Trung Quốc cần chuẩn bị ứng phó với 6 thách thức từ bên ngoài

0
73
(ảnh minh hoạ)

Trong bài viết “Tích cực chủ động ứng phó với môi trường bên ngoài ngày càng xấu đi” đăng trên website của Viện nghiên cứu Tài chính Trùng Dương ngày 30/6, ông Chu Lực, Cựu Phó Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu giao lưu nhân văn Trung-Nga, cho rằng Trung Quốc cần chuẩn bị ứng phó với ít nhất 6 thách thức từ bên ngoài, xin tóm lược bài viết:

(i) Cần chuẩn bị kịch bản quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi và sự leo thang đấu tranh toàn diện: trong 6 tháng qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Chính quyền Mỹ liên tục gia tăng sức ép đối với Trung Quốc: hạn chế toàn diện trao đổi nhân sự giữa hai nước, tuyên bố chấm dứt quy chế đãi ngộ đặc biệt cho Hồng Công, ký ban hành “Đạo luật Đài Bắc”, tuyên bố sẽ tịch thu trái phiếu kho bạc Mỹ (mà Trung Quốc mua) để bồi thường cho những tổn thất do dịch bệnh gây ra; Nhà Trắng ban hành chính sách chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc, ký “Đạo luật chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ  2020”, v.v. Có thể khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục có nhiều hành động chống Trung Quốc. Bởi vậy, Trung Quốc cần hết sức tỉnh táo nhìn nhận rằng “tách rời” chắc chắn khó tránh khỏi. Những khó khăn, thách thức Trung Quốc đối mặt phức tạp và nghiêm trọng chưa từng có. Trước mắt, Trung Quốc cần ngăn chặn nguy cơ Mỹ quy trách nhiệm, đòi bồi thường về dịch bệnh.

(ii) Cần chuẩn bị sống chung lâu dài với virus corona. Tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả ở nước ngoài và đã bùng phát trở lại tại một số khu vực tại Trung Quốc. Việc kiểm soát dịch bệnh, vẫn phụ thuộc nhiều nhân tố không xác định, việc phát triển vắc-xin vẫn đang ở phía trước. Do đó, Trung Quốc cần kiên trì ngăn chặn xâm nhập từ bên ngoài, ngăn chặn bùng phát trở lại trong nước; tiếp tục duy trì huy động lực lượng trong dân, phát huy trách nhiệm ở tất cả các cấp, có kế hoạch dự trữ vật tư y tế phòng chống dịch; có kế hoạch sắp xếp, quy hoạch lại các chợ bán buôn thực phẩm ở các thành phố lớn, tránh là nơi lây truyền bệnh; ngoài ra, cần tổng kết đúc rút kinh nghiệm, nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo dịch bệnh; cải thiện về luật pháp, hệ thống quản lý và cấp cứu y tế công cộng.

(iii) Cần chuẩn bị để đối phó với sự thu hẹp nhu cầu từ bên ngoài và đứt gẫy chuỗi cung ứng và chuỗi ngành nghề.

Quỹ Tiền tệ quốc tế và nhiều tổ chức kinh tế quốc tế khác kể từ đầu năm đến nay đã nhiều lần công bố báo cáo, điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay từ -3% thành -4,9%. Đây là đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước. Dịch bệnh đã lan khắp thế giới và hầu hết quốc gia đã phải áp dụng các biện pháp như phong tỏa thành phố, cắt đường bay dẫn đến nhu cầu đối với sản phẩm trung gian và sản phẩm tiêu dùng giảm mạnh. Các đơn hàng các doanh nghiệp xuất khẩu ngoại thương Trung Quốc giảm đáng kể, hoạt sản xuất của các doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn bị đình trệ, hậu cần vận tải quốc tế bị gián đoạn. Do đó, Trung Quốc cần nỗ lực đẩy nhanh kế hoạch phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng trong nước, dần hình thành cục diện phát triển mới lấy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nước làm chủ thể và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn kép (trong và ngoài nước), tạo lợi thế mới trong việc tham gia hợp tác và cạnh tranh quốc tế trong tình hình mới.

(iv) Chuẩn bị từng bước tách khỏi đồng USD. Trung Quốc cần đẩy nhanh quốc tế hóa đồng NDT, thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới quy mô lớn hơn bằng NDT, thiết lập cơ chế thanh toán NDT với nhiều quốc gia hơn và tạo điều kiện để sử dụng NDT ở chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề toàn cầu. Do: (i) Giá trị tài sản bằng USD sẽ giảm đi đáng kể khi FED đưa ra các chính sách nới lỏng định lượng, thậm chí phát hành trái phiếu với quy mô không giới hạn. Các định chế tài chính, công ty, thậm chí cá nhân nắm giữ đồng USD hoặc tài sản bằng USD đang đứng trước nguy cơ tài sản bị “bốc hơi”; (ii) Việc Mỹ kiểm soát kênh chính thanh toán quốc tế (Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế-SWIFT) và tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga, Iran và các quốc gia hợp tác năng lượng với Trung Quốc-khiến các giao dịch trở nên khó khăn hơn.

(v) Chuẩn bị đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu: Do các yếu tố bất lợi như đại dịch, dịch châu chấu ở Đông Phi và Trung Đông, hạn hán tại Mỹ, các nước sản xuất lương thực lớn đang đối mặt với thất thu quy mô lớn. Dự kiến sản lượng lương thực toàn cầu sẽ giảm 30% trong năm nay. Dịch bệnh đã gây ra nhiều cú sốc cho cả hai phía cung và cầu của thị trường ngũ cốc và lĩnh vực lưu thông. Dịch bệnh làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực, khủng hoảng lương thực khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng bất ổn xã hội, từ đó càng làm trầm trọng hơn những bất ổn đối với sự phát triển kinh tế thế giới.

(vi) Cảnh giác về sự hồi sinh của các phần tử khủng bố quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều cuộc họp cơ chế chống khủng bố đa phương bị hoãn hoặc hủy bỏ và tiến trình hợp tác chống khủng bố quốc tế đã bị ảnh hưởng nhất định. Trong khi đó, các phần tử khủng bố thúc đẩy các hoạt động tôn giáo cực đoan, kích động hận thù chống phá Trung Quốc, xúi giục và lên kế hoạch tấn công khủng bố và thậm chí tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí sinh hóa. Các lực lượng khủng bố như “Nhà nước Hồi giáo”, “Izabout” và “Somali Al-Shabaab” đều gia tăng hoạt động chống phá. Một số tổ chức cấu kết với Mỹ để bôi nhọ Trung Quốc về nguồn gốc của virus Sars cov-2 và vấn đề Tân Cương. Chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại, Trung Quốc cần tăng cường hợp tác quốc tế chống khủng bố quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, BRICS, Diễn đàn khu vực ASEAN và “Diễn đàn chống khủng bố toàn cầu”.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here