Kinh nghiệm Singapore chống dịch bảo vệ nền kinh tế và tiêm chủng cho người dân

0
91

 

Bài học rõ nhất của Singapore là chủ động trong chuỗi cung ứng, đầu tư sản xuất vaccine và duy trì hàng hóa, tiếp vận hậu cần sớm.

Ngoài ra, Singapore đã chủ động về khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch với sự tham gia của cả khu vực tư nhân, trí thức lẫn chính phủ.

Chủ động về khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin

Từ năm 2020 đến nay, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Singapore đã có rất nhiều phát minh, chế tạo các phần mềm, ứng dụng truy vết, xét nghiệm, điều trị COVID-19 và luôn chủ động trong chuyển đổi nền kinh tế sang số hóa.

Doanh nhân Michael Nguyễn của Singapore mới đây có phân tích về quá trình hình thành chiến lược chống dịch COVID-19 của chính phủ Thủ tướng Lý Hiển Long cũng như một số bài học có thể giúp Việt Nam tìm hiểu thêm về kinh nghiệm của quốc gia cùng trong khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, những điểm đáng chú ý trong công cuộc chống dịch của Singapore
Cho  đến ngày 1/6, chính quyền Singapore đã tiêm hơn 4 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna. Như vậy, hơn 40% dân số Singapore được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và hơn 30% dân số đã được tiêm đầy đủ 2 mũi. Tốc độ triển khai tiêm vaccine đã đạt 100.000 mũi/ngày. Theo số liệu chính thức, Singapore đã đạt được kế hoạch đề ra khi tiêm chủng cho gần như toàn bộ số nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu, gần như toàn bộ dân số trên 45 tuổi, bắt đầu tiêm chủng gần 400.000 học sinh, sinh viên cả nước. Dự kiến, mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7/2021.

Tháng 1/2020, Singapore phát hiện ra ca COVID-19 đầu tiên. Quá kinh nghiệm với đợt dịch SARS và cúm gà vài năm trước, chính phủ Singapore đã yêu cầu Bộ Y tế lo thủ tục, Ủy ban phát triển kinh tế EDB lo tiền, A Star (bộ não của chính phủ), khu vực tư nhân tham gia, lập ra Ban chỉ đạo (TXvax Panel) đi tìm vaccine. Chưa biết dịch này sẽ lan rộng ra sao, nguy hiểm thế nào, nhưng việc đầu tiên là đi tìm thuốc, phải có vaccine và phải tiêm chủng cho toàn dân, nhanh nhất và sớm nhất.

Đến tháng 4/2020, TXvax tìm ra và chốt danh sách 35 cơ sở có tiềm năng sản xuất và cung cấp vaccine. Vì chưa có tiền lệ, chưa có cở sở đảm bảo thành công của vaccine, các quyết định đầu tư của Ban này dựa trên hai nguyên tắc: nhà sản xuất nào sẽ đưa ra sản phẩm nhanh nhất, công nghệ nào an toàn nhất.

Lo ngại có tiền chưa chắc đã đặt mua được hàng, Singapore đầu tư trực tiếp vào các hãng công nghệ lớn. Hơn 1 tỷ USD được Singapore đầu tư vào Pfizer, Modena, Sinovac để có quyền ưu tiên, hay quyết định số lượng cung cấp cho mình. Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế đi mặc cả với hãng sản xuất về các điều kiện thương mại, trong khi Cơ quan quản lý cấp phép rút gọn thời gian duyệt. Trong khi các hãng hàng không chưa nhận ra cơ hội mới thì Singapore chuyển đổi công năng máy bay, xây sẵn kho lạnh ở Changi để làm trung chuyển vaccine của khu vực. Máy bay của Singapore thậm chí còn được phép đậu ngay ở sân bay gần nhất nơi sản xuất vaccine để lấy hàng nhanh.

Tháng 12/2020, tức là 11 tháng sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, Singapore lấy được vaccine Pfizer về nước, sớm nhất châu Á. Ngoài thắng lợi tinh thần cho dân chúng, rồi giảm thiệt hại do có thể mở cửa sớm nền kinh tế, Singapore còn thu về kha khá tiền đầu tư từ các hãng dược và công nghệ sinh học do chuẩn bị cơ sở tiếp vận hậu cần tốt. Thermo Fisher, hãng công nghệ sinh học lớn nhất thế giới vừa tuyên bố đầu tư gần 200 triệu USD để mở cơ sở nghiên cứu tại đây. Ngoài ra, Pfizer và Modena cũng kéo qua Singapore đặt cơ sở sản xuất vaccine.

Singapore cũng nhập vaccine Sinopharm của Trung Quốc với khoảng 200.000 liều, nhưng cơ quan chức năng HSA chưa cấp phép sử dụng (tính đến 2/6/2021). Lý do là phía nhà sản xuất chưa cung cấp đầy đủ các dữ liệu lâm sàng khi sử dụng vaccine này cho cơ quan kiểm định của Singapore. Chính quyền không khuyến khích việc phân biệt các loại vaccine phòng COVID-19, nhưng phản ứng chung của người dân Singapore là thấy an tâm với các loại vaccine đang được sử dụng (Pfizer và Moderna).

Để ổn định nền kinh tế, Singapore cũng triển khai các gói cứu trợ tài chính kịp thời, hiệu quả và kỷ luật của dân chúng chống dịch văn minh, nghiêm túc. Tất cả những điều trên đem lại kết quả là Singapore bị “trầm” giai đoạn đầu, tức là kinh tế Singapore tăng trưởng âm trong 2020, trong khi cùng thời gian trên, kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương, theo số liệu chính thức.

Tuy nhiên, sang năm nay lại khác, dự báo Singapore tăng trưởng dương trở lại từ 4-6% do đã được tiêm đủ vaccine và mở cửa dần dần trở lại.

Cách sử dụng vaccine Sinovac của Trung Quốc?

Bộ Y tế Singapore hiện mới chỉ cấp phép cho vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna để sử dụng trong chương trình tiêm vaccine chống COVID-9 tại nước này. Tuy nhiên, ngày 2/6 vừa qua, Singapore thông báo vaccine Sinovac của Trung Quốc sẽ được phép cho dùng thông qua chương trình Tiếp cận đặc biệt (SAR).

Việc Singapore cho phép dùng Sinovac là vì một số nguyên do. Tiến sĩ Seow En Hao, người sáng lập EH Medical, cho biết có sự quan tâm dùng Sinovac ở Singapore. Ông nói: “Đây có thể là những bệnh nhân không được phép sử dụng vaccine công nghệ mRNA vì lý do y tế hoặc có người đã chọn không sử dụng do lo ngại tác dụng phụ của các loại vaccine hiện có. Một số lại muốn sử dụng vaccine Sinovac vì họ muốn đến Trung Quốc “vì Trung Quốc hiện chỉ công nhận các trường hợp tiêm chủng được thực hiện bằng vaccine của họ”.

Theo tờ The Straits Times, Bộ Y tế Singapore lưu ý rằng mặc dù chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu xếp việc sử dụng Sinovac thông qua các nhà cung cấp được cấp phép, nhưng đây vẫn là một thỏa thuận tư nhân. Bộ Y tế Singapore nói “tuy nhiên, vì vaccine này vẫn chưa được đăng ký nên nó không thể được chương trình VIFAP chi trả. Những cá nhân muốn tiêm vaccine này theo chương trình SAR, thì nên thảo luận với bác sĩ ở những nhà cung cấp được chỉ định về rủi ro và lợi ích của việc sử dụng”.

Giáo sư Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết việc cho phép Sinovac thông qua chương trình tư nhân sẽ cho phép những người không đủ điều kiện về mặt y tế đối với các mũi tiêm Pfizer-BioNTech và Moderna có thể tiếp cận với vaccine sử dụng công nghệ khác. Việc này cũng cho phép những người thích dùng các loại vaccine khác có quyền lựa chọn mà không ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn mà Singapore đã đặt ra cho chương trình quốc gia.
Theo Giáo sư Teo, mặc dù vaccine Sinovac của Trung Quốc đáp ứng các tiêu chí của WHO về an toàn và có hiệu quả ít nhất 50%, nhưng dữ liệu được công bố cho đến nay đã chỉ ra rằng vaccine này có tỷ lệ hiệu quả khác nhau tùy nghiên cứu, dao động từ chỉ hơn 50% đến khoảng 90%. Ngược lại, cả vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna đều cho thấy hiệu quả hơn 90%. Giáo sư nói thêm: “Tôi nên nhấn mạnh rằng hiệu quả 50% đối với một loại vaccine thực sự rất tốt, vì vậy không có nghĩa là nó kém hơn, nhưng sự nhất quán sẽ giúp ích cho toàn bộ quá trình đánh giá và cần phải làm rõ cẩn thận hơn về độ hiệu quả của vaccine Sinovac”.
Sinovac đã không trực tiếp công bố kết quả nghiên cứu của mình. Trong khi đó, các nhà sản xuất khác đã công bố chi tiết trên các tạp chí y tế học thuật. Kết quả thử nghiệm của Sinovac phần lớn chỉ được công bố rộng rãi bởi các chính phủ đã phê duyệt và triển khai vaccine này.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here