Tin Kinh tế Bangladesh

0
63
(ảnh minh hoạ)

1. Kế hoạch phát triển năm tài chính 2020-21 Bangladesh dành cho 14 dự án lớn 414 tỷ Tk

Mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng do Covid-19, 14 dự án lớn được phân bổ 413,82 tỷ Tk (khoảng gần 5 tỷ USD) trong đề xuất ngân sách năm tài chính 2020-21 (FY21) theo Kế hoạch phát triển năm (Annual Development Plan – ADP) với hy vọng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi sau khủng hoảng do đại dịch gây ra.

Lượng phân bổ này chiếm hơn 20,2% của tổng số tiền chi cho ADP năm FY21, thấp hơn so với mức 20,9% (trị giá 402,25 tỷ Tk) của ADP năm FY20. Hôm 11/6, Bộ trưởng Tài chính đã trình Quốc hội đề xuất ngân sách 5,68 nghìn tỷ Tk cho năm FY21 (bắt đầu từ ngày 01/7/2020), với kế hoạch chi tiêu nhiều hơn để chiến đấu với Covid-19 và giải cứu nền kinh tế khỏi cú sốc dịch bệnh gây ra.

Trong số 14 dự án, 7 dự án quan trọng nhất được được phân bổ 342,66 tỷ Tk. Dự án nhà máy điện hạt nhân Rooppur lớn nhất nước, được dành 156,91 tỷ Tk , trong khi dự án cầu Padma là dự án được ưu tiên cao nhất, chỉ được cấp 50 tỷ Tk. Dự án đường sắt metro được 43,70 tỷ Tk, dự án đường sắt Bangladesh-Jashore Padma dài 169 km được phân bổ 36,85 tỷ Tk (dự án đường sắt này được gia hạn thêm 2 năm, đến tháng 6/2024). Nhà máy nhiệt điện than do Nhật Bản tài trợ tại Matarbari, Moheskhali được phân bổ 36,70 tỷ Tk. Giai đoạn đầu dự án cảng biển nước sâu Payra được 3,5 tỷ Tk. Dự án đường sắt đường ray đôi Dohazari-Cox’s Bazar-Ramu-Gundum nhận được 15 tỷ Tk (Dự án này bắt đầu từ năm 2010 và dự kiến ​​hoàng thành năm 2022, đến nay mới chỉ làm được 38%).

Hầu hết các hoạt động kinh tế, bao gồm cả thực hiện của các dự án trong ADP, đã dừng lại từ cuối tháng 3, trừ một số dự án lớn như cầu Padma, sau khi Chính phủ áp đặt biện pháp ngừng hoạt động trên toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Công việc đã được tiến hành trở lại từ đầu tháng 6, sau hơn 2 tháng tạm ngừng, nhưng khó có thể bù được tổn thất do ngừng hoạt động kéo dài và cũng chưa biết cuộc khủng hoảng sẽ còn kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo sau khi trình Quốc hội đề xuất ngân sách, cả Bộ trưởng Tài chính AHM Mustafa Kamal và Bộ trưởng Nông nghiệp, Tiến sĩ Abdur Razzaq đều hy vọng rằng Bangladesh sẽ ra thoát khỏi khủng hoảng Covid-19 vào tháng 9 này.

Theo Trung tâm Đối thoại Chính sách, 4 trong số 14 dự án lớn này dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm tài chính tiếp theo, nhưng với tiến độ hiện nay, sẽ không thể hoàn thành bất kỳ dự án nào theo kế hoạch, bao gồm cả cầu Padma. Mặc dù các khoản ngân sách phân bổ cho các dự án lớn đã được nâng lên, nhưng tốc độ thực hiện vẫn còn chậm.

2. Các ưu tiên trong ngân sách năm FY21 đã được xác định rõ, nhưng phân bổ và thực hiện thách thức

Trong ngân sách đề xuất của FY21, Bộ trưởng Tài chính bắt đầu với lời hứa bất chấp cuộc khủng hoảng chưa từng có hiện nay do Covid-19. Các lĩnh vực ưu tiên đã được xác định đúng. Ngành y tế đã được ưu tiên cao nhất, tiếp theo là nông nghiệp, an sinh xã hội, tạo việc làm và phát triển nông thôn, và thực hiện các chương trình tài chính và kích thích kinh tế khác nhau. Tuy có nhiều sáng kiến ​​khác nhau, đề xuất ngân sách vẫn giống như truyền thống trong việc phân bổ nguồn lực và xác định chiến lược thực hiện. Chiến lược là không có gì đổi mới vì những phát sinh từ tình trạng khẩn cấp do đại dịch đang diễn ra. Không rõ ngân sách đề xuất làm cách nào để phục hồi kinh tế, bảo vệ cuộc sống và sinh kế trước những khó khăn của đại dịch. Khoản chi ngân sách đề xuất là 5,68 nghìn tỷ Tk với mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầy tham vọng là 8,2% trong năm tới. Dưới đây là một số nét về ngân sách FY21.

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GDP thiếu thực tế, điều này có thể đưa ra một thông điệp sai trên diễn đàn thế giới rằng Bangladesh cần sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Ngay cả trong một tình huống kinh tế như thường lệ, cũng khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao như vậy. Điều này càng gần như không thể trong thời điểm khó khăn này vì nhiều người đang mất việc làm, nhất là trong lĩnh vực may mặc (RMG). Xuất nhập khẩu đang giảm kể từ tháng 3/2020 và kiều hối cũng rất khó khăn. Thêm nữa, nhu cầu nội địa không cao, tuy đây vốn là động lực chính của tốc độ tăng trưởng GDP cao trong thời gian qua. Trong năm tài khóa FY20, Ngân hàng Thế giới dự đoán tốc độ tăng trưởng của Bangladesh sẽ vào khoảng 1,6%. Vì vậy, việc số liệu thống kê của Bangladesh vẫn tăng vọt như mọi khi, trong khi dịch Covid-19 đang diễn ra này là điều không thực tế.

Thứ hai, lĩnh vực y tế đã được xác định là quan trọng nhất trong ngân sách đề xuất, mặc dù điều này không được phản ánh trong việc phân bổ ngân sách. Như đã đề cập trong bài phát biểu về ngân sách, phân bổ cho y tế là 7,2% tổng ngân sách hay 1,3% GDP, thấp hơn kỳ vọng (Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị 4% GDP cho y tế). Thậm chí có một số sự nhập nhằng liên quan đến việc phân bổ này vì nó bao gồm các chi phí liên quan đến sức khỏe của 13 Bộ. Bộ Y tế  chỉ nhận được 5,1% tổng ngân sách hay 0,9% GDP. Ngoài ra, một khoản 100 tỷ Tk được phân bổ riêng để chống Covid-19. Quỹ này là một sáng kiến ​​tốt của Chính phủ nhưng vẫn tồn tại lo ngại về việc thực hiện, do không có hướng dẫn và lộ trình phù hợp về cách sử dụng quỹ này một cách hiệu quả. Số tiền này có thể được sử dụng cho bất kỳ hoạt động nào đó liên quan đến chống dịch của các bộ khác.

Thứ ba, ngành giáo dục không được liệt kê trong các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, mà lẽ ra phải nằm trong top 5. Người dân đã yêu cầu lập ngân sách giáo dục riêng biệt từ lâu nhưng không rõ lý do Chính phủ đề xuất ngân sách giáo dục và công nghệ cùng nhau. Giáo dục đã nhận được 11,69% tổng ngân sách, tương đương 2,09% GDP, cơ bản giống ngân sách đã được phân bổ trong năm tài chính hiện nay. Là một đối tác của UNESCO, Bangladesh nên phân bổ 20% ngân sách và 4-6% GDP cho ngành giáo dục. Chính sách giáo dục quốc gia 2010 cũng tập trung vào vấn đề này, dù vậy kịch bản thực tế không có gì thay đổi. Không có ngân sách cụ thể được phân bổ để nâng cao năng lực kỹ thuật số của các tổ chức giáo dục, giáo viên và học sinh cho việc dạy và học trực tuyến. Quyết định tăng phụ phí sử dụng internet và sử dụng điện thoại di động hoàn toàn trái ngược với khẩu hiệu “Bangladesh kỹ thuật số” của Chính phủ và không phù hợp trong tình huống dịch bệnh đang diễn ra.

Thứ tư, mạng lưới an sinh xã hội đã được phân bổ 16,83% ngân sách hay 3,01% GDP. Điều đáng trân trọng là số người hưởng lợi theo các chương trình an sinh xã hội đã tăng lên với khoảng 11 triệu người, bao gồm tất cả người già, góa phụ nghèo và phụ nữ bị chồng bỏ rơi trong 100 huyện, cũng như người khuyết tật không có khả năng tự nuôi sống mình. Người ta ước tính rằng tỷ lệ nghèo đã tăng lên đến gần 35%, khoảng 60 triệu người đã trở nên nghèo do những tác động tiêu cực của đại dịch hiện nay. Kế hoạch của chính phủ hỗ trợ 2.500 Tk tiền mặt cho 5 triệu gia đình nghèo là điều đáng mừng, nhưng nó cần được tiếp tục trong nhiều tháng nữa vì dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn. Những người mới bị rơi vào cảnh nghèo, người lao động nghèo ở nước ngoài mới trở về cũng nên được đưa vào chương trình hỗ trợ tiền mặt. Ngoài ra, các khoản phụ cấp hiện tại nên được tăng lên ít nhất gấp đôi trong 3-6 tháng nữa. Gói kích cầu trị giá 1.031 tỷ Tk  (3,7% GDP) cần được triển khai ngay lập tức để các nhóm đối tượng thụ hưởng, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ của phụ nữ (cả chính thức và không chính thức), có thể đương đầu với các thách thức của đại dịch.

Thứ năm, lĩnh vực nông nghiệp đã được quan tâm đúng mức. Để giúp nông dân, Chính phủ có thể trực tiếp mua sản phẩm ngay tại đồng trong thời kỳ thu hoạch để đảm bảo rằng nông dân có được giá sản phẩm phù hợp. Việc thiết lập thêm kho lạnh ở cấp xã cần được đề cập trong ngân sách vì nó sẽ giúp đảm bảo an ninh lương thực trong suốt cả năm.

Chỉ phân bổ ngân sách là không đủ, cần đảm bảo giá trị đồng tiền, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chi tiêu chất lượng và quản trị tốt ở tất cả các cấp. Chúng ta cần nỗ lực phối hợp để vượt qua những thách thức của đại dịch đang diễn ra để cuộc sống và sinh kế trở lại bình thường càng sớm càng tốt. Điều quan trọng là Chính phủ phải cân nhắc lại một số phân bổ ngân sách trong các cuộc thảo luận của Quốc hội về ngân sách để có thể giải quyết nhu cầu của người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

3. Bangladesh và Bhutan sẽ ký thỏa thuận thương mại ưu đãi

Bangladesh và Bhutan đã hoàn thiện các điều khoản và điều kiện để ký kết Hiệp định thương mại ưu đãi (preferential trade agreement – PTA) để thúc đẩy thương mại song phương. Hôm 16/6, ông Sharifa Khan, Phó Thứ trưởng Bộ Thương mại thông báo,”Chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận để ký PTA, chứ không phải Hiệp định thương mại tự do (FTA)”.

Ông Khan giải thích, theo PTA, một số hàng hóa lựa chọn được miễn giảm thuế, trong khi nếu là FTA, hầu hết các hàng hóa đều đều được miễn giảm thuế, như vậy có nghĩa là cả hai nước sẽ mất nguồn thu thuế xuất nhập khẩu.  “Vì vậy, chúng tôi không muốn ký FTA mà là PTA, và cũng là để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước của mỗi nước”. Chẳng hạn, Bangladesh không quan tâm đến việc ký kết FTA với Trung Quốc vì Chính phủ thu được gần 250 tỷ Tk thuế nhập khẩu hàng hóa từ nước này. Nếu ký FTA với Trung Quốc, Bangladesh sẽ mất khoản thu lớn này. Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, mỗi năm Bangladesh nhập khẩu hàng hóa trị giá 14 tỷ USD từ Trung Quốc, trong khi chỉ xuất khẩu trị giá gần1 tỷ USD sang Trung Quốc.

Ông Khan, người dẫn đầu phái đoàn Bangladesh tại hội nghị trực tuyến với Bhutan cho biết cả Bangladesh và Bhutan đã đồng ý thực hiện PTA từ ngày 30/8 năm nay. Hiệp định này dự kiến hoàn thiện vào tháng 3 năm nay, nhưng đã bị trì hoãn do đại dịch Covid-19. Bhutan đồng ý miễn giảm thuế nhập khẩu 100 mặt hàng từ Bangladesh, bao gồm hàng may mặc, hàng chế biến nông sản và điện tử. Phía Bangladesh nhất trí miễn giảm thuế cho 34 sản phẩm của Bhutan bao gồm cả trái cây.

Cùng là thành viên của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), thương mại giữa Bangladesh và Bhutan đang gia tăng do cả hai nước đều có nhu cầu về sản phẩm của nhau. Thương mại giữa Bangladesh và Bhutan là 26,52 triệu USD trong năm tài khóa 2012-13, tăng lên 57,90 triệu USD trong năm tài khóa 2018-19.

Ông Khan cũng cho biết, Bangladesh đang đàm phán PTA với Indonesia và Nepal, Hiệp định cũng sẽ sớm được ký.

Tháng trước, Bangladesh đã thông qua một đề xuất miễn giảm thuế của Trung Quốc, mà theo đó, thuế bằng 0 cho 97% các mặt hàng có nguồn gốc từ Bangladesh. Theo ông Khan, Trung Quốc thừa nhận nghĩa vụ cả song phương với Bangldesh và đa phương theo Hiệp định Thương mại châu Á Thái Bình Dương (Asia-Pacific Trade Agreement). Vì vậy, đề xuất của Trung Quốc hào phóng hơn so với những quốc gia khác đề xuất với Bangladesh và Trung Quốc cũng miễn giảm thuế với hàng nhập khẩu từ Bangladesh cũng nhiều hơn so với hàng hóa nhập từ nước khác.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here