Đại sứ Phạm Việt Anh thăm và làm việc với Cơ quan quản lý nước Hà Lan Vechtstromen

0
104

Ngày 21/9/2020, Đại sứ Phạm Việt Anh và đoàn công tác của Đại sứ quán đã đến thăm và làm việc với Cơ quan quản lý nước (DWA) Vechtstromen để tìm hiểu về mô hình quản lý nước, trị thủy của Hà Lan.

Hà Lan là quốc gia có 25% diện tích thấp hơn mực nước biển từ 2-6 mét, lại luôn chịu những trận gió lớn, sóng cả và gần đây là nước biển dâng gây ngập nặng. Hà Lan không những phải rèn luyện bản lĩnh mà còn phải tìm ra giải pháp thông minh, hữu hiệu trước sức nước để chế ngự, và quan trọng hơn là phải có cách sống chung với thiên tai.

Vấn đề trị thủy quan trọng từ xa xưa, nên Hà Lan đã thành lập cơ quan quản lý nước từ khoảng năm 1250 và đã từng có tới 1000 cơ quan như vậy. Nhưng với kỹ thuật và trình độ quản lý ngày càng cao, hiện nay Hà Lan chỉ còn 21 cơ quan quản lý nước mà Vechstromen là 1 trong số đó. Cơ quan này có trách nhiệm quản lý và bảo trì các công trình có tác động đối với dòng chảy của nước như đê, giồng, bến cảng; quản lý và bảo trì các thủy lộ; bảo đảm mực nước thích hợp trong các thủy lộ; bảo trì chất lượng nước mặt thông qua việc xử lý nước thải.

C.E.O của Vechstromen, GS.TS Stefan Kuks, cũng là Cố vấn quản trị chiến lược trong nhóm Cees Veerman tư vấn cho Thủ tướng Việt Nam về kế hoạch phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long. Trong khuôn khổ Chương trình Blue Deal được Chính phủ Hà Lan tài trợ cho một số dự án về giải pháp đối với các thách thức về nước trên thế giới, một số chuyên gia chủ chốt của DWA Hà Lan đã hỗ trợ và tư vấn trong lĩnh vực cơ cấu tổ chức, quy hoạch “Dự án Quản lý lũ và ngập lụt tại thành phố Hồ Chí Minh”, tham gia dự thảo Quy hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long.

Từ kết quả của các dự án trên tại Việt Nam, Dự án Blue Dragon ra đời trong khuôn khổ Blue Deal sẽ kéo dài 12 năm (từ 2019- 2030), do Cơ quan quản lý nước DWA phối hợp với một số cơ quan thuộc Chính Phủ Hà Lan thực hiện tại Thành phố Cần Thơ và 2 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, tập trung vào xây dựng năng lực của cá nhân, tổ chức, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn hướng tới cải thiện sinh kế của dân qua việc tăng cường khả năng tiếp cận nước sạch.

Qua trao đổi với Đại sứ Phạm Việt Anh, ông Stefen Kuks cũng nêu nhiều khó khăn, thách thức mà dự án đang gặp phải tại Việt Nam như cơ chế hoạt động ở các nơi không đồng bộ, thiếu sự điều phối và phối hợp giữa các tỉnh là đối tác tham gia dự án và thiếu vốn đối ứng từ phía Việt Nam.

Đại sứ Phạm Việt Anh bày tỏ cảm ơn Chính phủ Hà Lan đã quan tâm và lựa chọn Việt Nam là một trong 14 quốc gia trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn quản lý nước trong khuôn khổ chương trình Blue Deal. Đại sứ cũng chia sẻ và ghi nhận những khó khăn mà dự án gặp phải tại Việt Nam đồng thời khẳng định sẽ báo cáo về các cơ quan hữu quan Việt Nam để giải tỏa những khó khăn mà Blue Dragon đang gặp.

Cùng ngày, đoàn cũng đến thăm hai công ty NX Filtration và Jotem Water Treatment của Hà Lan chuyên nghiên cứu và thử nghiệm lọc nước bằng công nghệ nano. Công nghệ này tiêu hao rất ít năng lượng, không sử dụng hóa chất, thân thiện với môi trường, có thể loại bỏ vi khuẩn, virus, hóa chất và cung cấp nước sạch đủ tiêu chuẩn của WHO, nghĩa là uống ngay được. Đặc biệt, lọc nước theo công nghệ nano không cần diện tích và thiết bị cồng kềnh. Ví dụ, một máy lọc nhỏ mang tên Smartbox chỉ nặng 60kg, kích thước 1,07 x 0,62 x 0,45m, dùng năng lượng mặt trời, có thể cung cấp 200-300 lít nước/giờ.

Sản phẩm lọc nước này là kết quả ứng dụng các nghiên cứu khoa học và  phát minh từ các trường đại học Saxion, Twente. Trong buổi làm việc, hai bên thảo luận phương án quảng bá, chia sẻ ứng dụng này rộng rãi tại thị trường Việt Nam. Trước mắt, hai công ty trên mong muốn tặng một số máy lọc nước cho các trường Đại học ở Việt Nam để làm mẫu nghiên cứu và thử nghiệm./.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here