Kinh nghiệm quản lý, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở một số nước (phần cuối)

0
71

1.2.4. Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gọi là vùng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được hiểu là vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng thành tựu của nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện nhiệm vụ sản xuất một hoặc một vài nông sản hàng hóa và hàng hóa xuất khẩu chiến lược dựa trên các kết quả chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh; trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao; sử dụng các loại vật tư, máy móc, thiết bị hiện đại trong nông nghiệp; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra một lượng nông sản hàng hóa lớn và tập trung.

Đây là hình thức sản xuất phổ biến và mang tính đại trà, có ý nghĩa thực tiễn tại các quốc gia có diện tích đất nông nghiệp rộng và đang phát triển như Việt Nam. Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này phù hợp với các đối tượng cây con cần khoảng không gian cách ly lớn; tận dụng được các điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của vùng (quy tụ được diện tích sản xuất lớn, thu hút được nguồn nhân lực khoa học) có thể áp dụng nhiều kỹ thuật canh tác hiện đại với đối tượng cây con đặc trưng nên sẽ tạo được vùng sản xuất nông nghiệp lớn theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp. Việc sản xuất theo hình thức này cũng gặp phải những hạn chế như: ứng dụng công nghệ không đồng bộ nên chất lượng sản phẩm không cao, không đáp ứng yêu cầu thị trường; thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, hiệu quả kinh tế không cao.

Hiện nay, cả nước bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất như vùng chuyên sản xuất rau quả thực phẩm, hoa, trà tại Lâm Đồng, vùng sản xuất hoa lan, vùng sản xuất rau an… theo quy trình VietGap tại thành phố Hồ Chí Minh với thu nhập tăng nhiều lần so với sản xuất thông thường.

  1. Kinh nghiệm quản lý thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao một số nước và giá trị tham khảo

2.1. Kinh nghiệm các nước

2.1.1. Kinh nghiệm của Mỹ

Tại Mỹ, từ đầu thế kỉ XX, chính phủ Mỹ đã áp dụng những tiến bộ kĩ thuật vào nông nghiệp để nâng cao năng suất và bắt đầu thời kì vàng son của nền nông nghiệp Mỹ.

Đầu những năm 80, Hoa Kỳ đã có hơn 100 khu khoa học công nghệ dành cho nông nghiệp. Các biện pháp được nước này sử dụng là: sử dụng thiết bị tưới tiêu công nghệ cao, tập trung nghiên cứu phát triển giống mới, trồng cây công nghệ sinh học với diện tích lớn nhất trên thế giới, nghiên cứu các giống cây biến đổi gen.

Một xu hướng ngày càng phát triển ở Mỹ là đang có bước chuyển giữa các trang trại thâm canh tăng vụ, các nhà sản xuất nông nghiệp truyền thống lớn sang sản xuất dựa trên khoa học, nghiên cứu và phát triển, như sản xuất khoai tây lai có khả năng kháng virus cao, hay chuối cây thân nhỏ, năng suất cao.

2.1.2. Kinh nghiệm của Nhật Bản

Năm 1961, Nhật Bản đã chuẩn bị xây dựng thành phố khoa học tại Zhubo cách Tokyo 60km. Năm 1964 bắt đầu xây dựng, năm 1974 khánh thành Đại học Zhubo, đến cuối thập kỷ 80 dân số thành phố đã lên đến 150.000 người; trong đó nhân viên nghiên cứu là 6.500 người, học sinh 9.000 người. Trong thành phố khoa học có trường đại học, viện nghiên cứu, công viên và khu chung cư. Có trên 50 đơn vị dạy học, nghiên cứu, trong đó các viện khoảng 15 – 16 đơn vị như: Viện công nghệ, kỹ thuật nông nghiệp, môi trường, dâu tằm, quy hoạch đất, công trình nông nghiệp, công trình sinh vật, giống, kho gen.

Chủ yếu tập trung vào các công nghệ tiết kiệm đất như: tăng cường sử dụng phân hóa học; hoàn thiện công tác quản lý và kỹ thuật tưới tiêu cho lúa; lai tạo và đưa vào sử dụng đại trà giống kháng bệnh, sâu rầy và chịu rét, đưa sản xuất nông nghiệp sang thâm canh, tăng năng suất. Nhật Bản cũng rất nhanh nhạy với vấn đề này khi cho thành lập Viện Quốc gia về Khoa học nông nghiệp ở cấp Nhà nước, tăng cường nghiên cứu liên kết giữa các viện khoa học với các trường đại học, hội khuyến nông, để thắt chặt và nâng cao công tác quản lý.

2.1.3. Kinh nghiệm của Israel

Đầu năm 80 của thế kỷ 20, Israel đã xây dựng được 10 khu khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với doanh thu từ trồng trọt đạt mức kỷ lục 200.000 USD/ha. Công nghệ nhà kính cho năng suất cà chua 300 tấn/ha, gấp 4 lần trồng ngoài đồng. Israel chỉ có 360.000 ha đất sản xuất nông nghiệp khô cằn, thiếu nước tưới lại phân bố trên nhiều kiểu khí hậu khác biệt nhưng đã sản xuất đủ lương thực, thực phẩm cho cả nước và xuất khẩu. Trong 5 thập niên gần đây, giá trị sản xuất nông nghiệp của Israel luôn vượt con số 3,5 tỉ USD/năm, trong đó xuất khẩu chiếm trên 20%. Hiện nay, một nông dân Israel sản xuất nông nghiệp đủ nuôi 100 người.

Đạt được thành công trên là do Chính phủ Israel đã xây dựng kế hoạch mang tầm quốc gia để phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo kiểu chìa khóa trao tay gồm các khâu: lập kế hoạch, xây dựng dự án và tham gia quản lý các dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Israel hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về phân bổ ngân sách cho nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNC trong nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp Israel hỗ trợ và kiểm soát toàn bộ các hoạt động nông nghiệp, gồm cả việc duy trì các tiêu chuẩn cao đối với các sản phẩm cây trồng và vật nuôi, đề ra các kế hoạch thúc đẩy, phát triển nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu và thị trường (marketing). Từ nhiều năm nay, nông nghiệp Israel được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ thông qua trợ cấp sản xuất và định mức nước tiêu thụ cho mỗi vụ. Hiện nay, nước này đã kiểm soát định mức sản xuất và chất lượng của một số sản phẩm nông nghiệp như: rau quả, sữa, trứng, gà con và khoai tây.

2.2. Giá trị tham khảo

Thứ nhất, việc xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao cũng chính là thực hiện vai trò hỗ trợ của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 Đại hội X và các văn bản của Nhà nước như Luật Công nghệ cao, Đề án Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 và tầm nhìn 2025, Nghị định số 61/2010/NĐ-CP Quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước dành cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ là cầu nối, tiếp nhận công nghệ từ những đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học, các viện trường để xây dựng mô hình hoàn thiện công nghệ, từ đó chuyển giao cho các doanh nghiệp nông nghiệp, các trang trại, hợp tác xã và nông hộ.

Thứ hai, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định lĩnh vực đột phá là công nghệ sinh học đã tạo ra các giống cây trồng chuyển gen với các đặc tính kháng được thuốc trừ cỏ, kháng sâu bệnh; công nghệ nuôi cấy mô thực vật invitro. Công nghệ cao trong canh tác và điều khiển các yếu tố ngoại cảnh phù hợp với thời kỳ sinh trưởng phát triển cây trồng trước hết là công nghệ trồng cây trong nhà kính, nay được gọi là nhà màng do việc sử dụng mái lợp bằng màng polyethylen thay thế cho kính (green house) hay nhà lưới (net house). Công nghệ trồng cây thủy canh (hydroponics) dựa trên cơ sở cung cấp dinh dưỡng qua nước (fertigation), kỹ thuật khí canh (aeroponics) – dinh dưỡng được cung cấp cho cây dưới dạng phun sương và kỹ thuật trồng cây trên giá thể – dinh dưỡng chủ yếu được cung cấp ở dạng lỏng qua giá thể trơ. Kỹ thuật trồng cây trên giá thể (solid media culture) thực chất là biện pháp cải tiến của công nghệ trồng cây thủy canh. Công nghệ tưới tiết kiệm nước theo hình thức nhỏ giọt bán thấm và tưới phun mưa kết hợp với bón phân. Công nghệ tưới có thể ứng dụng ở nhiều điều kiện khác nhau như trong nhà kính, nhà lưới, cây trồng ngoài đồng ruộng,… Israel là nước ứng dụng rất thành công và hiệu quả công nghệ tưới cho nông nghiệp cũng như trong hệ thống nhà kính, nhà lưới.

Thứ ba, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao. Chính sách được xem là cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp phát triển KT-XH nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng. Chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành và phát triển nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Chính sách phát triển NNCNC do lãnh đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành có liên quan đề ra, nhằm xác lập và định hướng sự phát triển cho phù hợp với xu hướng phát triển của ngành Nông nghiệp thế giới. Chính sách này tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất ứng dụng những thành tựu KHCN hiện đại vào phát triển nông nghiệp.

Như vậy, để việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất có hiệu quả đòi hỏi phải có những chính sách mang tính chất chiến lược, đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển chung của thời đại; công nghệ ứng dụng trong sản xuất cũng ngày càng phát triển theo sự phát triển KHCN nhân loại.

Thứ tư, bên cạnh các nhân tố trên thì việc hình thành và phát triển nền NNCNC còn có sự tác động của các nhân tố khác như cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn vốn, đất đai và địa hình, khí hậu, thủy văn. Hầu hết các nước áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đều có chung đặc điểm là quỹ đất canh tác khiêm tốn nên việc tiết kiệm đất được đặt lên hàng đầu. Ưu tiên đầu tư ngân sách cho nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Đầu tư đào tạo phát triển nhân lực làm chủ công nghệ cao trong nông nghiệp. Xây dựng chính sách đặc thù để phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ■

ThS. NGUYỄN THU PHƯƠNG

(Khoa Quản lý Nhà nước về Xã hội – Học viện Hành chính Quốc gia)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here