1. Đảng Dân chủ công bố chi tiết đề xuất tăng thuế
Ngày 13/9/2021, Bloomberg đưa tin các thành viên Đảng Dân chủ trong Hạ viện đề xuất tăng thuế suất doanh nghiệp, thuế phụ thu đối với những người có thu nhập hơn 5 triệu USD và thuế thu nhập từ vốn. Việc bỏ phiếu dự kiến sẽ được các nhà lập pháp tổ chức tại Ủy ban Ways and Means của Hạ viện trong tuần này và kế hoạch này sẽ làm tăng thu hàng nghìn tỷ USD từ các công ty và hộ gia đình thu nhập cao.
Đảng Dân chủ đang dự tính sử dụng nguồn thu này cho việc mở rộng mạng lưới an sinh xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đề xuất này sẽ giúp Đảng Dân chủ có thể tìm được đủ nguồn cho các dự án chi tiêu của họ, khoảng 3,5 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, đề xuất tăng thuế lần này của Ủy ban chưa phản ánh toàn bộ các mong muốn của chính quyền Biden. Đề xuất hiện chưa động chạm tới thay đổi cơ cấu thuế thu nhập, vốn luôn bị các đảng viên Đảng Dân chủ phản đối.
Một số nhà lập pháp, gồm Chủ tịch Tài chính Thượng viện Ron Wydon của Oregon cho rằng quan điểm chính trị thuế đã thay đổi và Đảng Dân chủ có thể thắng phiếu nếu định thu thêm thuế từ các công ty và tầng lớp giàu có của Mỹ. Một số nhà lập pháp khác như Chủ tịch Richard Neal của Ways and Means thì thận trọng hơn, ông đề xuất một đợt tăng thuế rộng và thúc đẩy làn sóng vận động của các doanh nghiệp và đối tác. Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ phản đối tất cả các đề xuất này.
Nếu đề xuất được thông qua, các công ty có thể phải đối mặt với các quy định hạn chế khấu trừ lãi suất và mức thuế cao hơn với thu nhập ở nước ngoài. Thuế tối thiểu từ thu nhập của các công ty Mỹ ở nước ngoài có thể tăng từ 10,5% lên 16,6% (dù vẫn thấp hơn mức dự kiến của chính quyền là 21%).
2. Các ngành công nghiệp thúc đẩy bà Tai hướng tới việc tham gia thương mại kỹ thuật số khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Ngày 13/9/2021, Insider Trade đưa tin Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn và Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin cùng ký thư gửi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Katherine Tai đề nghị Hoa Kỳ phải tăng cường các nỗ lực thiết lập các quy tắc thương mại kỹ thuật số.
Nhà Trắng đã và đang cân nhắc một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số như một cách để chống lại Trung Quốc. Chính quyền đã tổ chức các tọa đàm về thương mại kỹ thuật số với Bộ thưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Úc hồi tháng 8 và với Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore. Bà Tai cũng cho biết Hoa Kỳ đang tích cực làm việc với các nước khác để thiết lập các quy tắc thương mại kỹ thuật số và thảo luận cách tốt nhất để tạo ra các tiêu chuẩn mới cho hoạt động kinh tế kỹ thuật số.
Bức thư được ký gửi trong bối cảnh bà Tai sẽ gặp các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong tuần này. Bức thư cảnh báo rằng tất cả thành viên ASEAN đều là thành viên của RCEP, Trung Quốc coi RCEP như giải pháp thay thế cho các quy tắc thương mại kỹ thuật số mà Mỹ và các đồng minh đặt ra. Nhóm cũng cảnh báo Bắc Kinh đang thúc đẩy các chính sách thương mại kỹ thuật số “bật đèn xanh” cho chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số.
Bức thư nêu một hiệp định thương mại kỹ thuật số do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ mang lại lợi ích cho các công ty và công nhân Hoa Kỳ bằng cách “thúc đẩy Internet tự do và cởi mở, thương mại bao trùm, mở ra các cơ hội thị trường mới và giải quyết các hạn chế thương mại kỹ thuật số phân biệt đối xử và bảo hộ”. Đồng thời, cho rằng tần suất ngày càng tăng của các biện pháp hạn chế dữ liệu và các biện pháp bảo vệ kỹ thuật số trên khắp thế giới đòi hỏi Hoa Kỳ đóng một vai trò tích cực hơn trong việc thiết lập các quy chuẩn toàn cầu điều chỉnh thương mại kỹ thuật số.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)