Không gian mới cho phát triển đất nước

0
62
(Tham luận tại Đại hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập các giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia)
(Tham luận tại Đại hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập các giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia)

Trong nhiệm kỳ 2021 – 2025 và những năm tiếp theo, bên cạnh các mục tiêu định lượng, Văn kiện Đại hội XIII còn xác định khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để hiện thực hóa khát vọng này, nhiều tham luận tại Đại hội đã đưa ra những đề xuất cụ thể, nhằm tạo lập một không gian mới hơn cho kỳ tích phát triển mới.

Tăng tốc chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn

Trong thời gian một ngày rưỡi dành cho thảo luận Văn kiện Đại hội XIII tại hội trường, đã có 36 đại biểu trình bày tham luận. Trước đó, trong phiên thảo luận tại đoàn, có 788 ý kiến phát biểu. Sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ là đánh giá khái quát về những phiên thảo luận này.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, khi nêu các định hướng lớn cần thực hiện thời gian tới để giúp Việt Nam có thể nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững, đã đưa yếu tố tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số lên vị trí thứ nhất.

Theo Bộ trưởng, dòng chảy đầu tư của thế giới vốn đang trong quá trình dịch chuyển, cộng thêm tác động của Covid-19 càng làm cho đích đến của các nguồn vốn đầu tư chuyển về các địa bàn có môi trường ổn định, trong đó, Việt Nam đang trở thành điểm sáng, ngày càng chiếm được lòng tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới. Tiến trình hội nhập quốc tế, với quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam, đã tiếp tục giúp nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0… không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại, mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống. Đây là thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển.

Nhưng theo ông Trần Tuấn Anh, để có thể tận dụng được thời cơ này, có rất nhiều việc phải làm, trọng tâm là tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.

Các giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia cũng là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề cập trong tham luận.

Người đứng đầu ngành thông tin – truyền thông nhấn mạnh rằng, với lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số. Đây là tiền đề vững chắc để hình thành nên một ngành công nghiệp không khói, hàm lượng chất xám cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; là động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Bên cạnh kinh tế số, xây dựng kinh tế tuần hoàn cũng đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội.

Làm sâu sắc thêm chủ trương này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên, mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận kinh tế tuần hoàn, như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy…; mô hình vườn – ao – chuồng, vườn – rừng – ao – chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi… trong nông nghiệp; các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ.

Nhưng ở diện rộng, việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn gặp không ít khó khăn, thách thức. Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Người đứng đầu ngành tài nguyên – môi trường cũng kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xem xét ban hành nghị quyết về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Những điểm mới trong chiến lược phát triển đất nước, những suy nghĩ mới, đề xuất mới từ gần 800 ý kiến thảo luận tại Đại hội đã mở ra cho người dân và doanh nghiệp hy vọng về một không gian phát triển khoáng đạt hơn. Nhưng, như có chuyên gia xây dựng Đảng từng phân tích, đường lối có tốt đến đâu, mà không có cán bộ tốt, thì cũng không thể đi vào cuộc sống.

Vị lãnh đạo cao nhất của Đảng trong nhiệm kỳ XII cũng nhiều lần nhấn mạnh: công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”. Trước Đại hội XIII, ông cũng nhắc lại yêu cầu tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Nhưng, các văn kiện Đại hội và cả một số tham luận đã thẳng thắn nhìn nhận những thách thức không nhỏ trong công tác cán bộ. Ông Đỗ Việt Hà, Phó bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nêu thực tế: không ít cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có những biểu hiện “cua cậy càng, cá cậy vây”, quan liêu, xa dân. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sa vào chủ nghĩa cá nhân, bè phái, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí… làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

Bởi vậy, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho rằng, cần đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, coi đây là phương pháp đúng đắn, hiệu quả và là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay.

Từng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng nói riêng, Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII, bên cạnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, cần sớm triển khai thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đây cũng là mối quan tâm của nhiều đại biểu khác. Trao đổ với báo chí bên lề Đại hội, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy cho rằng, trong quá trình đổi mới, không thể tránh khỏi những vấn đề bất cập do cơ chế, chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Song Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã tính tới các yếu tố này, đã đề cập cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung của địa phương và đất nước.

“Chúng tôi là những người lãnh đạo địa phương rất tâm đắc với chủ trương này của Trung ương Đảng mà tới đây sẽ được quyết nghị trong Đại hội XIII, để những người lãnh đạo các địa phương tự tin hơn, vững tâm hơn khi mình dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển của địa phương cũng như của đất nước”, ông Đỗ Đức Duy bày tỏ.

(Song An/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here