Kinh tế tuần hoàn – hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam

0
156
Thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội, nhất là người dân ở địa phương nơi triển khai dự án. (Nguồn: sggp.org
Thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội, nhất là người dân ở địa phương nơi triển khai dự án. (Nguồn: sggp.org)

Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cần có lộ trình và thứ tự ưu tiên. Vấn đề cần phải giải quyết ngay tại Việt Nam là phân loại rác tại nguồn

Tại Hội thảo Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, đồng thời góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu.

Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, do đó, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành quả trong tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, kinh tế tuần hoàn là tương lai của doanh nghiệp, tương lai của các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Dù Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai của kinh tế tuần hoàn, nhưng vẫn cần xây dựng bộ chỉ số để đo lường tính tuần hoàn và sớm phổ cập tới cộng đồng doanh nghiệp. Bộ chỉ số này phải bao quát được một vòng đời của sản phẩm, với 5 khâu tuần hoàn từ thiết kế đến sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và biến chất thải trở lại thành tài nguyên”, ông Nguyễn Quang Vinh nêu quan điểm.

Tổng thư ký VCCI cũng nhận định, trong phát triển kinh tế tuần hoàn, mô hình khu công nghiệp sinh thái được đặt ra như một yêu cầu tất yếu bởi một khu công nghiệp tái chế nước thải để sử dụng lại cho sản xuất có thể giảm được tới 40% lượng nước thải vào môi trường, cũng như giảm chi phí nước sạch đầu vào.

Bên cạnh đó, mô hình khu công nghiệp sinh thái đặt vấn đề môi trường cao hơn. Đơn cử như tỷ lệ cây xanh và giao thông phải đạt 25% thay cho tỉ lệ 20% ở khu công nghiệp bình thường.

Về phía doanh nghiệp, bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Heineken Việt Nam cho biết, để góp phần phòng, chống biến đổi khí hậu, Công ty này đã chủ động thực hiện kinh tế tuần hoàn, từ đó tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững.

Hiện tại, 5/6 nhà máy sản xuất của Công ty Heineken đã thực hiện nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. Năm 2019, Công ty thu mua 40.000 tấn vỏ trấu và các chế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ sản xuất đã mang lại thu nhập 52,6 tỷ đồng cho người dân.

“Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội, nhất là người dân ở địa phương nơi triển khai dự án. Hiện Heineken gần như không còn chất thải chôn lấp vì 99% chất thải đã được tái sử dụng, tái chế trong quá trình quay vòng sản xuất”, bà Lê Thị Ngọc Mỹ nói.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tuần hoàn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, có 115 mục tiêu cụ thể được Chính phủ đưa vào “Chương trình hành động quốc gia”. Hiện tại, những mục tiêu trên đã được lồng ghép tất cả các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cũng như trong kế hoạch 5 năm tới, dự kiến sẽ trình thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tuy nhiên, những mô hình kể trên đã thực hiện trước giai đoạn Covid-19, còn ở hiện tại khi đại dịch vẫn đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu thì việc thực hiện mô hình trên phải theo cách mới.

Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận xét, để vừa vực dậy doanh nghiệp lại vừa đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trước hết doanh nghiệp phải tập trung hoàn thành trách nhiệm trong các chuỗi cung ứng và triển khai hiệu quả hơn.

Theo đó, doanh nghiệp phải nghĩ việc trở lại như là một sức mạnh mới và bền bỉ để đi xa hơn chứ không chỉ trong ngắn hạn. Doanh nghiệp cần dựa vào công nghệ, khả năng về phân tích và toàn cầu hóa để linh hoạt trong kinh doanh. Cùng với đó là tham gia một cách tích cực trong việc chống lại tác hại của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Ngoài ra, vai trò dẫn dắt của Chính phủ rất quan trọng, nhất là trong dịch bệnh như hiện nay – các đường lối, chính sách kiểm soát dịch bệnh tốt từ Chính phủ sẽ giúp DN yên tâm hoạt động, từ đó tái đầu tư cho phát triển bền vững.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), các yêu tố cần có để phát triển kinh tế tuần hoàn là có hành lang pháp lý đầy đủ; cần triển khai nghiên cứu sâu trong từng ngành, lĩnh vực và địa phương; tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, gắn với công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình và thứ tự ưu tiên. Vấn đề cần phải giải quyết ngay đối với Việt Nam là phân loại rác tại nguồn”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Các chuyên gia tại Hội thảo cũng cho rằng, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here