1. Về tình hình thương mại và lao động của Mỹ trong bối cảnh biến thể Delta gia tăng lây nhiễm
Ngày 5/8/2021, báo Wall Street Journal dẫn thông báo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 06/2021 là 75,7 tỷ USD, tăng 6,7% so với số liệu tháng 5/2021. Đây là mức tăng kỷ lục so với giai đoạn trước khi đại dịch bùng phát, vốn từng dao động trong khoảng từ 40 – 50 tỷ USD. Chỉ số cũng cho thấy việc nền kinh tế Mỹ phục hồi đã thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng đối hàng hóa nhập khẩu trong bối cảnh biến thể Delta đang gia tăng lây nhiễm.
Theo WSJ, báo cáo của Bộ Thương mại là một ví dụ khác về cách người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ đã tăng chi tiêu và đầu tư khi nền kinh tế được phục hồi trở lại về quy mô trước đại dịch COVID-19, qua đó đẩy mạnh nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Số liệu báo cáo cho thấy sức mua hàng từ nước ngoài tăng 2,1% lên 283,4 tỷ USD trong tháng 06/2021 cũng là một mức tăng kỷ lục. Lĩnh vực xuất khẩu tăng trưởng chậm hơn, chỉ đạt 207,7 tỷ USD (tăng 0,6%), phản ánh sự phục hồi từ đại dịch yếu hơn ở một số khu vực nước Mỹ. Sự gia tăng nhập khẩu trong tháng 06/2021 được cho là xuất phát từ việc Mỹ đẩy mạnh việc mua vật tư công nghiệp, sản phẩm luyện gang và thép, hóa chất hữu cơ, hợp chất vàng dùng trong công nghiệp.
Các báo cáo về thương mại, cũng như việc làm được đưa ra gần đây trong bối cảnh biến thể Delta đang gia tăng lây nhiễm có thể tạo ra các nguy cơ mới, trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với thách thức từ sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng cũng như việc đáp ứng nhân lực cho các doanh nghiệp.
Cũng theo báo cáo của Bộ Lao động trong ngày, số đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp tuần trước của Mỹ đã giảm nhẹ xuống mức 385.000, dù cao gấp đôi so với giai đoạn trước đại dịch song đã giảm đáng kể so với giai đoạn đầu khi đại dịch mới bùng phát. Báo cáo cũng cho biết cho đến nay phản ứng của doanh nghiệp và chính phủ đối với biến thể Delta không làm gia tăng việc sa thải nhân viên. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng vẫn tỏ lo ngại về khả năng biến thể Delta có thể tạo ra các nguy cơ mới nếu mức độ lây nhiễm buộc các cơ quan phải thắt chặt trở lại các quy định giãn cách, đóng cửa.
WSJ cũng nhận định sự gia tăng của biến thể Delta đang chỉ ra một cách biệt lớn giữa các nền kinh tế tiên tiến với tỷ lệ tiêm chủng cao và các thị trường mới nổi với tỷ lệ thấp. Các cách biệt này thể hiện rõ hơn khi Quỹ tiền tệ IMF tuần trước đã nâng dự báo tăng trưởng cho Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác, trong khi hạ thấp triển vọng với các nước thuộc thị trường mới nổi, nhất là các nước ở khu vực Châu Á.
Một thách thức khác đối với thương mại quốc tế: Mặc dù nhu cầu của Mỹ rất mạnh, nhưng các nhà sản xuất toàn cầu đã phải đối mặt với những vấn đề trên diện rộng trong việc đáp ứng các đơn đặt hàng trong chuỗi cung ứng. Đại dịch, nhà máy đóng cửa và thay đổi đột ngột trong mô hình mua sắm đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt các mặt hàng quan trọng kéo dài, dẫn đến việc sản xuất bị đình trệ. Đặc biệt, sự thiếu hụt trầm trọng chất bán dẫn đã làm chậm quá trình sản xuất mọi thứ từ máy tính, thiết bị gia dụng đến ô tô. Nhiều công ty đang cảm thấy bị mắc kẹt giữa một một bên là nhu cầu tiêu dùng tăng cao và bên kia là sự thiếu hụt chuỗi cung ứng.
2. Các hiệp hội doanh nghiệp lớn thúc giục Mỹ mở rộng phạm vi đàm phán về dịch vụ tại WTO
Ngày 5/8/2021, Inside Trade cho biết 03 trong số các hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ gồm Phòng Thương mại Mỹ (USCC), Hội đồng Ngoại thương Quốc gia (NFTC) và Hội đồng Kinh doanh quốc tế Mỹ (USCIB) đã gửi thư kêu gọi Trưởng USTR Katherine Tai mở rộng phạm vi các cuộc đàm phán đa phương về quy định dịch vụ trong nước mà Mỹ đã bắt đầu tham gia vào tháng trước.
Nội dung thư cho biết các cuộc đàm phán về Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) hiện chỉ đang tìm cách mở rộng nguyên tắc đối với các lĩnh vực dịch vụ thuộc Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) của WTO, đã trở nên già cỗi, phạm vi điều chỉnh hạn chế, cam kết giữa các nước không đồng đều và không còn phù hợp với lĩnh vực dịch vụ. WTO ước tính chi phí thương mại dịch vụ hiện đã cao gấp đôi so với thương mại hàng hóa; việc hợp lý hóa và bổ sung các quy định quản lý một cách rộng rãi nhất trong lĩnh vực dịch vụ sẽ giúp đạt được bước tiến lớn trong điều chỉnh sự bất bình đẳng này. Các hiệp hội cho rằng việc tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ nhiều nhất có thể đặc biệt quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Một thỏa thuận về quy định nội địa đối với lĩnh vực dịch vụ sẽ thúc đẩy đáng kể sự phục hồi của ngành này, nhất là khi phạm vi được mở rộng ra ngoài những lĩnh vực đã được nêu trong GATS. Cả 3 hiệp hội nhấn mạnh việc mở rộng nguyên tắc như vậy cũng sẽ phù hợp với các ưu tiên mà chính quyền Biden đã nêu về chính sách thương mại của mình.
Theo Inside Trade, cuộc đàm phán về quy định nội địa về dịch vụ đang được tiến hành, các thành viên WTO tham gia dự kiến sẽ đưa ra kết quả trước hoặc tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 vào cuối năm nay. Các bên tham gia đàm phán đa phương đã hoan nghênh quyết định tham gia đối thoại của Mỹ. Trong khi đó, chính quyền Biden hiện chưa cho biết về khả năng có đưa ra bất kỳ một đề xuất nào đối với cuộc đàm phán này.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)