoại giao; Y tế; Thương mại; Truyền thông; Tư pháp; Nhân lực và Phát triển xã hội; Năng lượng; Kinh tế và Kế hoạch; Văn hóa; Giáo dục; Nội vụ; Quốc phòng; Giao thông Vận tải và Dịch vụ hậu cần; Công nghệ thông tin và truyền thông; Thể thao; Môi trường, nước và nông nghệp; Đô thị, nông thôn và nhà ở; Tổng cục Hàng không dân dụng; Tổng cục Giao thông vận tải; và các cơ quan như: Cơ quan Zakat, Thuế và Hải quan; Tổ chức Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng; Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm; Quỹ Đầu tư Công; Quỹ Phát triển Saudi; Thành phố Khoa học và Công nghệ Abdulaziz; Cơ quan Phát triển xuất khẩu Saudi; Cơ quan Khảo sát địa chất Saudi; Cơ quan Quản lý cảng Saudi; và Liên đoàn Phòng Thương mại Saudi.

Cùng tham dự kỳ họp về phía Ả-rập Xê-út còn có sự tham dự của ông Mohammed Ismaeil A. Dahlwy, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương Quốc Ả-rập Xê-út và các Bộ của Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Hà Nội.

Tại cuộc hội đàm hẹp diễn ra ngay trước phiên họp toàn thể, hai Thứ trưởng đều khẳng định quyết tâm sẽ phối hợp chặt chẽ và nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm triển khai hiệu quả những nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về việc mở rộng hợp tác kinh tế thương mại song phương, đi vào chiều trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian qua.

Tại phiên họp toàn thể, hai đồng Chủ tịch Ủy ban đã trao đổi, thông báo một số nét chính về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi nước trong thời gian qua; đồng thời tiến hành đánh giá, kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận hợp tác kể từ Kỳ họp lần thứ 4 đến nay và đưa ra những phương hướng, giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước trong thời gian tới.

Điểm lại các kết quả đã đạt được trong lĩnh vực hợp tác kinh tế thương mại, hai Thứ trưởng vui mừng nhận thấy quan hệ song phương Việt Nam – Ả-rập Xê-út đang phát triển tốt đẹp trên nhiều mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, lao động, giáo dục đào tạo, văn hóa… Trong đó, kinh tế – thương mại là trụ cột quan trọng và là động lực phát triển của quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tuy nhiên, hai Thứ trưởng đều cho rằng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của cả hai nước.

Hai Bên nhất trí về tầm quan trọng của cơ chế Uỷ ban hỗn hợp trong việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, trong nhiều lĩnh vực giữa hai nước, tiếp tục mở đường cho quan hệ hợp tác song phương ngày một phát triển.

Quan hệ chính trị – ngoại giao phát triển hết sức tốt đẹp, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn các cấp, tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, cùng ủng hộ chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và vai trò của Liên hợp quốc trong việc đảm bảo hòa bình và phát triển toàn cầu.

Ả-rập Xê-út là thị trường lớn và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông – Châu Phi. Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính chất bổ sung lẫn nhau. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước liên tục tăng nhanh, trong 10 năm trở lại đây, năm 2012 kim ngạch song phương đạt 1,4 tỷ USD đến năm 2022 trong bối cảnh khó khăn, suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kim ngạch hai chiều vẫn đạt 2,7 tỷ USD với mức tăng trưởng 32,4%.

Hiện tại, đầu tư của các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út vào Việt Nam còn rất khiêm tốn, trong khi khả năng và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út rất hùng mạnh, mà Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng và lợi thế về môi trường đầu tư kinh doanh.

Việt Nam khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út đầu tư vào Việt Nam, nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước.

Tại kỳ họp lần này, một số lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy hợp tác, như: Cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong quan hệ thương mại giữa hai nước; Sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cần thiết để tạo thuận lợi, hỗ trợ hoạt động thanh toán, thương mại, đầu tư của doanh nghiệp và cư dân hai nước; Tiếp tục thúc đẩy thương mại song phương thông qua việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu theo đúng nhu cầu và thế mạnh của nhau; Tăng cường thu hút đầu tư từ Ả-rập Xê-út vào Việt Nam (đầu tư trực tiếp và thông qua các quỹ của Ả-rập Xê-út); Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, điện, dầu khí, năng lượng tái tạo, hóa chất, chế biến thực phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng (sân bay, cảng biển, đường xá, khu công nghiệp), xây dựng dân dụng, các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đặc biệt là các dự án hợp tác để đạt các mục tiêu cam kết về phát triển bền vững, phát triển xanh và bảo vệ môi trường… hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững; và thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất, sâu rộng trong các lĩnh vực, như: Quốc phòng an ninh, lao động, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin truyền thông…

Phía Ả-rập Xê-út đánh giá cao và khẳng định Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh và thịnh vượng với những tiềm năng lớn, nhiều lợi thế cạnh tranh và nguồn nhân lực có trình độ. Điều này giúp tăng cường sự thâm nhập của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các lĩnh vực kinh tế có nhiều triển vọng như công nghiệp điện tử, dệt may, nông nghiệp và các sản phẩm khác, đưa nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 8%.

Đồng thời, phía Ả-rập Xê-út mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác song phương thông qua trao đổi đoàn các cấp, từ các đoàn chính phủ đến các đoàn doanh nhân thuộc khu vực tư nhân, mà một trong số đó là chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua, của các nhà đầu tư của Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh với hơn 50 doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm các dự án đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Phía Việt Nam khẳng định, luôn sẵn sàng ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên ngày một phát triển tốt đẹp. Việt Nam mong muốn, ngoài các lĩnh vực hợp tác sẵn có, hai bên sẽ cùng nhau thúc đẩy hợp tác sang các lĩnh vực khác mà hai bên cùng có tiềm năng hợp tác.

Hai bên mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Tầm nhìn 2030 của Ả-rập Xê-út và các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam, vì lợi ích chung và phát triển thinh vượng của hai quốc gia.

(Hà Hương/congthuong)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here