“Cơn khát” mua bán – sáp nhập

0
57
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Huy động ngàn tỷ cho M&A

Kế hoạch xin ý kiến đại hội đồng cổ đông thông qua phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (The PAN Group) vừa được bung ra.

Hiện tập đoàn này có vốn điều lệ 2.164 tỷ đồng, tương ứng 216,4 triệu cổ phần, trong đó có gần 7,5 triệu cổ phiếu quỹ. The PAN Group muốn phát hành thêm tối đa 235,83 triệu cổ phần, lớn hơn cả vốn điều lệ hiện tại.

Nếu như phát hành thành công toàn bộ lượng cổ phần nói trên, vốn điều lệ của The PAN Group sẽ tăng lên 4.522 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022 hoặc theo quyết định của Hội đồng Quản trị. Việc phát hành có thể thực hiện thành nhiều đợt.

Nguồn vốn huy động nhằm mục đích tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, The PAN Group sẽ đầu tư M&A các công ty mới trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm với tỷ lệ chi phối; góp vốn hoặc tăng vốn cho các công ty thành viên, đầu tư mở rộng sản xuất – kinh doanh thuỷ sản, bánh kẹo, hàng tiêu dùng, nông nghiệp…

Được biết, tập đoàn này đang thảo luận để chốt phương án “bắt tay” chiến lược với đối tác ngoại, dự kiến công bố vào tháng 12 năm nay.

Ở thị trường đầu tư góp vốn, mua cổ phần cho các start-up, gần đây lộ diện Quỹ đầu tư Kasikorn Vision (KVision). Đây là quỹ đầu tư công nghệ đến từ tổ chức tài chính có tiếng ở Thái Lan – KasikornBank Group (KBank). Quỹ tập trung đầu tư tại thị trường Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và Israel.

Trong đó, Việt Nam là thị trường được tập trung đầu tư hàng đầu. KBank sẽ khai trương chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam trong tháng 11/2021. KVision đang tìm kiếm các start-up trong những ngành liên quan đến việc sử dụng công nghệ phục vụ người tiêu dùng và số hóa các ngành nghề truyền thống, trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực chính: công nghệ giáo dục, công nghệ y tế, công nghệ tài chính, SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) và công nghệ liên quan đến thương mại điện tử.

Ông Giang Trần Minh Thành, Giám đốc Cộng đồng khởi nghiệp, đại diện đầu tư của Quỹ KVision tại Việt Nam tiết lộ, Quỹ chuẩn bị hoàn tất ít nhất 2 – 3 thương vụ đầu tư trong thời gian tới, đồng thời cam kết sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025.

Trên thực tế, thị trường Việt Nam cũng không xa lạ với KVision. Cuối năm 2019, KVision tham gia vào vòng huy động vốn series C của Sendo với quy mô 61 triệu USD. Trong giai đoạn 2020 – 2021, KVision cũng đã tham gia đầu tư vào SeedCom và vòng huy động vốn mới nhất của KiotViet (series B, 40 triệu USD), dù Covid-19 diễn biến phức tạp.

Giai đoạn đầu tư mà KVision lựa chọn rất rộng mở, trải dài từ pre-series A đến series B, series C. Các khoản rót vốn ở vòng pre-Series A nằm trong khoảng 500.000 USD đến 1 triệu USD tùy theo quy mô công ty. Khoản rót vốn ở các vòng sau tối đa 5 triệu USD/công ty. Ngoài ra, đối với các khoản đầu tư chiến lược tiềm năng, KVision sẵn sàng tham gia với quy mô lớn hơn.

KVision còn có quy mô lớn trong các quỹ đầu tư công nghệ với tổng vốn đầu tư 450 triệu USD và xem Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất trong chiến lược đầu tư của Quỹ. Điều này đã chứng tỏ vị thế của thị trường khởi nghiệp Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Thêm một minh chứng, cuối tháng 6/2021, Society Pass (SoPa) – công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ – đã mua lại sàn thương mại điện tử Leflair. SoPa được biết đến với nhiều thương vụ M&A với các công ty công nghệ vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Đáng chú ý, SoPa vừa chính thức IPO và niêm yết trên Nasdaq vào ngày 11/11/2021, công bố chào bán 2,9 triệu cổ phiếu phổ thông với mức giá 9 USD/cổ phiếu, dự kiến thu về khoảng 26 triệu USD nhằm tái đầu tư vào hệ sinh thái SoPa.

Với thế mạnh của hệ sinh thái riêng và hoạt động IPO, SoPa cũng sẽ có thêm cơ hội từ nguồn vốn tạo lập mới. Số vốn huy động được từ IPO sẽ được dùng để mở rộng nền tảng thông qua việc mua lại các công ty thương mại điện tử và ứng dụng trong khu vực, đặc biệt tập trung vào nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh tại khu vực và thế giới như Việt Nam, Philippines, Indonesia cùng các thị trường mới khác đang được chú trọng, như Ấn Độ, Bangladesh.

Trong chiến lược chung này, SoPa cũng sẽ tiếp tục rót vốn vào nền tảng mua sắm hàng hiệu giá tốt Leflair nhằm mở rộng chiến lược đầu tư kinh doanh ra các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á trong năm 2022.

“Mắt xích” kết nối

Trong bối cảnh lãi suất thấp và tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực do Covid-19, các doanh nghiệp phải tìm các nguồn tăng trưởng thay thế, thúc đẩy số thương vụ M&A gia tăng trong thờ gian qua.

Theo một khảo sát của KPMG vào tháng 9 năm nay, cứ 10 CEO, thì có 8 CEO (86%) nói rằng, M&A sẽ là động lực tăng trưởng chính trong 3 năm tới.

KPMG cũng nhận định, các giao dịch M&A toàn cầu năm nay có thể đạt kỷ lục 6.000 tỷ USD khi các doanh nghiệp tiếp tục hưởng lợi từ nguồn tài chính rẻ và kinh tế phục hồi từ đại dịch.

Stephen Bates, một lãnh đạo của KPMG và là người phụ trách giao dịch ở Singapore chia sẻ, ông không thấy dấu hiệu M&A sẽ chậm lại, mà ngược lại, rất sôi động, bởi có rất nhiều năng lượng bị dồn nén từ những đợt gây quỹ từ 2 – 3 năm trước. Áp lực tăng trưởng khiến các CEO đang tìm kiếm những thị trường khác để phát triển sản phẩm, bán hàng và bổ sung năng lực.

Theo đó, các thương vụ năm nay thuộc các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ tài chính, công nghiệp và năng lượng, chủ yếu được mua – bán bởi các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư tư nhân và SPAC (các công ty mua lại có mục đích đặc biệt).

Tại Việt Nam, dù ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư hết sức nặng nề, khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị điều chỉnh giảm, nhưng nền kinh tế vẫn được dự báo sẽ tăng nhanh hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á.

Theo Bộ Công thương, xu hướng M&A hay còn gọi là hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường trong 2 năm tới sẽ tăng mạnh, qua số hồ sơ thông báo gửi đến. Trong đó, khoảng 30 – 40% số hồ sơ liên quan các giao dịch được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Có thể thấy, xu hướng hồi phục và tăng tốc của hoạt động M&A trên thế giới sẽ lan tỏa đến thị trường trong nước và các hoạt động kinh doanh theo chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng gia tăng. Việt Nam là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị này.

Các ngành tăng trưởng cao như tài chính tiêu dùng, điện tử và bán lẻ sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư chiến lược và tư nhân, đem lại nhiều cơ hội giao dịch trong quý cuối năm. Việc nới lỏng các quy định hạn chế trong công tác phòng dịch để hồi phục kinh tế từ tháng 10 và chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mạnh mẽ đang thúc đẩy hơn nữa sự phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Theo thống kê, 9 tháng đầu năm nay, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam vượt 3 tỷ USD, với 41 giao dịch được công bố. Con số này được cho phá vỡ kỷ lục thiết lập vào năm 2020. Trong quý cuối năm, giá trị các thương vụ M&A đang trên đà vượt ngưỡng 3,9 tỷ USD của năm 2020, dự kiến đạt 4,5 – 5 tỷ USD. Trong năm 2022, con số này có thể đạt mốc 7 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong “cuộc chơi” M&A này, các doanh nghiệp Việt Nam trong vai trò bên mua đang dần cân bằng vị thế.

Trong giai đoạn từ tháng 7/2019 đến hết tháng 6/2021, căn cứ 125 hồ sơ thông báo M&A do Bộ Công thương tiếp nhận, có 258 doanh nghiệp là chủ thể của các thương vụ. Trong đó, có 131 doanh nghiệp nước ngoài (chiếm 51%) và 127 doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 49%). Điều này cho thấy niềm tin ngày càng tăng giữa các công ty trong nước, khi họ tìm cách tăng khả năng vị thế và mở rộng quy mô hoạt động.

(Anh Hoa/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here