Tại buổi Họp báo thường niên do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 20/4, ông Fujita Yasuo – Trưởng đại diện JICA Việt Nam khẳng định, trong năm tài khóa 2017 của Nhật Bản (từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018), số vốn cam kết tài trợ cho Việt Nam sẽ không thay đổi nhiều so với năm tài khóa 2016. Việt Nam vẫn là một trong những nước có các dự án quy mô lớn nhất của JICA trên thế giới.
Việt Nam có dự án quy mô lớn nhất của JICA
Theo đó, trong năm tài khóa 2017, JICA sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ vào 3 trụ cột chính: “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế”, “Tăng cường quản trị nhà nước” và “Hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương”. Về cơ bản, cơ cấu 3 trụ cột chính của JICA là không thay đổi so với năm tài khóa 2016, trong đó các nội dung thực hiện sẽ được xem xét, điều chỉnh tùy thuộc vào các chính sách của Chính phủ Nhật Bản, nhu cầu của Chính phủ Việt Nam cũng như các mục tiêu phát triển bền vững.
Ở trụ cột thứ nhất, JICA sẽ tập trung vào các hoạt động cụ thể như: phát triển đô thị, hỗ trợ các địa phương, phát triển hệ thống giao thông vận tải, hỗ trợ thành phần kinh tế tư nhân, công nghiệp, nông lâm thủy sản, tài chính công và phát triển thị trường vốn, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Trụ cột thứ hai, JICA hỗ trợ hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và các dịch vụ y tế cơ bản; đồng thời tiếp tục có các dự án cụ thể để đối phó với biến đổi khí hậu.
Với trụ cột thứ ba, JICA hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực pháp lý của các cơ quan quản lý hành chính, hoàn thiện truyền thông công cộng…
Khó khăn trong giải ngân cho tài khóa 2017
Tuy nhiên, theo đại diện của JICA, mức độ giải ngân cho tài khóa năm 2017 dự kiến sẽ thấp hơn so với tài khóa năm 2016 do Dự án Nhiệt điện Thái Bình đã qua giai đoạn cần nhiều vốn. Cùng với đó, việc Chính phủ Việt Nam hạn chế ngân sách giải ngân cho vốn vay cũng sẽ ảnh hưởng tới vốn giải ngân.
Đại diện JICA Nhật Bản cũng chỉ rõ những khó khăn gặp phải trong quá trình hỗ trợ tại Việt Nam. Đó là quá trình thực hiện các thủ tục hành chính; công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ. Ngoài ra, theo quy định của JICA, Việt Nam cần gửi yêu cầu hợp tác vào cuối tháng 8 hàng năm, nhưng việc gửi các yêu cầu này cũng rất chậm. Đơn cử tại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, chỉ xem xét lại tổng mức đầu tư của dự án cũng kéo dài tới 4 năm.
Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Theo các quy định của Nghị định này, các thủ tục phê duyệt dự án ODA phức tạo hơn nên cũng ảnh hưởng tới các thủ tục vay vốn ODA.
Ngoài ra, vấn đề giải ngân các khoản viện trợ của Việt Nam cũng chậm trễ. Điều này do giới hạn trần của Chính phủ Việt Nam về mức độ giải ngân nên từ giữa năm 2016 đã có những khoản thanh toán nhà thầu phải dừng lại do quy định này. Từ tháng 1/2017, ngân sách sử dụng vốn vay đã khai thông trở lại và các khoản thanh toán đã được triển khai, nhưng số tiền phân bố cho các dự án vẫn thiếu nhiều.
Ông Fujita Yasuo nhấn mạnh: “Quan điểm của JICA là tôn trọng về nợ công của Việt Nam, nhưng những thủ tục nào có thể đơn giản hóa được thì Chính phủ Việt Nam nên đơn giản hóa để thủ tục giải ngân được nhanh hơn cũng như giúp cho quá trình triển khai các hoạt động của dự án được dễ dàng hơn”.
Theo ông Fujita Yasuo, các trở ngại trên không phải riêng JICA gặp phải mà cũng là trở ngại chung của các nhà tài trợ quốc tế ở Việt Nam. Thời gian tới JICA sẽ phối hợp với các nhà tài trợ để kiến nghị với Chính phủ Việt Nam tháo gỡ các trở ngại trên.
Trong năm tài khóa 2016, Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam vốn ODA là 187,1 tỷ Yên (tổng số khoản vay đã cam kết); khoản vay thực tế là 175,6 tỷ Yên.
Quốc Huy