1. Đại dịch khiến 42% người dân vào cảnh nghèo đói
Theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 23/01/2021, 42% trong số 5.577 hộ gia đình được điều tra trên toàn quốc thuộc hộ nghèo. Mạng lưới Mô hình Kinh tế Nam Á (SANEM) đã phỏng vấn nhóm các hộ gia đình này vào năm 2018 và cho kết quả là 21,6% trong số họ sống ở mức nghèo khổ. Con số này tăng vọt lên 42% vào năm 2020.
Mức chuẩn nghèo, được xét bằng chi tiêu bình quân đầu người mỗi tháng, được tính theo vùng trên cả nước, với các khu vực nông thôn và thành thị cũng như các khu vực khác nhau có các cách tính khác nhau cho chuẩn nghèo. Ở khu vực nông thôn, một người dưới mức nghèo sẽ chi tiêu dưới 2.260 Tk đến 2.916 Tk (khoảng 27 đến 35 USD) mỗi tháng; ở khu vực thành thị, con số này dao động trong khoảng 2.516 Tk đến 3.295 Tk (khoảng 30 đến 39 USD) mỗi tháng.
Cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ người cực nghèo Bangladesh đã tăng lên 28,5% vào cuối năm ngoái, từ 9,4% vào năm 2018. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ này tăng từ 6,1% năm 2018 lên 19% năm 2020, và ở khu vực nông thôn, mức tăng gấp ba lần từ 11,2% năm 2018 lên 33,2% năm ngoái 2020. Những người có mức chi tiêu bình quân đầu người hàng tháng dưới 1,925 Tk – 2,537 Tk (khoảng 23 đến 30 USD) ở khu vực nông thôn và 1,970 Tk – 2,773 Tk (khoảng 24 đến 33 USD) ở khu vực thành thị được coi là dưới mức cực nghèo.
Tiến sĩ Selim Raihan, Giám đốc điều hành của SANEM cho biết 51,2% những người nghèo “mới” làm việc trong khu vực dịch vụ, một minh chứng rõ ràng về bực tranh thất nghiệp trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, vào năm 2018, người làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số người nghèo. Tiến sĩ Raihan cho biết: “Trong số những người không thuộc diện nghèo trong năm 2018, hiện chỉ một nửa có thể duy trì kinh tế của mình, nửa còn lại đã bị rơi xuống các loại nghèo khác nhau, với khoảng 20% đã thành hộ cực nghèo. Mức tăng lớn nhất về tỷ lệ nghèo từ năm 2018 đến năm 2020 là ở tỉnh Rangpur, Rajshahi và Mymensingh, mức cao nhất trong cả nước là ở Rangpur, với 57,3% người dân ở mức nghèo khổ.
Với cuộc khảo sát tiến hành vào cuối năm 2020, Tiến sĩ Raihan cho rằng, những phát hiện rất đáng quan tâm vì nó cho thấy tác động của đại dịch đã kéo dài trong suốt cả năm này.
Tiến sĩ Raihan cho biết: “Chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu cho hàng hóa phi thực phẩm, đã giảm mạnh vào năm 2020”; người cực nghèo đã giảm chi tiêu cho các hàng hóa phi thực phẩm tới 63% và giảm 30% chi tiêu cho thực phẩm. Mặt khác, những người không nghèo, không cắt giảm thực phẩm như những người khác, mà phải chi tiêu nhiều hơn để duy trì mức thực phẩm bình thường – chi tiêu cho thực phẩm năm 2020 nhiều hơn 17% so với năm 2018 và chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng không phải thực phẩm.
Nghiên cứu của SANEM thấy chi tiêu cho giáo dục đã bị cắt giảm ở tất cả các tầng lớp người dân. Giáo sư MM Akash thuộc Khoa Kinh tế Đại học Dhaka cho biết: “Nếu chi tiêu cho giáo dục giảm, chúng ta cần đặt câu hỏi liệu chi tiêu này có tăng trở lại hay không”. Tiến sĩ Zahid Hussain, nhà kinh tế hàng đầu tại Văn phòng Dhaka của Ngân hàng Thế giới, cho biết: “Phát hiện quan trọng nhất là chi tiêu cho giáo dục đã giảm và các phương pháp giáo dục thay thế như giáo dục trực tuyến không thể thay thế giáo dục trực tiếp. Nghèo đói trong học tập không kém quan trọng hơn nghèo đói vật chất vì nó ảnh hưởng đến thế hệ tương lai”.
2. Dự kiến Ngân sách năm tài khóa 2021-2022
Chính phủ có kế hoạch tập trung vào 9 lĩnh vực trọng tâm trong việc lập ngân sách cho năm tài chính 2021-22, bao gồm thực hiện thành công các gói kích thích Covid-19 đã được Thủ tướng Chính phủ công bố và đảm bảo phân bổ thêm để thúc đẩy lĩnh vực y tế.
Các nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết cuộc họp đầu tiên của Hội đồng điều phối về quản lý ngân sách và tài chính và tỷ giá hối đoái đã được tổ chức gần đây do Bộ trưởng Bộ Tài chính AHM Mustafa Kamal chủ trì. Dự kiến phân bổ ngân sách năm tài chính 2021-22 đã được đưa ra xem xét trong cuộc họp. Các ưu tiên đã được tính toán trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra với làn sóng thứ hai.
Các gói ưu tiên cho năm tài khóa tiếp theo đảm bảo phân bổ tiền cho các lĩnh vực ưu tiên của chính phủ để đương đầu với ảnh hưởng của đại dịch, cơ giới hóa nông nghiệp và khuyến khích nghiên cứu giống, phục hồi nông nghiệp và tiếp tục trợ cấp phân bón để sản xuất thêm lương thực và tạo ra nhiều việc làm và phát triển nông thôn.
Việc mở rộng các chương trình mạng lưới an sinh xã hội, các dự án nhà ở cho người nghèo vô gia cư (chương trình trọng tâm của Năm Mujib) và tiếp tục phân phối thực phẩm miễn phí hoặc với giá tối thiểu cho nhóm thu nhập thấp cũng sẽ được ưu tiên trong tài khóa 2021-22. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực tổng thể bao gồm giáo dục và phát triển kỹ năng sẽ là một lĩnh vực ưu tiên khác.
Tại cuộc họp, ước tính sơ bộ GDP là 7,7%, tỷ lệ lạm phát ước tính 5,3%, tổng tỷ lệ đầu tư 32% GDP (tư nhân 24,5%, công lập 7,5%) và tổng thu ngân sách ước là 10,8%. Cũng ước tính tổng chi tiêu trong tài khóa là 16,7% GDP, tổng thâm hụt ngân sách có thể là 5,8% GDP và tổng GDP sẽ là 35.527,78 tỉ Tk (khoảng 420 tỉ USD).
Trong quý cuối cùng của năm tài khóa 2019-2020 (quý II năm 2020), để đưa các hoạt động kinh tế đi đúng hướng, chính phủ đã công bố các gói kích thích trị giá 14,1 tỷ USD, tương đương khoảng 4,3% GDP của cả nước. Các gói này bao gồm các ưu đãi dành cho các lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, quỹ an sinh cho người lao động, vốn lưu động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vay ưu đãi để tăng trưởng xuất khẩu, hỗ trợ nông dân và nông nghiệp, cho vay tạo việc làm, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh bị ảnh hưởng, các chương trình tái cấp vốn và bảo hiểm cho nhân viên y tế. Mục đích chính của các khoản ưu đãi là nhằm vực dậy các hoạt động kinh tế, giữ chân người lao động và giữ năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, để đáp ứng các quyền cơ bản của những người sống dưới mức nghèo khổ, lao động phổ thông và những người lao động trong khu vực phi chính thức.
Để thực hiện các gói kích cầu này, chính phủ đã đưa ra các kế hoạch hoạt động khẩn cấp, ngắn hạn và dài hạn để bù đắp tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với nền kinh tế đất nước, bao gồm tăng chi tiêu công, đưa ra các gói tài khóa, mở rộng chương trình mạng lưới an sinh xã hội và tăng cung tiền. Trong chi tiêu công, giải quyết việc làm được ưu tiên và không khuyến khích các chuyến đi ra nước ngoài và các khoản chi tiêu xa xỉ.
Khi tỷ lệ nợ trên GDP chỉ ở mức 34% đã tạo không gian để chính phủ có thể đủ khả năng để tìm kiếm nguồn tài chính thâm hụt cho chi tiêu công mà không ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế vĩ mô.
- Chính phủ sẽ cứng rắn đối với việc dự trữ đay thô
Phát biểu tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các nhà máy đay Bangladesh và Hiệp hội thợ dệt đay Bangladesh, Bộ trưởng Bộ Đay và dệt Golam Dastagir Gazi cho biết các đại lý hoặc chủ kho hiện có thể trữ tối đa 1.000 maund (1 maund khoảng 37kg) đay thô trong một tháng. Chính phủ đã đặt ra giới hạn để đảm bảo nguồn cung đay thô tại thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu.
Bộ trưởng cho biết các biện pháp cũng sẽ được thực hiện để đảm bảo những thương lái không có giấy phép bị cấm bán, mua hoặc tích trữ đay thô và không ai được bán hoặc mua đay ướt.
Chính phủ đã ban hành lệnh vào thời điểm giá đay thô đã tăng gần gấp đôi kể từ vụ thu hoạch tháng 7-8 do thiếu hụt nguồn cung trên thị trường nội địa. Các nhà máy đay trong nước đang gặp khó khăn do khan hiếm đay thô.
Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu từ sợi đay, sợi xe, bao tải và túi đay cũng tăng mạnh. Đay hiện được bán với giá 4.200 Tk/maund ở Faridpur, khu vực trồng đay lớn nhất cả nước, tăng từ 2.200-2.400 Tk trong giai đoạn tháng 7-8 năm ngoái.
Giá trị xuất khẩu từ đay và hàng đay tăng 30,56% so với cùng kỳ năm trước, lên đến 668,11 triệu USD trong giai đoạn tháng 7-12 của năm tài chính 2020-21, cao hơn 19,29% so với mục tiêu.
Bộ trưởng cho biết chính phủ cũng đang nỗ lực để đảm bảo nguồn cung hạt đay để giúp Bangladesh đạt được mục tiêu sản xuất đay cho vụ mùa hiện tại. Bộ Nông nghiệp và Bộ Dệt và đay đã cùng chuẩn bị một lộ trình 5 năm để Bangladesh tự sản xuất đủ hạt đay chất lượng cao.
Theo Kế hoạch phát triển hàng năm, một dự án sản xuất và phân phối đay và hạt đay hiện đang được thực hiện tại 230 huyện thuộc 46 tỉnh. Mỗi năm, 153.000 người trồng đay đang được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, trong khi số người hưởng lợi gián tiếp bao gồm 612.000 nông dân và gia đình của họ.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)