Kinh tế Venezuela

0
177
(minh hoạ)

* Về tiền tệ: Ngày 5/8/2021, Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV) ra thông cáo chính thức về việc chính sách tiền tệ có hiệu lực từ ngày 1/10/2021. Theo đó, loại bỏ sáu số 0 khỏi đồng Bolivar Soberano (Bs) và đưa vào lưu thông đồng Bolivar kỹ thuật số (Bolivar digital). Như vậy, kể từ năm 2008 đến nay, Venezuela đã loại bỏ 14 số 0 khỏi đồng Bolivar.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Venezuela, ông Freddy Ñáñez cho biết việc thay đổi chính sách tiền tệ sắp tới hỗ trợ cho sự phát triển sâu rộng của nền kinh tế số ở Venezuela, đánh dấu cột mốc lịch sử vào thời điểm đất nước bắt đầu con đường phục hồi kinh tế, bất chấp các lệnh trừng phạt, biện pháp phong tỏa kinh tế, tài chính của Mỹ và đồng minh.

Đồng Bolivar kỹ thuật số được lưu thông vào ngày 1/10/2021 sẽ có mệnh giá 1 Bolivar digital (tương đương với 1 triệu Bs), 5, 10, 20, 50 và 100.

BCV tuyên bố sự ra đời của đồng Bolivar kỹ thuật số sẽ không tạo ra bất kỳ ảnh hưởng đến giá trị tiền tệ hiện nay, cam kết tiếp tục phát hành đồng tiền mới dưới dạng tiền giấy (lưu thông song song với tiền kỹ thuật số), nhấn mạnh việc chuyển đổi tiền tệ là nhằm (i) xây dựng chiến lược, tầm nhìn hiện đại về chính sách tiền tệ, (ii) tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thanh toán điện tử, (iii) củng cố nền kinh tế sản xuất một cách an toàn, minh bạch.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng nếu không đi kèm với một chiến lược thúc đẩy nền kinh tế toàn diện nhằm kìm hãm siêu lạm phát và tạo ra việc làm, Venezuela không thể mong đợi một “cú hích kinh tế” từ chính sách này. Trong khi đó, Đài quan sát Tài chính Venezuela (OVF) đưa ra một số bình luận về thông cáo chuyển đổi tiền tệ của BCV, theo đó (i), việc loại bỏ sáu số 0 chỉ đem lại hiệu quả cho các giao dịch trong bối cảnh hệ thống kế toán không thể đáp ứng các dãy số dài, (ii) việc chuyển đổi không tạo ra biến động lạm phát, bởi biện pháp này không thể hiện chính sách kinh tế trong lĩnh vực tài khóa và tiền tệ nhằm kiềm chế thực trạng siêu lạm phát đang diễn ra, (iii) đây không phải là phá giá tiền tệ, chỉ đơn giản là một hình thức “cơ cấu lại” tỷ giá hối đoái, (iv) giao dịch tiền kỹ thuật số sẽ gặp trở ngại do nền tảng hạ tầng số chưa vững chắc, còn thiếu thốn, (v) Chính phủ chưa thể tìm ra giải pháp đối phó với tình trạng siêu lạm phát, mặc dù đây là lần đổi tiền thứ 3 trong hơn một thập kỷ qua (trước đó vào năm 2008 và 2018).

* Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua gói cứu trợ kỷ lục 650 tỷ USD nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm suy thoái nền kinh tế toàn cầu. Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva cho biết việc bơm tiền sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia thành viên, giải quyết nhu cầu dự trữ dài hạn, xây dựng lòng tin và thúc đẩy khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới.

 Các quốc gia thành viên sẽ được truy cập Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) từ cuối tháng này tương ứng với khoản hỗ trợ đã được phê duyệt. Theo đó, ở khu vực Mỹ La tinh, các quốc gia nhận được gói hỗ trợ nhiều nhất gồm Brazil với 15,1 tỷ USD, Mexico (12,2 tỷ), Venezuela (5,1 tỷ), Argentina (4,3 tỷ), Colombia (2,8 tỷ), trong khi đó, nhóm các nước được hỗ trợ ít nhất là Paraguay, Honduras, Bolivia (0,3 tỷ), El Salvador (0,4 tỷ), Panama (0,5 tỷ).

Đối với trường hợp của Venezuela, tuy được phê duyệt 5,1 tỷ USD nhưng quốc gia này chưa thể tiếp cận gói hỗ trợ khẩn cấp. Nguyên nhân là IMF chưa thể xác định được ai là người đứng đầu Venezuela do sức ép từ nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ (cổ đông lớn nhất của IMF), không công nhận Nicolas Maduro là Tổng thống hợp pháp của quốc gia này.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here