Ngày 5/9/2021, The Wall Street Journal đăng bài cho rằng những thay đổi trong kế hoạch phát triển công nghiệp của Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm của Mỹ. Bắc Kinh cũng theo đuổi các chính sách tương tự Mỹ, đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản có khả năng ứng dụng cho công nghiệp và đang dần bắt kịp Mỹ trong những lĩnh vực mà Mỹ từng chiếm ưu thế như trí tuệ nhân tạo hay robotics.
Tổng thống Biden cho rằng sự thờ ơ và thiếu đầu tư trong hàng thập kỷ đã khiến Mỹ mất lợi thế cạnh tranh toàn cầu và tụt hậu so với những nước tập trung đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ và ngành công nghiệp mới như Trung Quốc. Chính quyền Biden gần đây cũng đang tập trung đầu tư thúc đẩy phát triển công nghiệp nhằm tái khẳng định khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực bán dẫn.
Giáo sư Naughton của Đại học California cho rằng chính sách công nghiệp trước đây của Trung Quốc tập trung vào tạo việc làm và tăng trưởng nội địa đã làm lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ đó Trung Quốc đã thu hút hàng trăm tỷ đô-la đầu tư nước ngoài và trở thành công xưởng của thế giới. Khi chuyển sang chính sách tự cường với trọng tâm phát triển công nghiệp và công nghệ dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đầu tư mạnh cho các lĩnh vực như sản xuất ô tô và điện khí hóa. Gần đây, Trung Quốc tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực của tương lai như công nghệ lượng tử. Ông cho rằng các ưu tiên chính sách của Trung Quốc đều đi kèm với những nguồn kinh phí rất lớn, ví dụ như “các quỹ định hướng công nghiệp” có thể lên tới 1,6 nghìn tỷ USD.
Nhà kinh tế học của Đại học Columbia, Jeffrey Sachs, cho rằng Bắc Kinh đang đầu tư vào những công nghệ tiên tiến giống Mỹ và điều này khiến các chính trị gia Mỹ quan ngại. Điều tra của Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung cho thấy 38% công ty đa quốc gia cho rằng hoạt động của họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách công nghiệp của Trung Quốc, tăng hơn 3 lần so với cách đây 2 năm.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)