Kinh tế Mỹ

0
83
(Internet)
(minh hoạ)

1. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 7.

Ngày 18/8/2021, CNBC cho biết, Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã công bố biên bản cuộc họp ngày 27-28/7/2021. Biên bản cuộc họp cho thấy, các quan chức Fed đã đưa ra kế hoạch có thể giảm việc mua trái phiếu hàng tháng vào cuối năm. Tuy nhiên, biên bản cũng cho thấy các ngân hàng trung ương muốn làm rõ rằng việc giảm hoặc hạn chế mua tài sản không phải là dấu hiệu cho một đợt tăng lãi suất sắp xảy ra. Biên bản ghi nhận, một số thành viên muốn đợi đến đầu năm 2022 để bắt đầu việc giảm mua dần, còn lại hầu hết những người tham dự cho rằng với điều kiện nền kinh tế phát triển mạnh mẽ như dự báo thì có thể bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản ngay trong năm nay. Biên bản cũng cho rằng nền kinh tế đã đạt mục tiêu về lạm phát, tiến độ tăng trưởng việc làm đã tạm được, tuy nhiên vẫn chưa đạt đến mức độ “tiến bộ đáng kể hơn nữa”.

Thị trường tài chính nhanh chóng phục hồi vài phút sau khi biên bản được công bố nhưng nhưng sau đó lại chuyển sang sụt giảm; chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones giảm hơn 150 điểm. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã bỏ phiếu tại cuộc họp để giữ cho lãi suất ngắn hạn giữ ở mức gần bằng 0 đồng thời bày tỏ sự lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong khi thông điệp về việc cắt giảm đã được truyền đi, Fed gặp khó khăn trong công tác truyền thông nhằm đảm bảo chiến lược của mình được trình bày rõ ràng. Trên thị trường có những lo ngại rằng Fed có thể xác định tốc độ giảm mua của mình theo một lộ trình nghiêm ngặt ngay cả khi nền kinh tế suy thoái.

Tuyên bố sau cuộc họp đưa ra một cái nhìn cơ bản là lạc quan về nền kinh tế, nhưng biên bản cũng ghi nhận một số hoài nghi. Về triển vọng thì các quan chức đánh giá sự không chắc chắn là khá cao do biến thể Delta đặt ra các khó khăn và lạm phát khác. Biên bản ghi nhận sự khác biệt đáng kể về quan điểm, một số thành viên thậm chí còn lo lắng lạm phát trượt dài nếu các ca nhiễm Covid tiếp tục tăng và có khả năng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

2. Ngành công nghiệp Hoa Kỳ kiến ​​nghị Bộ Thương mại giải quyết các cáo buộc né tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp sản phẩm năng lượng mặt trời.

Ngày 16/8/2021, Inside Trade cho biết, một nhóm các nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ đã đệ đơn lên Bộ Thương mại cáo buộc các công ty Trung Quốc đang trốn thuế chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với các tấm module năng lượng mặt trời được sản xuất từ các tấm tế bào quang điện, đồng thời kêu gọi mở rộng thuế đối với các thực thể bên ngoài Trung Quốc. Nhóm tự gọi là Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ chống lại âm mưu của Trung Quốc (hoặc “A-SMACC”), đã yêu cầu Bộ Thương mại điều tra việc nhập khẩu một số sản phẩm năng lượng mặt trời từ các công ty ở Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, nơi một số bộ phận được nhập về từ Trung Quốc và được “xử lý nhỏ” để tránh thuế AD/CVD, theo đề nghị của mỗi quốc gia. A-SMACC là một liên minh của một số nhà sản xuất năng lượng mặt trời trong nước.

Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đã bắt đầu các cuộc điều tra AD/CVD đối với việc nhập khẩu pin CSPV từ Trung Quốc từ tháng 11/2011 và Bộ Thương mại đã áp đặt lệnh AD/CVD vào tháng 12/2012. Sau khi xem xét vào năm 2019, Bộ Thương mại xác định các lệnh này vẫn tiếp tục thực hiện. Sau khi các lệnh được áp đặt, việc nhập khẩu pin mặt trời và các module của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đã giảm đáng kể, với mức giảm 86% giá trị nhập khẩu các sản phẩm của Trung Quốc từ năm 2011 đến năm 2020. Trong khi đó, nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia và Thái Lan đã tăng đáng kể. Năm 2020, Hoa Kỳ nhập khẩu các sản phẩm trị giá hơn 1,6 tỷ USD từ Việt Nam, 2,3 tỷ USD cho các sản phẩm từ Malaysia và 1,4 tỷ USD cho các sản phẩm từ Thái Lan, so với lần lượt là 1,3 triệu USD, 576 triệu USD và khoảng 336.000 USD vào năm 2011. A-SMACC cho rằng nhập khẩu từ các quốc gia này dựa vào nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ Trung Quốc và tuyên bố rằng sự thống trị của Trung Quốc trong ngành năng lượng mặt trời chỉ tăng lên kể từ khi lệnh AD/CVD có hiệu lực.

Nhóm này cho rằng trong khi các công ty Trung Quốc hiện nay hầu như chỉ xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ Đông Nam Á, thì phần lớn hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển và đầu tư vốn vẫn ở Trung Quốc. Trong những trường hợp như thế này, luật đã quy định rõ, thuế đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc cần được mở rộng cho các đối tượng vi phạm. Nếu không, ngành công nghiệp của Hoa Kỳ có khả năng sẽ phải chịu sự kiểm soát độc quyền, an ninh năng lượng của Hoa kỳ sẽ gặp rủi ro và mục tiêu “Xây dựng trở lại tốt hơn” với sản xuất năng lượng sạch của chính quyền  Biden sẽ rất khó khăn.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here