Kinh tế Ấn Độ nỗ lực gia tăng vị thế và tầm ảnh hưởng trong nền kinh tế toàn cầu

0
120
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AFP/TTXVN

Với mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD vào năm 2025, Chính phủ của Thủ tướng Modi đang nỗ lực đặt nền móng để tạo điều kiện kinh doanh và thu hút đầu tư từ nhiều công ty nước ngoài hơn.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: AFP)

Trong khi nền kinh tế toàn cầu chao đảo từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, nền kinh tế Ấn Độ có vẻ đã thoát khỏi giai đoạn tăng trưởng “ì ạch” và dần gia tăng ảnh hưởng của mình.

Bắt đầu năm mới 2023, Ấn Độ đã khiến thế giới chú ý với sự hiện diện đáng chú ý tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sỹ. Các đại diện từ Ấn Độ nổi bật trên con phố chính ở Davos đến nỗi một nhà đầu tư đã mô tả con đường này là “Tiểu Ấn Độ”.

Tháng Tám, Ấn Độ đã tạo dấu mốc mới khi gia nhập câu lạc bộ gồm số rất ít các quốc gia đã đưa thành công tàu vũ trụ lên Mặt Trăng. Sự kiện đó nhấn mạnh tham vọng lớn trong ngành khoa học và công nghệ của nước này.

Sang tháng Chín, Thủ tướng Narendra Modi đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở New Delhi, đánh dấu lần đầu tiên hội nghị này được tổ chức ở Ấn Độ. Phản ứng lại, thị trường chứng khoán New Delhi đã tăng vọt lên mức cao chóng mặt.

Với mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD vào năm 2025, Chính phủ của Thủ tướng Modi đang nỗ lực đặt nền móng để tạo điều kiện kinh doanh và thu hút đầu tư từ nhiều công ty nước ngoài hơn.

Bài viết trên CNN nhận định, giống như Trung Quốc đã làm cách đây hơn ba thập kỷ, Ấn Độ đang bắt đầu chuyển đổi cơ sở hạ tầng quy mô lớn bằng cách chi hàng tỷ USD để xây dựng đường sá, bến cảng, sân bay và đường sắt. Chỉ riêng trong ngân sách năm nay, chính phủ đã dự chi 120 tỷ USD cho các cơ sở vật chất nhằm thúc đẩy mở rộng kinh tế.

Kết quả có thể được nhìn thấy trên thực tế với hoạt động xây dựng rầm rộ đang diễn ra trên khắp đất nước. Ấn Độ đã bổ sung thêm 50.000 km vào mạng lưới đường cao tốc quốc gia, tăng 50% về chiều dài tổng thể trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2022.

Ấn Độ, nơi sở hữu một số công ty phần mềm lớn nhất thế giới, cũng đã xây dựng một loạt nền tảng kỹ thuật số – được gọi là cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số. Những nền tảng này đã làm thay đổi cơ bản hoạt động thương mại tại nền kinh tế tỷ dân này.

Ví dụ, chương trình Aadhaar được triển khai năm 2009 đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người Ấn Độ bằng cách cung cấp cho họ chứng nhận nhân thân lần đầu tiên. Tính tới hiện tại, gần như 1,4 tỷ người Ấn Độ đã có mặt trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học lớn nhất thế giới này, qua đó giúp giảm tình trạng tham nhũng từ các sáng kiến phúc lợi của chính phủ.

Một nền tảng khác, Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) cho phép người dùng thực hiện thanh toán ngay lập tức bằng cách quét mã QR. Nền tảng này đã được người Ấn Độ thuộc mọi tầng lớp xã hội đón nhận và cho phép hàng triệu USD chảy vào nền kinh tế chính thức.

Hồi tháng Chín, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã trích dẫn một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong đó nhấn mạnh nhờ cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số mà Ấn Độ đã đạt được các mục tiêu về tài chính toàn diện chỉ trong 6 năm. Theo WB, quá trình này lẽ ra phải mất ít nhất tới 47 năm.

Trong bối cảnh các công ty quốc tế muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất để tránh các rủi ro khó lường và biến động chính trị, Ấn Độ đã triển khai chương trình khuyến khích liên kết sản xuất trị giá 26 tỷ USD để thu hút các công ty thành lập sản xuất trong 14 lĩnh vực, từ điện tử và ô tô đến dược phẩm và thiết bị y tế.

Kết quả là một số công ty lớn nhất thế giới, bao gồm cả nhà cung cấp Foxconn của Apple, đang mở rộng hoạt động đáng kể ở Ấn Độ.

Hồi cuối tháng 10, cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Intelligence đã dự đoán đến năm 2030 Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vượt qua Đức và Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau Trung Quốc. Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.

Theo S&P Global, Ấn Độ có thể đạt được triển vọng trên nhờ sức mạnh từ đặc điểm nhân khẩu học trẻ trung và thu nhập hộ gia đình ở khu vực thành thị tăng nhanh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề mà chính phủ Ấn Độ cần giải quyết. Ông Willy Shih, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, cho biết Chính phủ Ấn Độ cần nhanh chóng giải quyết các trở ngại đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Và trong khi Ấn Độ đang thực hiện nhiều biện pháp để thu hút các công ty nước ngoài, chính quyền nước này cũng có một số động thái nhắm vào các công ty từ Trung Quốc.

Ông cũng cảnh báo về những biến động khó lường mà các chính sách của Ấn Độ từng tự tạo ra. Một trong những ví dụ nổi bật là hồi năm 2016, ông Modi bất ngờ cấm hầu hết các đồng tiền giấy của Ấn Độ. Động thái đó đã gây ra những rối loạn và tổn thất lâu dài cho cả người dân và doanh nghiệp.

Nhìn chung, các chuyên gia đều đồng ý nền kinh tế Ấn Độ sẽ lớn mạnh và chiếm một vai trò lớn trong kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài trước khi những triển vọng lấp lánh đó thành hiện thực.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here