Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số và hàm ý chính sách cho Việt Nam

0
86
Trong thời đại số, các ngân hàng thành công sẽ là những ngân hàng biết khai thác sức mạnh của công nghệ dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số .

Bước vào kỷ nguyên số, công nghệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi yếu tố đột phá, lan tỏa và bao trùm. Sự cạnh tranh giữa các siêu cường trong lĩnh vực công nghệ đang ngày càng gia tăng, đe dọa các mô hình hợp tác truyền thống đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự dịch chuyển sang nền kinh tế số với các mô hình phát triển mới đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến vị thế của các quốc trên bản đồ địa chính trị thế giới. Tại Việt Nam, công nghệ được xác định là nhân tố chính để phát triển kinh tế, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành một nước phát triển. Đặc biệt, phát triển các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số – các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam – để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hiện thực hoá các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đưa sản phẩm công nghệ số của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Bài nghiên cứu này sẽ phân tích một số kinh nghiệm, chính sách của các nước trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số và đưa ra một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam.

  1. Thực trạng và môi trường phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam:

Việt Nam hiện đang có một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ đông đảo với khoảng 43.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT và khoảng 17.000 doanh nghiệp kinh doanh, phân phối sản phẩm, giải pháp trong lĩnh vực này. Tuy các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam có những tiềm năng, thế mạnh nhất định, song vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế trong môi trường hoạt động của doanh nghiệp hiện nay.

1.1. Theo đánh giá SWOT[1] về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một số điểm mạnh của doanh nghiệp Việt Nam được chỉ ra như sau: (i) Tinh thần của dân tộc, quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, nhận thức xã hội về vai trò của công nghệ trong sản xuất kinh doanh ngày càng cao, tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường, xây dựng hành lang pháp lý, đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển; (ii) Môi trường chính trị, xã hội tại Việt Nam ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài, thu hút vốn đầu tư để phát triển doanh nghiệp công nghệ số; (iii) Nhân lực công nghệ có kiến thức cơ bản về lĩnh vực toán học và khoa học[2]; (iv) Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ có nhiều thuận lợi để hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ với lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang trong nhóm đứng đầu trong khu vực ASEAN về thu hút vốn[3]; (v) Doanh nghiệp công nghệ số có khả năng phản ứng nhanh, cụ thể, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều sản phẩm công nghệ số đa dạng như khai báo, theo dõi, đánh giá tụ tập đông người và phạm vi di chuyển, học và làm việc từ xa… đã được triển khai trong thời gian ngắn giúp giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh, sớm đưa nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng.

1.2. Mặc dù vậy, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục: (i) Giá trị gia tăng của sản phẩm chưa tương xứng với kỳ vọng, giải pháp, dịch vụ thấp; (ii) Năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu-phát triển hạn chế[4]; (iii) Chưa chú trọng chiến lược phát triển, thương hiệu sản phẩm, chủ yếu còn dựa vào hoạt động gia công, thực hiện các công đoạn có hàm lượng sáng tạo và công nghệ thấp và phụ thuộc vào các đơn hàng nước ngoài; (iv) Thiếu định hướng công nghệ và chưa hình thành được “hệ sinh thái công nghệ”[5] để tạo ra các chuỗi giá trị sản phẩm công nghệ số có giá trị gia tăng cao; (v) Sự lan tỏa, tương tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước không hiệu quả, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn thấp khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; (vi) Chính quyền địa phương chưa quan tâm, chú trọng phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

  1. Một số cơ hội và thách thức trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam:

2.1. Cơ hội đối với phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam:

– Tiềm năng bùng nổ thị trường ứng dụng công nghệ số nội địa: Là đất nước của gần 100 triệu dân, dân số trẻ và số người dùng di động thông minh cao, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, thị trường nội địa của Việt Nam đủ lớn và đa dạng. Hơn nữa, Việt Nam có nền kinh tế pha trộn giữa hai mô hình kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, qua đó cho thấy các cơ hội kinh doanh mới được đánh giá phù hợp với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nguồn đầu tư từ Trung Quốc và Mỹ chứng tỏ thị trường Việt Nam có tiềm năng trong tương lai.

Hội nhập kinh tế mở ra thị trường sản phẩm công nghệ quốc tế: Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng mở ra thị trường cho sản phẩm số Việt Nam. Vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế đang dần được nâng cao, Việt Nam là một trong các nước tích cực tham gia vào các hoạt động phát triển trong khối ASEAN, cả về chính trị và kinh tế. Hợp tác của Việt Nam ngày càng mở rộng với việc tham gia một số các cơ chế và các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

– Cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc mở ra cơ hội: Chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc có bản chất công nghệ, chiến tranh quyền lực. Việc bảo vệ thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ không chỉ còn là vấn đề thương mại mà là lợi ích chiến lược, dẫn đến khả năng các công ty đa quốc gia (MNE) hợp tác công nghệ lõi để lôi kéo đồng minh. Cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn cũng thúc đẩy xu hướng dịch chuyển sản xuất sản phẩm công nghệ từ một số nước sang Việt Nam. Nếu nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam sẽ tăng cường nguồn đầu tư của doanh nghiệp FDI về công nghệ quốc tế.

– Xuất hiện xu thế chuyển dịch cơ cấu đầu tư sang công nghệ số: Sự quan tâm đầu tư vào doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang dần tăng lên. Một số doanh nghiệp dịch vụ nội địa có nguồn vốn đã chủ động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số. Doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang được quan tâm bởi các nhà đầu tư khởi nghiệp trên thế giới, trong đó có từ các quốc gia lớn như Mỹ và Trung Quốc.

2.2. Thách thức đối với phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam:

Sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp công nghệ trong khu vực: Cạnh tranh của các doanh nghiệp từ các ASEAN không chỉ xuất phát từ nhân công giá rẻ (như tại Myanmar) mà còn bằng sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước trong một hệ sinh thái năng động cho phát triển doanh nghiệp công nghệ (như tại Singapore). Các quốc gia lớn ngoài khu vực cũng có chính sách hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp công nghệ trong bối cảnh chiến tranh thương mại như Trung Quốc tăng cường hỗ trợ về kinh phí cho các doanh nghiệp công nghệ nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ lõi nước ngoài, đặt mục tiêu biến Trung Quốc trở thành công xưởng công nghệ toàn cầu.

– Phụ thuộc về đầu tư nước ngoài, nguy cơ bị thâu tóm: Với tiềm lực tài chính không lớn, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nguy cơ bị chi phối bởi các nguồn đầu tư không bền vững. Tuy nhiên, khi bị phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài sẽ dẫn đến trường hợp doanh nghiệp Việt Nam rơi vào hoàn cảnh thua thiệt khi bị thâu tóm, tác động đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam.

– Phụ thuộc về tài nguyên dữ liệu, công nghệ khai thác dữ liệu: Các nền tàng thuộc các quốc gia lớn (facebook, tiktok…), mô hình kinh doanh mới, dịch vụ dựa trên công nghệ số xuyên biên giới đang xâm nhập và gia tăng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Dữ liệu kinh tế-xã hội và đời sống của Việt Nam đang bị các doanh nghiệp nước ngoài khai thác để tạo ra lợi thế cạnh tranh trước các doanh nghiệp công nghệ số nội địa. Điều này dẫn đến các rủi ro lớn về an ninh quốc gia, an toàn thông tin, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh dựa trên sáng tạo và dựa trên dữ liệu của doanh nghiệp trong nước.

– Bị mất lợi thế về nhân công giá rẻ và bị chảy máu chất xám: Các công nghệ thông minh và tự động hóa cao thay thế được nhân lực phổ thông trong nhiều lĩnh vực. Doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế về nhân lực giá rẻ, trong khi nhân lực chất lượng cao còn chưa được hình thành. Sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài cũng dẫn đến nguy cơ bị thu hút mất lao động chất lượng cao của Việt Nam vào tay các đối tác công nghệ nước ngoài, đặc biệt là nhân lực tài năng cần thiết cho các hoạt động triển khai cách mạng công nghiệp 4.0.

  1. Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số:

Nhận thức được tầm quan trọng của doanh nghiệp công nghệ số nên nhiều quốc gia như Anh, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển doanh nghiệp công nghệ số quốc gia.

3.1. Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ của Anh:

– Ban hành chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp (như áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 10% cho lợi nhuận từ các phát minh được cấp bằng sáng chế).

– Chính sách thu hút nhân tài từ khắp nơi trên toàn thế giới (như Chương trình visa quốc gia công nghệ, cho phép những tài năng công nghệ sáng giá và tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới đến và làm việc trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số của Anh, đóng góp chuyên môn, sáng tạo và đổi mới tiên tiến để duy trì vị thế đi đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu của Anh).

– Điều chỉnh môi trường pháp lý thân thiện với sự đổi mới (như quy định giữa các ngành được mở để nhận ra lợi ích của những đổi mới kỹ thuật số mới và đột phá; Chương trình kinh doanh Challenger giúp thiết lập một môi trường trong đó các doanh nghiệp đổi mới có thể phát triển mạnh, và là một kênh để các doanh nghiệp cảnh báo chính phủ về các rào cản pháp lý đối với tăng trưởng).

– Tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển (như việc Chính phủ hỗ trợ 1,3 tỷ bảng/năm cho R&D trong lĩnh vực kỹ thuật số, khoảng 600 triệu bảng/năm qua các chương trình và cuộc thi đổi mới; hình thành trung tâm đổi mới công nghệ kỹ thuật số Digital Catapult là không gian cho các nhà công nghệ, sáng tạo từ doanh nghiệp và học viện hợp tác và phát triển ý tưởng mới của họ và giới thiệu sản phẩm của họ tới Anh và phần còn lại của thế giới, cho phép các doanh nghiệp kỹ thuật số của Anh đổi mới với tốc độ nhanh hơn và ít rủi ro hơn, vì vậy các sản phẩm và dịch vụ mới có thể được tăng tốc ra thị trường; lập Quỹ thách thức chiến lược công nghiệp để giúp Anh tận dụng những thế mạnh của mình trong khoa học và đổi mới, hỗ trợ các công nghệ ở tất cả các giai đoạn, từ nghiên cứu ban đầu đến thương mại hóa; hỗ trợ các công ty kỹ thuật số giai đoạn đầu và các nhà đổi mới trong các trường đại học).

– Hỗ trợ các doanh nghiệp số (hỗ trợ biến ý tưởng thành thương mại hóa, hỗ trợ các công nghệ mới nổi thông qua hoàn thiện khung pháp lý và hỗ trợ kinh phí R&D và 31 thử nghiệm, hỗ trợ các doanh nghiệp mới và đang phát triển trong các ngành cụ thể như game, an ninh mạng…

– Thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực kỹ thuật số (như có biện pháp khuyến khích các công ty kỹ thuật số nội địa phát triển, khuyến khích các công ty công nghệ ở nước ngoài vào Anh để tăng cường các cụm công nghệ của Anh và nâng cao lợi thế cạnh tranh của Anh).

3.2. Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ của Đức

– Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp bao gồm: hỗ trợ thông qua các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp (mở rộng quỹ khởi nghiệp, mở rộng tài trợ khởi nghiệp, tăng quỹ đầu tư mạo hiểm cho các startup công nghệ, các công ty sáng tạo và non trẻ; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới kỹ thuật số để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng; kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các doanh nghiệp đã thành lập để sử dụng tốt hơn tiềm năng đổi mới của khởi nghiệp nhằm số hóa tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế; cung cấp các thông tin và dịch vụ tư vấn khởi nghiệp trên Cổng thông tin khởi nghiệp 4.0.

– Tạo khung pháp lý cho tăng đầu tư và đổi mới: xây dựng tiêu chuẩn Châu Âu theo kịp công nghệ toàn cầu và được sự công nhận của quốc tế; tạo môi trường pháp lý thân thiện với sự đổi mới để thúc đẩy số hóa trong cuộc sống hàng ngày; phát triển và mở rộng khung pháp lý để thích ứng với các lĩnh vực kinh doanh mới: Dữ liệu lớn/ Dịch vụ dựa trên vị trí…; thiết lập khung pháp lý thử nghiệm cho mô hình kinh doanh và công nghệ mới; có chính sách cạnh tranh hiện đại để Đức và Châu Âu cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

– Tạo được sự vượt trội trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ số: khấu trừ thuế cho đầu tư vào kỹ thuật số; để phù hợp với thực tế là chu kỳ đầu tư ngày càng ngắn cần giảm tối đa thời gian khấu hao phần cứng và phần mềm; tập trung các chương trình hỗ trợ vào các công nghệ tiên tiến; giảm thuế R&D cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ, định hướng cho hệ thống đào tạo nghề công nghệ thông tin; phát triển nhân lực trình độ cao.

3.3. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của một số quốc gia khác:

– Hỗ trợ hình thành các cụm công nghiệp dẫn tới tăng trưởng nhanh chóng do xuất khẩu (Trung Quốc). Hỗ trợ để thành lập các khu công nghiệp bằng các chính sách FDI và các chính sách đổi mới nội địa (Singapore).

– Thành lập các công ty đại diện của nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ (Brunei, Malaysia).

– Cung cấp tài chính, miễn thuế cho SME và khởi nghiệp (Anh). Ưu đãi về thuế như miễn thuế thu nhập; thuế nhập khẩu (Malaysia, Thái Lan); cấp các khoản phụ cấp vốn khi mua thiết bị và phần mềm CNTT-TT để chuyển đổi kỹ thuật số, các quỹ thúc đẩy (Malaysia).

– Thiết lập các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như Chương trình doanh nhân công nghệ (Malaysia) để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, Chương trình đầu tư doanh nghiệp hạt giống (Anh), Chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp (Philippines).

– Hỗ trợ đầu tư kỹ thuật số bao gồm giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, giấy phếp sở hữu đất đai và không hạn chế vốn chủ sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

 – Sử dụng các chính sách công nghiệp nhằm tăng tốc đổi mới được thực hiện bởi các công ty trong nước (Hàn Quốc)

  1. Các hàm ý chính sách đối với phát triển doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam:

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã sớm quan tâm, chỉ đạo sát sao, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam. Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nêu rõ, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Viet Nam” với hàm ý “doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới”. Đây là những tiền đề quan trọng để Việt Nam phát triển thành công doanh nghiệp công nghệ số. Bài nghiên cứu xin đưa ra một số khuyến nghị chính sách trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số như sau

– Hoàn thiện cơ chế chính sách kiến tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam: Thể chế là một thành phần quan trọng nhất trong hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp công nghệ của bất cứ quốc gia trên thế giới. Với các chính sách phù hợp, doanh nghiệp có môi trường để chủ động sáng tạo đổi mới – những động lực quan trọng nhất là đầu vào cho bất cứ sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ số có tính cạnh tranh. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi những công nghệ đột phá, các mô hình kinh doanh mới có thể thay đổi thị trường một cách nhanh chóng, việc cần một khung pháp lý phù hợp để những ý tưởng sáng tạo được phát huy là hết sức cần thiết.

– Đẩy mạnh năng lực nghiên cứu công nghệ số trong đó doanh nghiệp là lực lượng tiên phong: Để có thể cạnh tranh trong cuộc cách mạng số, sản phẩm của doanh nghiệp cần có hàm lượng công nghệ và sự sáng tạo cao. Các kết quả tinh hoa của hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ cần được chuyển đổi thành sản phẩm và nhanh chóng tiếp cận thị trường. Chính vì vậy, doanh nghiệp là cầu nối giữa khối nghiên cứu và sản xuất. Để gánh vác sứ mệnh đối với đất nước, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tự chuyển đổi lên một tầm vóc mới, thể hiện vai trò là một lực lượng chính đưa thành tựu phát triển công nghệ số vào phát triển đất nước.

– Hỗ trợ hiệu quả, tạo lập thị trường năng động cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam: Thị trường là yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp công nghệ số nói riêng. Để đạt được mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ số về doanh thu, giá trị xuất khẩu cũng như đóng góp cho tăng trưởng GDP, tăng năng suất lao động quốc gia và tăng trưởng kinh tế số… thì cần có những giải pháp đột phá để giúp doanh nghiệp số phát triển vượt bậc.

– Phát triển ngành công nghiệp dữ liệu và hệ sinh thái công nghệ số: Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới trong cách mạng số. Khai thác hiệu quả tài nguyên dữ liệu là động lực thúc đẩy nền kinh tế số. Dữ liệu chỉ được khai thác hiệu quả nếu có các công nghệ phù hợp. Phát triển ngành công nghiệp dữ liệu và hệ sinh thái công nghệ nhằm chủ động tạo ra nguồn tài nguyên cho ngành công nghiệp ICT, môi trường hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hình thành và phát triển.

– Đổi mới mô hình phát triển nhân lực và phương thức sử dụng lao động chuyên ngành công nghệ số: Nhân lực trong cách mạng số cần được cung cấp các kỹ năng và kiến thức phù hợp. Không chỉ thay đổi về nội dung kiến thức đào tạo, hình thức đào tạo và mô hình khai thác nhân lực công nghệ cũng cần được quy định phù hợp để tạo ra những hiệu quả tốt nhất, hỗ trợ sự hoạt động thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

– Hình thành các định hướng phát triển đột phá thông qua các nhiệm vụ, dự án của Chính phủ có tác động lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số: Tất cả các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều có những định hướng công nghệ chủ đạo, thường được khởi xướng bởi nhà nước và được tham gia triển khai bởi cộng đồng doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua các chiến lược số, chiến lược về 5G, chiến lược về IoT và gần đây nhất là chiến lược về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Các định hướng công nghệ này giúp tạo ra mối liên kết tương hỗ trong cộng đồng doanh nghiệp, cùng hợp tác để phát triển./.

Đan Lê

[1] SWOT là tập hợp viết tắt những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) – là một mô hình nổi tiếng trong phân tích kinh doanh của doanh nghiệp.

[2] Hàng năm, gần 50 ngàn sinh viên tốt nghiệp ngành CNCT hoặc liên quan. Nhiều chuyên gia người Việt từ nước ngoài quay về Việt Nam, tạo cơ hội kết nối và chuyển giao kiến thức, ý tưởng và kỹ năng cần thiết cho phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam.

[3] Năm 2019, hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam tăng trưởng về đầu tư so với các nước trong khu vực. Đầu tư cho các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Việt Nam từ 287 triệu USD năm 2018 lên đến 741 triệu USD năm 2019.

[4] Tỷ lệ đầu tư R&D trên doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông chỉ là 2,97%. Trong khi, tỷ lệ này tại các doanh nghiệp công như Samsung (7,2%), Alphabet (14,5%), Huawei (14,7%), Microsoft (12%), Amazon (10,4%), Google (14,9%)…

[5] Hệ sinh thái công nghệ là một hệ thống tương đối độc lập gồm các thành phần có mối liên hệ tương tác, hoạt động trong một số lĩnh vực công nghệ theo cách hợp tác để cùng phát triển.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here