Hậu Covid-19, xuất nhập khẩu Việt Nam đón làn gió mới từ EVFTA

0
90
Hiệp định EVFTA là một thành tố quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, cũng như trao đổi thương mại của Việt Nam và EU. (Nguồn: Thời đại)

Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA sẽ tạo động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông sản, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.

Hiệp định EVFTA là một thành tố quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, cũng như trao đổi thương mại của Việt Nam và EU. (Nguồn: Thoidai)

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam và trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh đó, việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, EVFTA sẽ mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh.

Tại buổi họp báo ngay sau khi Hiệp định EVFTA được quốc hội Việt Nam thông qua nghị quyết phê chuẩn, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti nhấn mạnh, Hiệp định EVFTA là một thành tố quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, cũng như trao đổi thương mại của Việt Nam và EU.

Khi EVFTA đi vào thực thi, sẽ có nhiều tác động tích cực đến từ Hiệp định này. Theo đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các sản phẩm của EU tiêu chuẩn cao, giá cả phải chăng hơn, nhà sản xuất Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn vào thị trường tiêu chuẩn cao, có sức mua lớn, từ đó nâng cao cạnh tranh, xuất khẩu hàng hóa của mình…

Bên cạnh đó, với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao nhất trong số các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trước đây, EVFTA được kỳ vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái, EVFTA khi được thực thi sẽ là cú hích quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận với hơn 500 triệu dân.

Chỉ riêng về xuất khẩu, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% (vào năm 2025) và 44,37% vào (năm 2030) so với không có Hiệp định.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng cao. Đơn cử như gạo có thể tăng thêm 65% (vào năm 2025), đường tăng 8%,thịt lợn tăng 4%, lâm sản tăng 3%, thịt gia súc gia cầm tăng 4%. Ngoài ra, trong nhóm ngành chế biến chế tạo như: dệt tăng 67%, may mặc tăng 81% và da giày tăng 99%.

Về dài hạn, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận thấy, việc thực thi EVFTA là một chiến lược dài hạn, giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh.

“Thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn tại thị trường EU bởi cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô lớn trên thế giới. Theo đó, giá sản phẩm của Việt Nam thường cao hơn 10-20% vì vậy, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại EU còn khiêm tốn.

Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Hàng năm, EU nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU khoảng 2% với khoảng 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)”,  ông Trần Thanh Hải cho biết.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là khi Việt Nam được đánh giá cao bởi cơ bản khống chế được dịch Covid-19.

Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội, chủ động hơn so với các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cũng sẽ có thêm những thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận thị trường khi mà hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang khu vực này trong lộ trình từ 7-10 năm thì thuế suất sẽ được đưa về 0%.

Về nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Hậu Covid-19, nếu Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm hay xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường tiềm năng này.

Để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh nhận định, nhiệm vụ lớn nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu vào EU là xuất xứ hàng hóa. Như vậy, doanh nghiệp cần đọc kỹ các quy định trong Hiệp định này, đồng thời cần phải cập nhật những nội dung mới về ưu đãi thuế.

Còn theo Đại sứ Pier Giorgio Aliberti, thách thức đặt ra cho nhà nước, Chính phủ Việt Nam chính là tạo ra môi trường, chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư EU. Ví dụ như việc số hóa các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi đơn giản hóa, thủ tục hành chính cũng cần phải được thúc đẩy.

Để sẵn sàng đón làn gió mới từ EVFTA trong xuất khẩu, cần tập trung sản xuất nhiều hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao như tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn thị trường… “EVFTA là cơ hội nhưng cũng là thách thức bởi Hiệp định này không phải dành cho tất cả mọi người mà cần phải chiến đấu, nỗ lực giành lại cơ hội và phải vượt lên để nắm bắt cơ hội đó”, Đại sứ Pier Giorgio Aliberti khẳng định.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here