Thị trường chứng khoán thế giới: Sáu vấn đề cần dè chừng

0
80

Thị trường chứng khoán thế giới trong tháng 10 vừa qua đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất kể từ 7 năm qua, giảm tới 10%. Hiện nay tình hình dường như đã trở lại ổn định. Tuy nhiên, những thách thức vẫn không phải không ít trong thời gian tới. Kịch bản lạc quan đã nhường chỗ cho một loạt bất ổn. Ngân hàng Citi của Mỹ đã đưa ra danh sách 6 vấn đề phản ánh một môi trường u ám và bất ổn hơn.

  1. Lạm phát tăng cao trở lại

Cách đây hơn 1 năm, các nhà đầu tư đã phải canh chừng những nguy cơ về thiểu phát trên toàn thế giới. Ngày nay, căng thẳng lạm phát dường như đang quay lại. Tình hình việc làm đang được cải thiện trên khắp thế giới, kể cả tại châu Âu nơi vốn thiếu nhân lực,  đồng thời với việc lương bổng tăng cao, khiến nguy cơ lạm phát tăng cao, bất chấp vẫn tồn tại những yếu tố thiểu phát về dài hạn. Và lạm phát sẽ buộc các ngân hàng trung ương siết chặt hơn chính sách tiền tệ, dẫn đến khả năng kinh tế suy thoái cao.

  1. Lượng tiền mặt lưu thông ít đi

Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed sẽ phải tăng lãi suất thêm 1/4 điểm vào tháng 12 tới và có thể phải tăng lãi suất như vậy thêm 3 lần nữa trong năm 2019. Ngân hàng trung ương châu Âu BCE cũng sẽ ngừng việc mua lại trái phiếu vào cuối năm nay. Hậu quả là lượng tiền mặt, vốn lâu nay vẫn là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán, sẽ cạn kiệt dần. Các giao dịch mua, ròng của các ngân hàng trung ương sẽ ở mức 0 vào cuối năm nay, trong khi con số này đến giữa năm 2016 vẫn còn là 180 tỷ USD mỗi tháng. Việc lượng tiền mặt giảm sẽ làm tăng cao khả năng “bay hơi” của những trái phiếu rủi ro. Các thị trường tín dụng bị ảnh hưởng nhiều nhất (đặc biệt trong các lĩnh vực dầu lửa, năng lượng, dịch vụ và viễn thông).

  1. Các khoản nợ xấu tăng

Lãi suất tăng làm nóng lại vấn đề ổn định kinh tế và tiền tệ. Như vậy, việc thanh toán nợ về dài hạn sẽ thấp hơn mức trung bình tại phần lớn các nước phát triển, trong đó Pháp, Bỉ, Canada và Thụy Điển dễ bị tổn thất nhất trong trường hợp lãi suất tăng mạnh. Hơn nữa, nợ của các doanh nghiệp đã tăng kể từ 2016. Điều này có thể làm suy giảm khả năng chống chịu của các thị trường đối với các cú “sốc”.

  1. Các nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thất hơn

Tại các thị trường mới nổi, kịch bản “câu chuyện cổ tích” (tăng trưởng cao và lạm phát thấp) có thể phải nhường chỗ cho kịch bản trì trệ. Đồng tiền của các nền kinh tế này mất giá mạnh kéo theo lạm phát và lãi suất tăng. Việc siết chặt lại các điều kiện tài chính có thể tác động tới tăng trưởng vốn đã suy giảm do sự giảm tốc của Trung Quốc. Trong bối cảnh này, nguy cơ chính đối với các thị trường mới nổi là “tính dễ bị tổn thương đối với việc rút vốn ra khỏi các nền kinh tế đó, làm tăng nguy cơ lạm phát và tạo sức ép đối với tăng trưởng trong khi các nguồn tài chính từ bên ngoài cạn kiệt”.

Mặc dù vậy, bất chấp việc đồng đô la lên giá, căng thẳng thương mại cũng như sự chững lại của Trung Quốc, ngân hàng Citi “không dự báo sẽ có khủng hoảng do các nền tảng cơ bản vẫn rất vững chắc”.

  1. Cuộc chiến thương mại

Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu tác động đến trao đổi thương mại thế giới, đến tăng trưởng của Trung Quốc và tâm lý của các doanh nghiệp và cũng sẽ sớm ảnh hưởng tới lạm phát tại Mỹ. “Cuộc chiến tranh thương mại toàn diện” sẽ được thể hiện bằng sự sụt giảm của các thị trường cổ phiều và của lãi xuất các khoản vay được bảo lãnh của Mỹ. Những lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất là các lĩnh vực có trao đổi thương mại với Mỹ như công nghiệp, dược, xe hơi và công nghệ.

Ngân hàng Citi đánh giá là không nên hy vọng tình hình trở lại bình thường trong tương lai gần, bởi vì “các sức ép về cấu trúc (như chủ nghĩa bảo hộ) đang tác động lên thương mại thế giới”.

  1. Tương lai của châu Âu

Tất nhiên Brexit (mà thị trường vẫn luôn coi nhẹ các nguy cơ) và căng thẳng giữa Italia và EU sẽ tiếp tục làm u ám tương lai của EU, nhưng EU cũng cần chú trọng cải cách các thể chế để đảm bảo sự “ổn định dài hạn”. Nếu không cải cách thuế và ngân sách một cách thực sự, nguy cơ khủng hoảng mới cho EU là tương đối lớn. Những động thái chính trị tại châu Âu thời gian qua (trào lưu chủ nghĩa bảo hộ, sự suy yếu của Thủ tướng Đức Angele Merkel…) làm cho tương lai của EU khó lường hơn và bất ổn hơn.

Bầu cử nghị viện châu Âu năm 2019 sẽ rất quan trọng, bởi vì cuộc bầu cử này có thể làm bước đệm cho sự thành công mới đối với các lực lượng chính trị gây rối. Tình hình như vậy sẽ không thuận lợi cho các nhà đầu tư trở lại với thị trường chứng khoán châu Âu cũng như không cho phép thị trường này khỏa lấp được sự chậm trễ so với thị trường Mỹ.

Tin từ ĐSQVN tại Pháp (theo Les Echos – 7/11/2018)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here