Biến thể Delta có thể “đánh đổ” trung tâm sản xuất hàng đầu Châu Á – Việt Nam?

0
71
(Internet)
Ảnh minh họa

Tờ Financial Times mới đây có bài nhận định về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, trong đó, biến thể Delta vẫn đang lây lan mạnh tại một số Trung tâm sản xuất chủ chốt, làm dấy lên nghi ngại về tương lai của một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu châu Á.

Về chỉ số phục hồi sau COVID-19, Nikkei Asia đã xếp Việt Nam ở vị trí cuối cùng, cùng đứng thứ 120 với Thái Lan. Chỉ số này bao gồm các tiêu chí đánh giá khả năng kiểm soát dịch lây lan và thực hiện chương trình tiêm chủng.

Bà Lê Thu Hường, chuyên gia phân tích cao cấp tại Viện Chính sách chiến lược Australia và tác giả bài viết về năng lực ứng phó với đại dịch của Việt Nam cho biết: “Việt Nam đã kiềm chế được nhiều làn sóng COVID-19, nhưng lần này, Delta đã tỏ ra khó kiểm soát hơn”.

Những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt ở TP.HCM đang khiến các thương hiệu, trong đó có Nike và Adidas, bị gián đoạn hoạt động. Điều này cho thấy vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Toyota cũng thông báo ngừng hoạt động 27 dây chuyền sản xuất tại 14 nhà máy ở Nhật Bản do thiếu linh kiện được sản xuất ở Đông Nam Á – chủ yếu là Việt Nam và Malaysia. Việt Nam thực hiện chiến lược tập trung vào việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan và duy trì hoạt động kinh tế, song những biện pháp duy trì sản xuất, như áp dụng mô hình “ba tại chỗ”, gây khó khăn cho người lao động, tốn kém cho các công ty và hạn chế nghiêm trọng năng lực sản xuất trong nước.

VinaCapital, một quỹ quản lý đầu tư tại TP. HCM cho biết, trong tháng 8/2021, xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam đã giảm. Sự sụt giảm kết hợp với nhu cầu tiêu thụ thấp hơn có khả năng khiến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam giảm trong năm nay. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh tại TP.HCM trước ngày 15/9, theo đó phải giảm 20% số ca tử vong mỗi ngày và số bệnh nhân mắc COVID-19 xuất viện vượt số bệnh nhân nhập viện.

Câu hỏi được đặt ra là liệu Việt Nam có thể kiềm chế khủng hoảng đủ nhanh để tránh được tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài rời đi hay không. Hiện tại, có rất ít dấu hiệu thoái vốn công khai và đồng Việt Nam là một trong số ít đồng tiền ở Đông Nam Á tăng giá so với đồng USD trong năm nay.

Ngày 2/9, Bộ Thông tin – Truyền thông khởi sự chiến dịch truyền thông với thông điệp chính “Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra kết luận được giới truyền thông đánh giá là bước ngoặt trong tư duy chống dịch COVID-19: “Phải nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài…”.

Một số chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước bày tỏ ủng hộ quan điểm mới của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng thời gợi ý nhiều phương án mở cửa kinh tế trở lại cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu độc lập (IDS), nêu quan điểm: Trước hết, phải tiêm vaccine cho công nhân, những người làm việc trong nhà máy và đội ngũ viên chức, từ đó mở cửa để từng bước mở rộng giao lưu. Thứ hai, nên chuyển sang chỉ giãn cách hẹp ở những khu có người mắc bệnh, không nên giãn cách cả thành phố, lại càng không nên giãn cách cả nước vì hiện có 14 tỉnh chưa ai mắc bệnh. Thứ ba, nếu giãn cách, phải thực hiện nghiêm và nên tổ chức việc cung ứng thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân để hạn chế việc tiếp xúc và lây lan bệnh. Ông lưu ý: “Cho đến nay, vấn đề lớn là vaccine”.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tình hình hiện rất khó khăn, số DN đóng cửa rời thị trường rất lớn, chưa kể 5 triệu hộ gia đình kinh doanh chưa đăng ký thành doanh nghiệp. Do đó, để giải quyết được những tồn tại, phải biết những đề nghị của các doanh nghiệp hiện đang ở đâu, ai giải quyết và bao giờ xử lý xong.

Ngoài ra, nên rà soát lại tất cả những quy định trước kia, phải tỉnh táo, cầu thị, sớm chuẩn bị cho kịch bản mà Thủ tướng nói là sống chung với dịch bệnh. Thêm nữa là vaccine tạo mức an toàn đủ lớn để các hộ kinh doanh có thể trở lại hoạt động bình thường: “Nếu giãn cách quá lâu, có nguy cơ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ tìm cách chuyển sang nơi khác. Điều đó sẽ gây nhiều hệ lụy cho kinh tế và xã hội của Việt Nam”.

Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng đang đối phó với đợt dịch căng thẳng như Việt Nam với số ca nhiễm có khi lên đến hơn 23.000 ca/ngày, nhưng Thái Lan vừa quyết định dỡ bỏ những hạn chế từ tháng 9/2021, cho phép các hình thức kinh doanh được coi là “rủi ro cao” được phép hoạt động trở lại.

Cụ thể, nhà hàng sẽ mở cửa phục vụ ăn uống trở lại, nhưng sẽ phải duy trì giới hạn ở mức 50% công suất hoạt động đối với các nhà hàng có máy lạnh. Các nhà hàng ngoài trời có thể phục vụ tới 75% chỗ ngồi. Các trung tâm mua sắm, tiệm làm tóc, tiệm mátxa và phòng khám làm đẹp cũng được phép mở cửa trở lại. Các chuyến bay thương mại nội địa được nối lại, người dân được phép tổ chức các cuộc gặp gỡ lên mức tối đa 25 người thay vì 5 người như hiện tại.

Tờ Bangkok Post dẫn lời quan chức Trung tâm xử lý tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan cho rằng: “Phải thích nghi để cùng tồn tại một cách an toàn với dịch bệnh. Các chiến lược sẽ thay đổi theo hướng mà việc kiểm soát dịch bệnh phải đi cùng với sự phục hồi kinh tế. Hoạt động kinh doanh sẽ được tiếp tục để mọi người có thể khôi phục cuộc sống bình thường và giảm bớt khó khăn nhất có thể”.

Thọ Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here