Kinh tế Bangladesh

0
105
(Internet)
(Internet)

1. Bangladesh vượt Việt Nam về xuất khẩu hàng may mặc trong 7 tháng đầu năm

Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) cho biết Bangladesh đã giành lại vị trí là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai, xuất khẩu nhiều hơn 1,94 tỷ USD so với Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay.

Trong giai đoạn này, Bangladesh đã xuất khẩu các sản phẩm may mặc trị giá 18,80 tỷ USD, so với Việt Nam là 16,86 tỷ USD. Tuy nhiên, cả Bangladesh và Việt Nam đều tăng trưởng âm, lần lượt là 7,66% và 7,30% trong giai đoạn 7 tháng này so với năm 2019.

Trước đó, theo Đánh giá Thống kê Thương mại Thế giới năm 2021 do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố vào ngày 30/7 năm nay, Việt Nam vượt qua Bangladesh trên thị trường may mặc toàn cầu và trở thành nhà xuất khẩu hàng may sẵn (RMG) lớn thứ hai thế giới. Thị phần của Bangladesh trên thị trường may mặc toàn cầu giảm từ 6,8% xuống còn 6,3% vào năm 2020 với giá trị thị trường là 28 tỷ USD, còn thị phần của Việt Nam về RMG tăng từ 6,2 % lên đến 6,4% vào năm 2020, với giá trị thị trường là 29 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2020 xuất khẩu của Việt Nam không bị giảm sút trong khi xuất khẩu của Bangladesh giảm mạnh do đại dịch Covid-19. Nhưng năm nay, ngành may mặc của Bangladesh duy trì tốt, vì vậy, không có gì lạ khi Bangladesh giành lại vị trí thứ hai, vượt qua Việt Nam.

2. Chính phủ nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài

Trong bối cảnh đầu tư bị đình trệ và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức thấp, khoảng 2,5 tỷ USD cam kết hàng năm, chính phủ sẽ tổ chức hội nghị nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và phá vỡ thế bế tắc hiện nay.

“Hội nghị Đầu tư Quốc tế Bangladesh” sẽ được tổ chức vào tháng 11; Cơ quan Phát triển Đầu tư Bangladesh (BIDA) sẽ làm rõ các biện pháp mà chính phủ Bangladesh đã thực hiện trong 5 năm qua trong việc cải thiện môi trường đầu tư và thuận lợi hóa quá trình hoạt động kinh doanh. Đây sẽ là Hội nghị Đầu tư Quốc tế thứ 2; Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào năm 2016. Thủ tướng Sheikh Hasina sẽ khai mạc sự kiện lần này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc tổ chức một sự kiện như vậy vẫn không đủ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Cần thực hiện đúng các luật liên quan đến đầu tư và thực hiện dịch vụ một cửa hiệu quả để thu hút đầu tư từ nước ngoài. Các nhà phân tích cho rằng cần phải phát triển kết nối khu vực, cảng và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư rằng họ sẽ có thể kết nối trơn tru với chuỗi giá trị toàn cầu.

Salman F Rahman, cố vấn các vấn đề đầu tư và công nghiệp tư nhân của Thủ tướng, cho biết Bangladesh vẫn chưa tận dụng hết thế mạnh môi trường đầu tư đã được tạo ra trong những năm gần đây. Tỷ lệ đầu tư trên GDP của Bangladesh thấp nhất ở khu vực Nam Á.  “Bangladesh cần FDI để tăng tỷ lệ đầu tư trên GDP để thúc đẩy tăng trưởng GDP” và Hội nghị đẫu tư quốc tế sẽ cố gắng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và kiều bào Bangladesh.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ đầu tư công trên GDP có xu hướng ngày càng tăng, nhưng đầu tư tư nhân lại chững lại. Theo Cục Thống kê Bangladesh (BBS), trong năm tài chính 2020-21, tỷ lệ đầu tư tư nhân trên GDP đã giảm xuống còn 21,25%, từ 22,06% của năm trước đó, trong bối cảnh Covid-19. Tỷ lệ đầu tư tư nhân là 23,5% GDP trong năm tài chính 2018-19, và với FDI cao kỷ lục là 3,89 tỷ USD trong năm đó. Tuy nhiên, đại dịch đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng đầu tư, trong năm tài chính 2019-20, Bangladesh chỉ có thể thu hút 2,37 tỷ USD, giảm 39% so với một năm trước.

Md Sirazul Islam, Chủ tịch điều hành của BIDA, cho biết cơ quan này đang cố gắng thu hút thêm vốn FDI trong tất cả các lĩnh vực để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Ông Islam hy vọng ít nhất 1.000 nhà đầu tư trong nước và đặc biệt là từ hàng chục nước trọng điểm sẽ tham gia, tích cực tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bangladesh. Theo ông, Hội nghị sẽ giới thiệu các cơ hội đầu tư của khu vực tư nhân, làm nổi bật năng lực cạnh tranh quốc gia, các ưu tiên chính sách và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn.

Đại diện các chính phủ và nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Malaysia và Hà Lan đã được mời tham dự. BIDA cũng đã mời Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng Châu Á và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tham gia Hội nghị. Các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế trong nước cũng sẽ tham gia.

Bà Rupali Chowdhury, Giám đốc điều hành của Berger Paints Bangladesh, một công ty đa quốc gia, cho biết chính phủ đang cố gắng thu hút FDI bằng cách cải thiện môi trường đầu tư, đây là cách làm hiệu quả. Theo bà, để thu hút đầu tư từ bên ngoài, chính phủ nên ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia. Bà đề xuất tập trung thu hút FDI từ châu Á vì các nhà đầu tư Nhật Bản và Trung Quốc đang quan tâm đến việc đầu tư vào Bangladesh.

Ông Rizwan Rahman, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka, đề nghị Hội nghị nêu câu chuyện thành công của các nhà đầu tư nước ngoài và Bộ Ngoại giao có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu đất nước thông qua cơ quan đại diện ở nước ngoài.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)