1. Điều phối viên Kurt Campbell: Việc Trung Quốc nỗ lực tham gia CPTPP là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng
Ông Kurt Campbell trong một sự kiện của Viện hòa bình Mỹ đã nhận định việc Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 9 và Hiệp định Đối tác kinh tế kỹ thuật số của Chile, New Zealand và Singapore vào tháng 10 cho thấy Trung Quốc đang phản ứng một cách quyết đoán đối với các động thái chiến lược gần đây của Chính quyền Biden như thúc đẩy triển khai Build Back Better, tăng cường quan hệ đối tác trong QUAD và các tổ chức khác. Ông Campbell cũng bày tỏ quan ngại khi Trung Quốc đang thực sự quan tâm tới các cuộc thảo luận chuyên sâu về quy trình tham gia các Hiệp định. Theo Inside Trade, một số nghị sĩ Quốc hội, các nhóm doanh nghiệp lớn của Mỹ đã thúc giục chính quyền Biden xem xét việc tham gia các hiệp định khu vực sau khi Trung Quốc nộp đơn tham gia. Một số ý kiến chuyên gia đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng của Trung Quốc trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định CPTPP và có được sự ủng hộ của các thành viên các cơ chế này. Trung Quốc được cho là đang có mối quan hệ căng thẳng sâu sắc với các nước như Úc, Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo trong một phát biểu gần đây đã khẳng định lại việc Chính quyền Biden sẽ không xem xét việc tham gia Hiệp định vào thời điểm hiện nay do nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, ông Campbell cũng chỉ ra các nỗ lực của chính quyền hiện nay nhằm thúc đẩy một khuôn khổ kinh tế cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho rằng đây là một ví dụ về chiến lược kinh tế thương mại khu vực của Mỹ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.
2. Những vấn đề kinh tế mà Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không đề cập trong cuộc họp trực tuyến cấp cao
Theo tạp chí East Asia Forum, bên cạnh các nội dung về chính trị an ninh, cuộc trao đổi trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thiếu hẳn phần thảo luận nghiêm túc về các vấn đề mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt sau giai đoạn bị suy thoái sâu năm 2020. Một số ý kiến bày tỏ quan ngại, cho rằng hiện vẫn chưa rõ cách Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập sẽ quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm. Việc cả hai nhà lãnh đạo trong trao đổi không đưa ra được các biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế được cho là đã bỏ lỡ một cơ hội lớn. Để có thể giải quyết được các vấn đề về kinh tế – thương mại cả trong ngắn hạn và dài hạn sẽ cần tới một sự lãnh đạo táo bạo hơn. Nền kinh tế toàn cầu ngay từ trước khi đại dịch bùng phát đã bắt đầu có xu hướng giảm tốc. Các thiệt hại về cơ cấu đối với nền kinh tế thế giới do nước Anh rút khỏi EU và các biện pháp thuế quan dưới thời Tổng thống Trump dường như đã bị lu mờ do tác động quá lớn từ đại dịch. Tuy nhiên, khi đại dịch có xu hướng được kiểm soát, các thiệt hại kể trên sẽ dần bộc lộ rõ hơn và khó có thể xem nhẹ. Mặc dù Chính quyền Biden đã đi vào hòa hoãn với Châu Âu song Mỹ vẫn duy trì áp đặt hạn ngạch đối với các mặt hàng nhôm thép được nhập khẩu vào Mỹ từ EU. Mặt khác, việc Mỹ tiếp tục duy trì biện pháp thuế đối với một lượng lớn hàng nhập khẩu của Trung Quốc, tiếp tục hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn cũng được cho là đang tạo đà thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ở các nơi khác ngoài Mỹ. Chính các chính sách này đã khiến việc cung cấp hàng hóa tiêu dùng cho người dân Mỹ bị hạn chế. Đối với Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các cố vấn cũng phải nhận thức rõ được tác động có thể có đối với nền kinh tế Trung Quốc nếu siết chặt chính sách với Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác, như việc để đồng Nhân dân tệ giảm giá cũng sẽ khiến những người đi vay ở Trung Quốc như Evergrande gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chi trả các khoản nợ bằng USD. Tóm lại, việc cả hai lãnh đạo thất bại trong việc đưa ra được một chiến lược có thể giúp thế giới thoát khỏi tình trạng kinh tế tồi tệ thực tế không phải là điều quá ngạc nhiên do còn các ràng buộc về chính trị, song đó vẫn là một cơ hội lớn bị bỏ lỡ. Phần còn lại của thế giới sẽ là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự hợp tác chính trị và kinh tế được quản lý tốt giữa những người đứng đầu Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh việc duy trì cạnh tranh thương mại giữa các nhóm doanh nghiệp của cả hai bên.
3. Sắp đạt được thỏa thuận đa phương đối với các quy định trong nước về dịch vụ của WTO
Inside US Trade trích tin từ người điều phối đàm phán đa phương của WTO cho biết kết quả đàm phán đối với các quy định trong nước về dịch vụ sẽ được công bố tại Hội nghị bộ trưởng lần thứ 12. Các nhà đàm phán đã thông qua nguyên tắc cơ bản của bản tham chiếu vào tháng 9. Các nước thành viên phải cập nhật lại lộ trình thực hiện cam kết dịch vụ, thể hiện các nhượng bộ và cam kết của nước mình khi gia nhập WTO. Theo Jaime Coghi Arias, 58/66 thành viên (EU coi như một thành viên) đã đệ trình 32 bản cập. Mỹ đã trình bản dự thảo cập nhật vào tháng trước và Coghi cho biết hiện vẫn còn 8 dự thảo nữa có thể sẽ được đệ trình trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12. Ông cũng cho biết là kết quả đàm phán các quy định trong nước về dịch vụ sẽ tác động đến các nhà cung ứng dịch vụ và hoạt động của lĩnh vực dịch vụ, và sẽ là nền tảng quan trọng cho việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Kết quả đàm phán cũng cho thấy cách WTO phản ứng với các yêu cầu kinh doanh trong dài hạn. Kết quả đàm phán này cũng sẽ tạo lại động lực cho hệ thống thương mại đa phương và cho thấy các sáng kiến nhiều bên là một lựa chọn có thể làm nhằm thực hiện chức năng thương lượng của WTO trong tương lai. Theo WTO, các nước tham gia thương lượng chiếm hơn 90% thương mại dịch vụ toàn cầu. Các lợi ích của việc cập nhật các lộ trình sẽ được áp dụng trên cơ sở tối huệ quốc, có nghĩa là sẽ được áp dụng công bằng cho tất cả các nước dù có tham gia thỏa thuận hay không. Coghi cũng cho biết là kết quả này sẽ được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng cùng với bản hướng dẫn thực hiện các thủ tục công nhận trong năm 2022. Các bản cập nhật lộ trình sẽ cần phải được xác nhận trước khi chính thức triển khai.
4. Các nhà lập pháp kêu gọi Tai tạo khuôn khổ cho việc đổi mới GSP trước khi diễn ra Diễn đàn Chính sách Thương mại tại Ấn Độ
Inside US Trade dẫn thư gửi Đại diện Thương mại Mỹ tuần trước của 75 nhà lập pháp Hạ viện kêu gọi chính quyền Biden thiết lập khuôn khổ mới cho thỏa thuận nhằm khôi phục lợi ích của Ấn Độ trong Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập chung (GSP). Diễn đàn Chính sách Thương mại Mỹ – Ấn (TPF) được khởi động lại sau 4 năm với sự tham dự của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Phó Đại diện Thương mại Mỹ Sarah Bianchi tại New Delhi sẽ thảo luận về những rào cản gia nhập thị trường đã tồn tại từ lâu ở Ấn Độ và cập nhật chương trình Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập chung. Chính quyền Trump đã dừng áp dụng GSP với Ấn Độ từ 2019 và sử dụng như một đòn bẩy để đàm phán gói tiếp cận thị trường đối với Ấn Độ, tuy nhiên chưa hoàn thành. Mỹ và Ấn đang tìm cách xem xét lại một số biện pháp trong gói tiếp cận thị trường này nhưng nếu Quốc hội không xem xét lại GSP, Mỹ có ít dư địa để đàm phán gói tiếp cận thị trường cao hơn.
Trưởng USTR Katherine Tai cho biết Mỹ ưu tiên giải quyết các hạn chế về di chuyển hàng hóa và dịch vụ, về tiếp cận thị trường, về thuế quan cao, các yêu cầu pháp lý không dự đoán trước được và hạn chế thương mại kỹ thuật số với Ấn Độ. Bà cho biết sẽ sử dụng Diễn đàn để thảo luận về cách thức hợp tác lấy lao động làm trung tâm. Cựu Trợ lý USTR Mark Linscott cho biết hai bên dự kiến sẽ thành lập nhóm công tác tổng hợp hỗ trợ TPF giải quyết các vấn đề như lao động và môi trường và một hội đồng về thương mại và dịch vụ.
5. Tổng thống Biden đặt cược vào việc tiếp tục thực hiện chính sách của FED
New York Times cho biết Tổng thống Biden đã quyết định tái đề cử ông Jerome Powell vào vị trí Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang FED với mong muốn FED có thể tiếp tục các công việc mà FED đã khởi xướng. Jerome Powell và Lael Brainard, một Thống đốc của FED vừa được bổ nhiệm vào vị trí người thứ hai cho Jerome Powell, được cho là đã đưa nền kinh tế Mỹ từ vực sâu của đại dịch đến vị trí hiện tại, thị trường việc làm phục hồi mạnh mẽ nhưng lạm phát cao. Ông Biden kỳ vọng ông Jerome Powell và bà Lael Brainard sẽ ở vị trí tốt để kiềm chế lạm phát nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Quyết định này có thể có rủi ro chính trị với Tổng thống Biden vì dân Mỹ đang rất không hài lòng về kinh tế, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp thấp, thị trường chứng khoán bùng nổ và tiền lương tăng cao. Họ cho rằng cách tốt nhất để ra khỏi tình trạng lạm phát cao hiện nay là bổ nhiệm một người có trách nhiệm duy trì giá cả ổn định. Tuy nhiên, Tổng thống Biden đặt cược vào ông Powell và bà Brainard, với hy vọng đưa nền kinh tế ra khỏi chế độ lãi suất bằng 0 và các biện pháp tiền tệ khác trong khi vẫn duy trì tăng trưởng. Bên cạnh các lý do kinh tế và ổn định FED, việc đề cử ông Powell, người thuộc đảng Cộng hòa và được Tổng thống Trump đề cử lãnh đạo FED, sẽ dễ đạt được đồng thuận giữa hai đảng hơn là một người mới.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)