1. Standard & Poor (S&P) duy trì đánh giá xếp hạng tín dụng lạc quan đối với Trung Quốc bất chấp đại dịch.
S&P xếp hạng tín dụng độc lập dài hạn đối với Trung Quốc ở mức “A+” và tín dụng độc lập ngắn hạn ở mức “A-1”, đều nằm ở thứ hạng đầu tư cao thứ 3 trong khung xếp hạng của tổ chức này. S&P dự báo triển vọng kinh tế của Trung Quốc là ổn định; có khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế trên mức trung bình tương ứng với các nền kinh tế có thu nhập trung bình khác với năng lực tài chính được cải thiện trong 3-4 năm tới; nhưng tăng trưởng chịu áp lực do các bất ổn từ đại dịch, căng thẳng Trung – Mỹ, các nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và giảm rủi ro tài chính. S&P dự báo quan hệ Trung – Mỹ chưa thể trở lại bình thường trong tương lai gần, đồng nghĩa việc xuất khẩu và đầu tư vào khu vực chế tạo của Trung Quốc tăng trưởng khiêm tốn trong một vài năm tới. Việc Mỹ hạn chế chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến khả năng nâng cao năng suất. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc chỉ có thể duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh nếu tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa đà cải cách. S&P dự báo thu nhập bình quân đầu người thực tế của Trung Quốc sẽ đạt mức tăng 5,5% hàng năm trong năm 2021-2023 khi nền kinh tế phục hồi từ sau đại dịch; tăng trưởng GDP trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 1,2% và 7,4%.
2. Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của nước ngoài tại Trung Quốc lần đầu tiên vượt hoạt động M&A của Trung Quốc ở nước ngoài.
Theo nghiên cứu của tổ chức Baker McKenzie và Rhodium Group, trong 5 tháng đầu năm, các thỏa thuận M&A của nước ngoài tại Trung Quốc mới được công bố đạt 9 tỷ USD, lần đầu tiên trong một thập kỷ qua đã vượt số M&A của Trung Quốc ở nước ngoài cả về số lượng và tổng giá trị. Theo các chuyên gia, điều này xuất phát từ các nhân tố chính như triển vọng tích cực của kinh tế Trung Quốc và chính sách nới lỏng các quy định đầu tư nước ngoài của chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đặt cược lớn vào thị trường Trung Quốc nhờ sự mở rộng của giới trung lưu của nước này và sự phục hồi nhanh từ các hoạt động phong tỏa kinh tế. Trong khi đó, các thỏa thuận M&A của Trung Quốc ở nước ngoài giảm 71% về số lượng và 88% về giá trị. Chính phủ các nước phương Tây bao gồm Tây Ban Nha, Pháp, Australia thời gian vừa qua liên tục áp dụng các quy định, nguyên tắc nhằm hạn chế nhà đầu tư nước ngoài mua lại các tài sản tại những nước này. Điều này làm các hoạt động M&A trong 5 tháng đầu năm 2020 của các công ty Trung Quốc ở Châu Âu và Mỹ giảm mạnh lần lượt giảm 93% đạt 1,4 tỷ USD và 89% đạt 700 triệu USD.